Trước đó, ông Lê Hải An – Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng tử vong theo cách tương tự như ông Bùi Quang Tín, tức là cơ quan điều tra xác định ngã từ tầng cao xuống đất. Sự việc kết thúc tại đó, với nhiều vòng hoa tang cùng nước mắt ràn rụa từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho đến thân bằng quyến thuộc.
Ông Lê Hải An tròn 48 tuổi khi tạ thế. Ông Bùi Quang Tín chết trong mờ ám lúc được 44 tuổi.
Cả ông An và ông Tín đều được biết rất giỏi về chuyên môn, có uy tín trong giới học thuật, có tâm với học trò và có hoài bão cống hiến cho… tổ quốc! Tất nhiên, rất nhiều người (có cả Nguyễn Ngọc Già) đều tin như vậy (!).
Tiểu học bắt đầu khi trẻ được sáu tuổi. Điều này có nghĩa, ông An ôm cặp đến lớp vào năm 1977 và ông Tín cắp sách đến trường vào năm 1982.
Khoảng thời gian 1977 đến 1982 (và cho đến những năm cuối thế kỷ XX) là quãng thời gian tăm tối lầm than tràn ngập, mà người Việt trong nước cam chịu, trên mọi lãnh vực, không riêng giáo dục.
Người dân từ Bắc chí Nam cùng chấp nhận một lối sống (tạm gọi) “ngoan hiền” với lòng biết ơn vô hạn từ người CSVN.
Và… hình ảnh Hồ Chí Minh chiếm hoàn toàn trong tâm trí người Việt nói chung cũng như trẻ em nói riêng. Hầu như ai cũng thuộc nằm lòng “Năm điều bác Hồ dạy thiếu nhi” – một biểu hiện sống động của chủ trương nhồi sọ từ bé xíu!
Quãng thời gian đó kéo dài cho đến, ít nhất 1995 – thời gian Hoa Kỳ bỏ cấm vận Việt Nam và tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương.
Song song đó, mặc dù từ 1997, Việt Nam đã có internet, nhưng mãi đến những năm đầu thế kỷ XXI, internet mới dần dần phát triển được như ngày nay.
Nói dông dài như trên, nhằm để chỉ ra giáo dục của người CS chưa từng bao giờ dạy trẻ kỹ năng sống thiết thực – vốn rất cần lúc bấy giờ và đặc biệt, cho đến mãi sau này, trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày càng băng hoại và dường như tiến tới một cách rừng già thâm u, nơi chưa bao giờ có ánh sáng văn minh rọi tới.
Tiêu chuẩn để đạt được “cháu ngoan bác Hồ” như đường dẫn dưới đây [1], không chỉ toàn là đạo đức giả mà còn không hề dạy trẻ tính trách nhiệm, kỹ năng ứng phó trong xã hội biến loạn trầm trọng, với những cạm bẫy bủa vây trùng trùng điệp điệp và nhiều kỹ năng sống khác trong môi trường học đường, gia đình hay ngoài xã hội.
Trách sao những bạo lực học đường giữa học trò với nhau, hiếp dâm trẻ em, thầy cô thanh toán lẫn nhau như xã hội đen, buộc học trò bán dâm như tên Sầm Đức Xương hay ấu dâm trẻ trai như tên Đinh Bằng My và nhiều nạn kiếp khác cứ lừng lững trôi đi trong đau đớn của rất nhiều người Việt Nam…
Lê Hải An và Bùi Quang Tín, chắc chắn là những đứa trẻ “ngoan hiền” như vậy (!) Điều đó đồng nghĩa với một điều, cả hai ông, khi còn “ngồi dưới mái trường XHCN” (câu “thần chú” cho tất cả các bài văn đạt điểm cao của học trò không thể thiếu được) họ rất hiền lành như những chú cừu được chăn dắt trên “thảm cỏ đỏ” [2].
Trở lại với cái chết của ông Bùi Quang Tín. Hầu hết báo chí đều cho biết vợ ông Tín cho hay, có rất nhiều dấu hiệu để nghi ngờ về cái chết khuất tất của chồng mình, như: Trước đó ông Tín nhận nhiều tin nhắn đe dọa sẽ chết như kiểu ông Lê Hải An; bị nhiều áp lực trong công việc đã xin từ chức, không có hiềm thù chuốc oán với bất kỳ ai v.v…
Ông Tín là một tiến sĩ, một giáo sư, một luật sư và còn là một diễn giả uy tín trong giới. Điều này cho thấy, ông Tín có mối quan hệ xã hội rất rộng và chắc chắn phải có tư duy logic và tư duy phản biện (critical thinking) trong mọi vấn đề.
Câu hỏi đặt ra: Tại sao Bùi Quang Tín không dùng hết tất cả những vốn liếng tri thức để bảo vệ cho bản thân? Thưa rằng, từ bé xíu, ông Tín không hề được dạy kỹ năng sống ngay lúc còn là học sinh tiểu học. Ngoài ra, trên thực tế hiên tại, qua nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy và làm việc, có lẽ ông không còn thời gian dành cho môn học thiết thực này và cũng có thể ông không bận tâm lắm với cấp trên, đồng nghiệp, bạn bè vây quanh toàn là những người “đức cao vọng trọng” (!).
“Miệng nam mô bụng một bồ dao găm” – câu thành ngữ trong dân gian, trở nên quá buồn cười với những “giáo sư – tiến sĩ” chăng (?).
Chỉ riêng việc tới địa điểm xảy ra án mạng, khi ngồi cùng với nhiều người, uống (tới) 3 chai rượu mạnh, 12 chai bia mà không chút băn khoăn đã là một câu hỏi lớn về KỸ NĂNG SỐNG dành cho giáo sư – tiến sĩ – luật sư Bùi Quang Tín!
Dù không biết cái chết đầy mờ ám của ông Bùi Quang Tín có được kết luận tới nơi tới chốn hay không và những kẻ thủ ác có bị lôi ra chịu tội hay không, nhưng cái chết này là bài học cảnh tỉnh, không chỉ cho những trí thức (thật) mà cho tất cả những bậc phụ huynh, suy ngẫm về loại giáo dục PHI TRIẾT LÝ của người CSVN, diễn suốt hàng chục năm qua mà chính nó làm cho nhiều thế hệ người Việt Nam trở thành những “trí thức” ngủ vùi trong tháp ngà với nhiều bằng cấp danh vị sáng choang nhưng lại không hề có chút vốn liếng gì để bảo vệ bản thân trước cạm bẫy hung ác.
Chính người CSVN phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước cái chết của Lê Hải An, Bùi Quang Tín và nhiều cái chết của các trí thức khác, vốn xuất phát từ “chủ trương nhồi sọ” kéo dài hàng chục năm qua!
____________________
Nguyễn Ngọc Già