Cao Nguyên – RFA
Chừng 10 ngày sau khi kết thúc phiên sơ thẩm vụ án Đồng Tâm, các luật sư bào chữa cho một số bị cáo trong vụ án này cho biết có ít nhất 3 người đã viết và gửi đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Trong khi đó, thân nhân các bị cáo cũng cập nhật với RFA nhiều thông tin ở xã Đồng Tâm hậu sơ thẩm.
Toà án Nhân dân TP. Hà Nội chiều 14/9 ra phán quyết đối với 29 bị cáo trong vụ án “Giết người” và “chống người thi hành công vụ” diễn ra vào rạng sáng ngày 9/1/2020 ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội.
Có 2 người bị tuyên tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, đều là con trai cụ Lê Đình Kình. Ông Lê Đình Doanh, cháu nội cụ Lê Đình Kình, nhận án chung thân. Ông Bùi Viết Hiểu 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù và Nguyễn Văn Tuyển 12 năm tù. Sáu người này bị cáo buộc tội “Giết người”.
Còn lại 23 bị cáo có mức án từ 15 tháng tù treo đến 6 năm tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Ít nhất 3 bị can trong trại giam đã kháng án
Theo luật sư Lê Văn Hoà, người bào chữa cho 2 bị cáo chịu án tử hình Lê Đình Công, Lê Đình Chức cho biết vào chiều ngày 23/9/2020, có 3 luật sư đã đến Trại giam số 2, Công an TP. Hà Nội để tìm hiểu về vấn đề kháng cáo của các bị cáo:
“Chiều nay, luật sư Bùi Hải Quảng, Ngô Anh Tuấn và tôi đã vào Trại tạm giam số 2 của Công an TP. Hà Nội và đã được trại tạm giam tạo điều kiện rất thuận lợi cho gặp 5 bị cáo, để chúng tôi tìm hiểu xem có ai kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án Hà Nội hay chưa.
Chúng tôi đã gặp các bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy, Bùi Viết Hiểu, bị cáo Tiến và bị cáo Quang.
Trước hết, đánh giá về sức khỏe thì qua quan sát của tôi thấy rằng các bị cáo có sức khỏe cơ bản tốt hơn so với những lần gặp trước. Thần thái cũng như dáng vẻ các bị cáo khỏe mạnh hơn so với phiên tòa vừa qua.
Về tinh thần thì tôi thấy là các bị cáo cũng có chuẩn bị tinh thần rất tốt.
Trong các bị cáo đó thì có ông Lê Đình Công, ông Lê Đình Chức và ông Bùi Viết Hiểu đã viết đơn gửi kháng cáo, thông qua Trại giam số 2 để gửi cơ quan chức năng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt đối với cáo buộc của bản án sơ thẩm.
Một số bị cáo khác thì chúng tôi không được gặp, luật sư nào bảo vệ bị cáo nào thì chỉ được gặp bị cáo đó.”
Luật sư Hoà hi vọng ở phiên phúc thẩm, các cơ quan chức năng sẽ xem xét về tính nhân đạo để có phán quyết “thấu tình đạt lý”. Đặc biệt là đối với 2 người chịu án tử hình:
“Về hai bị cáo Lê Đình Công và Lê Đình Chức, qua cuộc gặp gỡ tôi thấy các bị cáo đó chuẩn bị tinh thần tốt, và có nhắn gửi chúng tôi thông báo về cho thân nhân là cứ bình tâm lo sức khỏe, đừng quá lo nghĩ cho họ, bởi vì họ cũng đã xác định về mặt tâm lý và tư tưởng.
Cũng hy vọng rằng các cơ quan chức năng nhìn nhận thấu tình đạt lý. Bây giờ chính thức đã có một số bị can đã có đơn kháng cáo, tôi hi vọng rằng trong phiên tòa phúc thẩm tới, với tinh thần đổi mới, cũng như có cái nhìn nhận, đánh giá mang tính chất vừa đảm bảo đúng pháp luật và cũng sẽ có tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, để làm sao có một bản án vừa đúng pháp luật mà vừa đảm bảo tính nhân đạo ở trong đó.”
Phản ứng của thân nhân
Chị Nguyễn Thị Duyên, vợ bị cáo Lê Đình Uy – cháu dâu cụ Lê Đình Kình, nói với RFA vào tối ngày 23/9 rằng gia đình như trút bớt nỗi lo khi được luật sư báo tin có nhiều người đã gởi đơn kháng án:
“Với 2 án tử hình thì mọi người ở nhà rất lo lắng và sốt ruột, không biết bố và chú có kháng cáo hay không. Hôm nay nhận được tin luật sư nói là hai người đó có kháng cáo thì rất là mừng, không còn lo lắng nhiều như trước đó nữa.
Bởi vì trước đó đó gia đình rất lo lắng cho những người thân đang ở bên trong trại giam, sợ họ bị kìm kẹp, sợ họ bị công tác tư tưởng để không được kháng cáo. Nhưng bố em và chú, cùng với một số người khác đã kháng cáo. Bố em còn kêu oan nữa.”
Những người hưởng án treo, em cũng chưa tiếp xúc được với hết tất cả, nhưng một số người đã nói là họ rất muốn kháng cáo. Bởi vì họ không có tội gì thì họ hy vọng là những người ở bên trong (trại giam – PV) hãy kháng cáo, để cho họ có động lực để làm những bước tiếp theo.”
Nhiều người nói đã khai không đúng sự thật
Kết quả phiên sơ thẩm có 14 người được hưởng án treo và được trả tự do hôm 14/9. Nhiều người trong số họ khai trước toà rằng “do nhận thức không đúng nên đã bị ông Kình và bị cáo Công lôi kéo, nhận sự chỉ đạo để họp bàn, góp tiền mua xăng, lưu đạn… để thực hiện hành vi phạm tội”
Theo lời chị Duyên, hầu hết những người sau khi được thả đã đến nhà tạ tội trước bàn thờ cũng như mộ của cụ Kình vì đã khai không đúng sự thật:
“Đa số bây giờ đều khỏe mạnh, họ vô cùng thương tiếc trước cái chết của cụ Kình. Những người hôm đầu tiên về mà không qua thắp hương được cho cụ thì mấy ngày hôm sau đã tới nhà thắp hương cho cụ trên bàn thờ.
Họ không chia sẻ là có bị tra tấn đánh đập hay không, bởi vì họ đã bị hạn chế trả lời những câu tương tự như vậy.
Họ chỉ ra thắp hương cho cụ, xin lỗi cụ rất nhiều và xin lỗi cả gia đình em nữa, rằng là họ đã nói không đúng sự thật. Họ đã nói sai hết sự thật về cụ và lương tâm của họ đang rất cắn rứt. Họ có đến thắp hương cho cụ để xin lỗi trước bàn thờ và cả ngoài mộ nữa.
Thực ra việc họ phải khai như thế thì ai cũng hiểu thôi. Họ cũng chỉ nói với gia đình của em là họ bị ép buộc phải khai như thế, không thì người thân hay chính bản thân của họ sẽ gặp khó khăn trong trại, trong tù nên họ buộc phải khai sai sự thật như thế về cụ.”
Gia đình luôn bị theo sát, sách nhiễu
Vì lên tiếng cho gia đình và những người dân Đồng Tâm khác đang bị bắt, chị Duyên luôn bị an ninh giám sát, sách nhiễu:
“Mấy bữa nay em bị công an xã ở khu vực mà em bán hàng cứ hỏi rất nhiều về hợp đồng nhà và hỏi em về việc đã báo cáo tạm trú tạm vắng chưa mà đã bán hàng, và cũng làm phiền chủ nhà của em rất nhiều.
Em nhắn chủ nhà nói với các anh ấy là không có quyền hỏi em có tạm trú tạm vắng hay không. Không có luật nào kêu em phải thực hiện việc đó vì em không có ở qua đêm, vậy thì làm sao cần tạm trú tạm vắng.
Rồi họ nói nếu như em còn lên tiếng về gia đình nữa là họ sẽ trục xuất em ra khỏi khu vực bán hàng, không cho em bán ở đó nữa.
Hiện tại, gia đình em có camera theo dõi 24/24 ở nhà đối diện. Tất cả mọi cử chỉ hành động của mình đã có an ninh chìm nổi theo dõi.
Thực ra, gia đình cũng đã quen với việc đó rồi nên cũng không thấy khó chịu lắm, biết là chúng sẽ phải theo dõi mọi cử chỉ hành động của mình trước và sau phiên xử rồi. Đó là chuyện như cơm bữa cho nên gia đình cũng không còn hoang mang như trước nữa.”
Sau phiên toà sơ thẩm, ngày 18/9/2020, Liên minh Châu Âu đã ra một tuyên bố chính thức phản đối 2 bản án tử hình trong vụ án này: “Liên minh châu Âu phản đối việc sử dụng hình phạt tử hình dưới mọi hình thức và trong mọi hoàn cảnh, đồng thời luôn kiên định kêu gọi xóa bỏ hình phạt này trên toàn cầu.
Các báo cáo về những điều kiện và thủ tục tố tụng của phiên tòa làm dấy lên quan ngại sâu sắc về tính minh bạch và công bằng của phiên tòa này. EU và các nước thành viên ủng hộ mạnh mẽ sự tôn trọng pháp quyền và được hưởng đầy đủ quyền được xét xử công bằng, như quy định tại Điều 14 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một bên ký kết.”
#ĐồngTâm