Manh Kim FB
Trung Cộng sử dụng tối đa mọi nguồn lực để thực hiện cuộc chiến dư luận dập tắt “đám cháy” Hong Kong. Tuy nhiên, dân Hong Kong vẫn áp đảo tuyệt đối trên mặt trận truyền thông bằng chiến thuật “tượng thủy nhất dạng”…
Từ Mỹ, Mông Cổ, Nigeria, Costa Rica đến Pakistan…, Trung Cộng chưa bao giờ tận dụng các kênh ngoại giao để “xử lý khủng hoảng truyền thông” như lần này. Giới ngoại giao Trung Cộng tại hơn 70 quốc gia phải gồng lên để viết bài, trả lời phỏng vấn, tổ chức họp báo và ra các tuyên bố “chính thức” về sự kiện Hong Kong. Luận điểm “nhà nước Trung Quốc” đang được giới ngoại giao nước này lan truyền với hơn 10 ngôn ngữ.
Tại Pakistan, đích thân Đại Sứ Yao Jing viết bài cho Cơ quan thông tin ngoại giao nước này. Tại Anh, Đại Sứ Liu Xiaoming liên tục tổ chức họp báo. Tại Doha, Đại Sứ Zhou Jian viết trên tờ Qatar Tribune rằng sự kiện Hong Kong là một phần trong nỗ lực lớn hơn của phương Tây trong việc kìm hãm sự trỗi dậy Trung Quốc. Và tại Jordan, Đại Sứ Pan Weifang cũng nói tương tự trên Jordan Times ngày 29 tháng Tám, 2019…
South China Morning Post (10 tháng Chín, 2019) cho biết, tờ China Daily ấn bản Hong Kong vừa post lên trang Facebook mình rằng những người biểu tình Hong Kong có kế hoạch thực hiện cuộc khủng bố tương tự vụ khủng bố 11 tháng Chín!
Truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục vào trận bằng “kỹ thuật” tin giả. Sau khi một cô gái Hong Kong trúng đạn túi đậu (bean bag) vào mắt, bản tin Truyền Hình Trung Ương Trung Quốc (CCTV, 12 tháng Chín, 2019) lập tức viết rằng nạn nhân không phải bị trúng đạn mà do bị người biểu tình đánh! Kèm bản tin là ảnh cô gái (trước khi bị “đánh”) đang đếm tiền, hàm ý rằng người biểu tình chỉ là những kẻ gây rối được trả tiền.
Khi xuất hiện video cảnh một thanh niên Hong Kong cầm khẩu súng đồ chơi, China Daily viết rằng, dân biểu tình đã thật sự làm loạn với việc sử dụng cả súng phóng lựu M320 của quân đội Mỹ.
Chưa hết, truyền thông Trung Cộng cũng “chứng minh” được rằng có một “chỉ huy người nước ngoài” cung cấp thông tin cho người biểu tình về sự điều động của cảnh sát Hong Kong. Video này lan truyền chóng mặt trên các trang mạng Trung Quốc lẫn những tờ báo thân Bắc Kinh như Đại Công Báo. Tuy nhiên, như AFP kiểm chứng, người đó là Kevin Roche, phóng viên New York Times.
Trong khi chiến thuật “xử lý khủng hoảng truyền thông” Trung Cộng là quá quen thuộc và bị động, giới trẻ Hong Kong hoàn toàn chủ động và thiên biến vạn hóa trong các chiến dịch “ứng xử” truyền thông bằng sự sáng tạo không giới hạn và sự linh hoạt xuất sắc. Họ không cần đẩy lùi luận điểm Trung Cộng. Nó thấp kém và nghèo nàn về tư duy đến mức họ không cần quan tâm. Họ tạo ra sự kiện và làm chủ sự kiện. Họ luôn “đánh” và “ra chiêu” một cách bất ngờ.
Ngày 9 tháng Chín, 2019, Hoàng Chi Phong qua Đức (sau đó sẽ đến Mỹ). Ngày 3 tháng Chín, 2019, Hoàng Chi Phong đến Đài Loan, kêu gọi lãnh thổ này tổ chức “đại biểu tình” vào ngày Quốc khánh Trung Cộng. Hoàng Chi Phong còn viết bài trên The Economist (31 tháng Tám, 2019); trên New York Times (31 tháng Tám, 2019); trên The Guardian (27 tháng Sáu, 2019). Trong khi đó, ngày 10 tháng Sáu, 2019, Chu Đình đến Tokyo vận động giới trẻ Nhật (Chu lâu nay cũng thường xuyên viết tweet bằng tiếng Nhật)…
“Nghệ thuật hóa” kỹ thuật đối kháng là một trong những giải pháp truyền thông rất thông minh mà giới trẻ Hong Kong đang làm. Đường phố Hong Kong không chỉ tràn ngập hàng triệu người. Hong Kong còn đầy kín poster và tranh tường. Những bích chương không chỉ mang thông điệp cốt lõi chứa nội dung yêu cầu và đòi hỏi của người biểu tình. Chúng còn là cách thức truyền tin và hướng dẫn “luồng nước” xuống đường theo tinh thần “tượng thủy nhất dạng” (“Be water”), thiên biến vạn hóa khôn lường như những dòng chảy uốn lượn qua các vật cản.
Hơn 5.000 thành viên thuộc một nhóm bí mật trao đổi liên tục trên diễn đàn Telegram và sau đó hơn 200 chuyên viên thiết kế đồ họa bắt đầu triển khai ý tưởng thành hình ảnh rồi in ra poster phát đi khắp đường phố. Như được thuật trên South China Morning Post (28 tháng Tám, 2019), các poster không chỉ truyền thông điệp mang tính tuyên ngôn. Chúng đôi khi còn hướng dẫn địa điểm biểu tình, hướng dẫn những trang thiết bị cần có cho một địa điểm cụ thể.
Trước mỗi cuộc xuống đường, họ in poster đồ họa cung cấp những thông tin căn bản, tùy chỉnh theo từng khu vực và khu công nghiệp. “Chúng tôi phải ngốn rất nhiều thông tin để cô đọng lại thành đồ họa. Chúng tôi thậm chí nghiên cứu những gì giới truyền thông ủng hộ chính quyền viết và không viết, để đảm bảo có thể lấp được những khoảng trống thông tin và giúp mọi người nắm vững mọi chi tiết” – một nhà thiết kế tên “Y” nói.
Chiến dịch tuyên truyền bằng hình ảnh luôn được thực hiện theo diễn biến thời sự. Mỗi vụ bị đàn áp dã man đều lập tức được biến thành “bản tin thời sự” bằng hình ảnh để người biểu tình cầm theo trong cuộc xuống đường kế tiếp.
Ngày 1 tháng Bảy, 2019, khi giới chức chính quyền nhấp champagne mừng kỷ niệm 22 năm ngày Hong Kong được trao trả cho Trung Cộng, cách đó khoảng 200 m, lá cờ đen với hình hoa “bauhinia” nhuốm máu đã được treo bên ngoài trụ sở Hội Đồng Lập Pháp. Hình lá cờ này là một trong những “tác phẩm” đầu tiên của “Y”. Đến nay thì nó đã trở thành một trong những hình ảnh quen thuộc nhất của cuộc biểu tình.
Ngày 6 tháng Tám, 2019, vài giờ sau khi cảnh sát bắt Keith Fong Chung-yin (chủ tịch liên đoàn sinh viên Đại Học Baptist) vì “tội” sở hữu bút laser, loạt ảnh vẽ theo chủ đề Star Wars cũng ra đời. Và vào ngày Cô Hồn (15 tháng Tám, 2019), nhóm của “Y” cũng nhanh chóng thiết kế tờ tiền âm phủ với hình biếm Đặc Khu Trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), Chánh Sở Cảnh Sát Lô Vĩ Thông (Lo Wai-chung), Chủ Tịch Hội Đồng Lập Pháp Andrew Leung Kwan-yuen (Lương Quân Ngạn) và Chánh Tư Pháp Teresa Cheng Yeuk-wah (Trịnh Nhược Hoa). Thông điệp là gì? “Bọn ấy” đi xuống âm ty mà ở!
Không cần phải đợi đến lúc Hoàng Chi Phong đi vận động nước ngoài, video dài một phút rưỡi “Say No to China Extradition” với hoạt hình trắng đen biểu thị năm yêu cầu của người biểu tình đã “lên sóng” ở nhiều nước qua YouTube. Video này được phụ đề với 20 ngôn ngữ (Pháp, Việt, Ba Lan, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan…) – theo South China Morning Post (18 tháng Bảy, 2019).
Và như triết lý căn bản của một cuộc biểu tình không thủ lĩnh, chẳng ai có thể biết những người nào đã tham gia dựng video rất chuyên nghiệp, rất thông minh và rất sáng tạo này. Chiến dịch “truyền thông bằng đồ họa” cũng được hỗ trợ từ Liên Đoàn Họa Sĩ Hong Kong, những người đã tạo ra vô số poster và băng rôn phát cho người biểu tình…
Hình ảnh thường có tính nhất thời. Tượng đài mới bền lâu. Thế là ý tưởng dựng bức tượng có tên “Nữ thần Tự do Hong Kong” ra đời. Ngay sau khi ý tưởng được loan bố ngày 27 tháng Tám, 2019, chỉ sau sáu tiếng, người ta đã nhận đủ số tiền cần có để dựng tượng, tức 200.000 đô la Hong Kong (khoảng hơn 25.000 USD; mô hình tượng hiện dựng tạm trong khu học xá Hương Cảng Trung Văn Đại học).
Giới trẻ Hong Kong đang cho Bắc Kinh thấy một thực tế rằng, Trung Cộng chẳng hiểu gì về họ lẫn khả năng mà họ có. Những phiên bản Chu Đình và Hoàng Chi Phong cho Bắc Kinh thấy cuộc biểu tình của họ không giống bất kỳ cuộc biểu tình hay đình công nào ở Hoa lục và mọi giải pháp trấn áp như trong Hoa lục đều không thể áp dụng ở Hong Kong. Mọi cách thức “giải độc dư luận” theo “truyền thống” tuyên truyền của cộng sản Trung Quốc đều vô tác dụng ở Hong Kong.
Giới trẻ Hong Kong đang ở thế “trên cơ” Trung Quốc về các chiêu thức “tuyên truyền phản tuyên truyền”. Họ làm Trung Cộng điên tiết trong bất lực khi chứng minh rằng: khao khát của họ có chính nghĩa, rằng cuộc biểu tình của họ không chỉ “đẹp” về lý tưởng mà cũng dữ dội về hành động. Có lẽ chưa bao giờ Bắc Kinh có thể hình dung nổi có một ngày mà ngay tại nơi thuộc quyền cai trị của mình, cờ Trung Cộng bị đốt, quốc ca Trung Cộng bị nhạo báng, và hình ảnh Trung Cộng lẫn thậm chí Tập Cận Bình đã bị “nghệ thuật hóa” thành “Chinazi”.
Mạnh Kim
Nguồn: FB Manh Kim