Trân Văn – VOA
Lời khai của Trung tướng Lương Tam Quang hôm 14 tháng 1 đã phủ nhận lời khai của Thiếu tướng Tô Ân Xô hôm 10 tháng 1. Trước đó, Thiếu tướng Tô Ân Xô đã từng phủ nhận thông báo của Bộ Công an hôm 9 tháng 1.
Sáng 9 tháng 1, Bộ Công an thông báo, vừa có một số “đối tượng chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng… tấn công lực lượng xây dựng hàng rào bảo vệ sân bay Miếu Môn khiến ba cán bộ chiến sĩ công an hy sinh (1)…
Ngày hôm sau, ông tướng một sao là Chánh Văn phòng kiêm Phát ngôn viên Bộ Công an, khai rằng, chuyện không xảy ra ở công trường xây dựng sân bay Miếu Môn, công an trấn áp làng Hoành vì “tổ công tác đi vào làng” thì bị tấn công bằng “lựu đạn, bom xăng, dao phóng”, khiến “ba cán bộ, chiến sĩ công an hi sinh” (2). Lời khai ấy rõ ràng bất lợi cho Bộ Công an, ít nhất nó cũng chứng tỏ Bộ công an “khai báo gian dối”!
Tuy nhiên mới đây, ông tướng hai sao, chức vụ cao hơn (Thứ trưởng Bộ Công an), tiếp tục khai lại, lời khai còn nguy hại hơn lời khai của tướng Xô: Không có “tổ công tác” nào đi vào làng Hoành mà ngược lại, làng Hoành bị các “tổ công tác” bao vây bởi rất nhiều “chốt”. Cuộc tấn công vào làng Hoành xảy ra vì “chốt 16” bị “ném lựu đạn”, khiến “lực lượng chức năng phải tiến hành các biện pháp cần thiết”.
Cứ như lời tướng Quang thì dù đã khai lại, thành khẩn hơn so với Bộ Công an, tướng Xô vẫn còn gian dối”: “Ba cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh” không phải vì “lựu đạn, bom xăng, dao phóng” mà do cùng té xuống “hố kỹ thuật”. Tướng Quang cũng chính thức xác định, “lời khai” của nhiều cá nhân, nhóm ủng hộ công an, bảo vệ đảng về chuyện các đối tượng chống đối đào hầm, cắm chông, bẫy các cán bộ, chiến sĩ công an là… thất thiệt (2).
Tại sao Bộ Công an, Chánh Văn phòng kiêm Phát ngôn viên Bộ Công an, Thứ trưởng Công an liên tục thay đổi lời khai? Ai cũng thấy đó là vì phản ứng dữ dội của công chúng. Những thắc mắc, nhận định về hàng loạt yếu tố phi lý trong các lời khai của Bộ Công an và đại diện cho bộ này, rồi những thông tin, hình ảnh liên quan đến vụ tấn công mà Bộ Công an không thể ngăn chặn đã buộc Bộ Công an phải khai đi, khai lại!
***
Tuy tướng Quang đã… thành khẩn hơn nhưng cuộc tấn công vào lành Hoành lúc rạng sáng 9 tháng 1 vẫn còn nhiều thắc mắc mà công chúng đã truy vấn vẫn chưa được trả lời: Tại sao lại bao vây một xã khi dân chúng trong xã chỉ thắc mắc – khiếu nại đòi giải quyết thỏa đáng việc thu hồi đất? Luật pháp Việt Nam có cho phép hệ thống công quyền tùy tiện cắt điện, cắt dịch vụ điện thoại, Internet, phá sóng, cấm đi lại, kể cả buộc trẻ con phải nghỉ học để gây áp lực lên những cá nhân và cộng đồng có cá nhân thắc mắc – khiếu nại hay không? Luật pháp Việt Nam có cho phép sử dụng các đơn vị tinh nhuệ tấn công vào một khu dân cư, nơi cư trú của công dân lúc rạng sáng?
Vì sao Bộ Công an hết sức lập lờ về sự “hi sinh” của “ba cán bộ, chiến sĩ công an”. Ban đầu, cố tình dẫn dắt công chúng, khiến họ ngộ nhận rằng cả ba thiệt mạng vì “lựu đạn, bom xăng, dao phóng”, giờ mới thừa nhận nhận cả ba thiệt mạng do cùng té xuống “hố kỹ thuật” sâu bốn mét. Kế hoạch tác chiến đã được soạn thảo như thế nào để ba sĩ quan cùng thiệt mạng do “té” xuống “hố kỹ thuật”? Ai lập, ai phê duyệt kế hoạch tác chiến và có truy cứu trách nhiệm những cá nhân này với tình tiết tăng nặng là vi phạm pháp luật (tổ chức tấn công ngoài khung thời gian luật định), trở thành nguyên nhân (trời tối) gây hậu quả nghiêm trọng hay không?
Khi lời khai của Bộ Công an hết sức bất nhất, chứng tỏ Bộ Công an thiếu trung thực khi khai báo với công chúng về cuộc tấn công làng Hoành, tại sao không tổ chức điều tra riêng để xác định: Có thực là các đối tượng chống đối đã sử dụng lựu đạn, đổ xăng thiêu sống cùng lúc “ba cán bộ, chiến sĩ công an” hay không? Vào lúc đó, hàng ngàn “cán bộ, chiến sĩ công an” khác đang ở đâu để các đối tượng chống đối có thể thực hiện hành vi phạm tội? Luật Quản lý, Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (có hiệu lực từ tháng 7 năm 2018) cấm nổ súng vào người già trừ trường hợp sự chống trả của họ đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác (4).
Không ai tin cụ Lê Đình Kình đã tử thương mà còn có thể nắm chặt trong tay một trái lựu đạn rút sẵn chốt để công an thu giữ như bằng chứng “chống trả” vì trái với lẽ tự nhiên. Ai sẽ trưng cầu, ai sẽ giám định thực – hư? Ai sẽ tổ chức điều tra xem ai hoặc những ai nổ súng vào cụ Kình? Qui định nào của luật pháp Việt Nam cho phép công an thay mặt hệ thống bảo vệ pháp luật tước đoạt sinh mạng của một công dân, chỉ vì công dân đó bị cáo buộc là “cầm đầu một nhóm chống đối”? Khi đã xác định tình tiết “cụ Kình chết mà còn có thể nắm cứng một trái lựu đạn đã rút chốt nên lựu đạn không nổ”, si sẽ xem xét, truy cứu trách nhiệm những cá nhân tham gia vào việc che đậy hành vi giết cụ Kình?
***
Cho dù một số cá nhân, nhóm chủ động “giải độc dư luận” ngay sau khi Bộ Công an tấn công vào làng Hoành, dẫu các đợt tấn công vào một số trang facebook, tài khoản trên You Tube, diễn đàn điện tử, website,… cung cấp thông tin, hình ảnh, ý kiến trái với “quan điểm chính thống” hết sức dữ dội, thậm chí hệ thống công quyền Việt Nam còn bắt ngay – thông báo lập tức về việc tạm giữ hình sự ông Chung Hoàng Chương vì “đăng nhiều bài viết mang tính chất xuyên tạc, làm mất uy tín của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang trong vụ ‘chống người thi hành công vụ’ xảy ra tại xã Đồng Tâm” nhằm răn đe công chúng (5) nhưng áp lực từ dư luận vẫn tiếp tục tăng.
Chính áp lực có tính chất tra khảo đó đã buộc Bộ Công an nói riêng và chính quyền Việt Nam nói chung phải liên tục phân bua và cứ vài ngày, Bộ Công an lại khai thêm một tình tiết mới. Đây có lẽ là lần đầu tiên hệ thống công quyền Việt Nam bị động đến như vậy. Chẳng riêng Bộ Công an, Bộ Thông tin – Truyền thông cũng hết sức vất vả và có thể vì thế mà nổi đóa, công khai chỉ trích Facebook “phản ứng rất chậm, quan liêu, tự làm theo ý mình” nên hiệu quả “ngăn chặn, gỡ bỏ”…. rất thấp. Trong mắt Bộ Thông tin – Truyền thông, chỉ có Google và You Tube đủ thiện chí “rút ngắn thời gian xử lý khi nhà nước Việt Nam gửi yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm”. (6)!
Ít nhất là từ trung tuần tháng này đến nay, cả Facebook lẫn You Tube, Google,… đang phải đối diện với áp lực tăng vọt từ chính quyền Việt Nam lẫn khách hàng. Chắc chắn những doanh nghiệp này đã nhận ra, chính quyền Việt Nam có quan hệ mật thiết với vô số báo cáo láo khiến họ phải đóng hay xóa nhiều trang facebook, nhiều tài khoản trên You Tube,… và phải xử lý vô số khiếu nại.
Chính quyền Việt Nam có thể dùng “lợi” để thúc ép những doanh nghiệp như Facebook, You Tube, Google nhưng những doanh nghiệp này không thể vì “lợi” mà vứt bỏ các giá trị phổ quát vốn đã được các xứ sở văn minh sử dụng luật pháp để bảo vệ. Người Việt cả trong lẫn ngoài Việt Nam có thể yêu cầu các tổ chức quốc tế, các chính khách ở nhiều quốc gia hỗ trợ nỗ lực tra khảo công an, tìm kiếm công lý cho đồng bào của mình.
Chưa kể những cam kết trong nhiều hiệp định thương mại tự do mà chính quyền Việt Nam từng ký kết không chỉ hạn chế đáng kể khả năng “trừng phạt” những doanh nghiệp như Facebook, You Tube, Google mà còn có thể đẩy chính quyền Việt Nam vào vị thế hết sức bất lợi do không tôn trọng những nguyên tắc mà Việt Nam cam kết sẽ thực thi để không gây tổn hại cho bất kỳ doanh nghiệp nào của các bên có liên quan.
Chú thích
(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/ba-chien-sy-cong-an-hy-sinh-o-dong-tam-1169993.html
(2) https://tuoitre.vn/khoi-to-vu-an-voi-3-toi-danh-xay-ra-tai-xa-dong-tam-20200110160836281.htm
(3) https://news.zing.vn/vu-viec-khien-3-canh-sat-hy-sinh-o-dong-tam-dien-ra-the-nao-post1035946.html