Trung Điền – Web Việt Tân
Ông Nguyễn Phú Trọng đã không xuất hiện trong tang lễ của ông Lê Đức Anh vào sáng ngày 4 tháng 5 vừa qua tại Nhà tang lễ quốc gia Hà Nội. Thay vào đó, người ta đưa vòng hoa của ông Nguyễn Phú Trọng đến viếng và xướng danh ông Trọng là người đứng đầu ban tang lễ gồm 39 người.
Từ sau vụ đột quỵ ở Kiên Giang hôm 14 tháng 4, sự xuất hiện của ông Nguyễn Phú Trọng trong tang lễ của ông Lê Đức Anh rất quan trọng – không phải chỉ cho riêng cá nhân ông mà còn đối với tập thể Bộ chính trị đảng CSVN.
Nếu ông Trọng xuất hiện trong tang lễ, tức chỉ sau ba tuần mà phục hồi nhanh như vậy, sẽ cho thấy là cú “đột quỵ” ở Kiên Giang không đến nỗi nào, ông Trọng vẫn có nhiều tiềm năng cầm chịch hai trách vụ Tổng bí thư và Chủ tịch nước.
Hơn thế nữa, tang lễ của ông Lê Đức Anh có thể coi như là lễ tang cuối cùng đối với thế hệ lãnh đạo trực tiếp cuộc chiến quá khứ. Đáng lý ra, ông Trọng phải hiện diện trong vai trò người lãnh đạo cao nhất hiện nay để nói lời chia tay với thế hệ đàn anh.
Nhưng có lẽ “người tính không bằng trời tính”. Sức khỏe đã không cho phép ông Trọng xuất hiện, điều này cho thấy là cú “đột quỵ” của ông Trọng vừa qua không nhẹ tý nào. Nói cách khác là tuy tính mệnh có thể không còn nguy kịch, nhưng sự hồi phục để trở lại bình thường như trước ngày 14 tháng 4 sẽ rất khó và ông Trọng sẽ dần dần rơi vào tình trạng vô năng, không còn có thể hoạt động bình thường chứ đừng nói đến việc đảm đang hai vai trò quan trọng là tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước.
Các biến chứng của bệnh đột quỵ nặng thường là mất trí nhớ, không còn khả năng diễn đạt, và có khi liệt tứ chi, nếu không là đi vào hôn mê vĩnh viễn. Trong trường hợp có thể phục hồi cần phải rất nhiều thời gian và nỗ lực điều trị, mà cũng không thể nào trở lại như xưa.
Ở lứa tuổi gần 80, việc phục hồi lại càng không phải dễ. Đảng CSVN, dù muốn hay không, cũng sẽ phải tuyên bố việc thay thế ông Trọng mà thôi.
Ông Trọng hiện nay đang đảm trách bốn công việc rất quan trọng.
Công việc thứ nhất là phụ trách tiểu ban nhân sự đại hội 13. Tức là sắp xếp, chọn lọc khoảng 600 cán bộ để giữ những trách vụ trong Trung ương đảng, Bộ chính trị, Bí thư và cán bộ của 63 Tỉnh, Thành trực thuộc Trung ương, Đại biểu Quốc hội sau đại hội 13. Đây không phải là công việc dễ dàng vì phải đối đầu gay gắt với những đòn phá ngầm của các phe.
Công việc thứ hai là phụ trách tiểu ban về đường lối và tài liệu đại hội 13. Tức là soạn thảo đường lối hoạt động của đảng CSVN trong 10 năm tới trong bối cảnh phai nhạt của “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Công việc thứ ba là vai trò của người “đốt lò vĩ đại”, đứng đầu Ban phòng chống tham nhũng nhằm thanh lọc hàng ngũ đảng.
Công việc thứ tư là chỉ đạo nhà nước và chính phủ tiến hành chính sách đu dây sao cho hiệu quả trong bối cảnh xung đột ngày một gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, để giữ không làm sứt mẻ “tình hữu nghị” đối với Trung Cộng khi mà sự hợp tác chiến lược giữa CSVN với Hoa Kỳ ngày một gia tăng hiện nay.
Đương nhiên, ông Trọng có rất nhiều người phụ tá, nhưng ở vai trò lãnh đạo, ông Trọng phải suy nghĩ để đưa ra những đề xuất và nhất là “cầm chịch” các quyết định quan trọng về nhân sự, vị trí đóng góp của từng phe, từng thành phần.
Với tình hình sức khỏe như hiện nay, ông Trọng khó có thể tiếp tục làm tốt bốn công tác quan trọng này. Đó là chưa kể đến những đối thủ của ông Trọng tìm cách gây “áp lực”, tạo ra những căng thẳng trong nội bộ, khiến ông Trọng có thể phải tự buông bỏ nếu muốn bảo toàn tính mạng. Đây là những thủ đoạn thường được các phe nhóm áp dụng tại những quốc gia độc tài.
Quả thật là không ai ngờ chuyến đi Kiên Giang hôm 13-14 tháng 4 lại trở thành chuyến đi định mệnh không chỉ đối với ông Trọng mà cho cả tương lai của đảng CSVN.
Thứ nhất, trong tình trạng sức khỏe hiện nay, ông Trọng sẽ cần tới sự giúp đỡ của hai nhân vật thân tín, đó là Trần Quốc Vượng và Phạm Minh Chính cả về đường lối và chỉ đạo trong nội bộ đảng, đặc biệt là các chuẩn bị về nhân sự, đường lối và tổ chức đại hội 13. Vô hình chung, hai ông Vượng và ông Chính sẽ thao túng quyền lực ở trong đảng với dự kiến là ông Vượng sẽ nắm ghế Tổng bí thư và ông Chính sẽ là thường trực Ban bí thư trong đại hội 13. Ông Trần Quốc Vượng sinh năm 1953 (tuổi về hưu) trong khi ông Phạm Minh Chính sinh năm 1958 cho nên ông Chính sẽ giúp ông Vượng ở lại ghế Tổng bí thư để sau đó giúp ông Chính nắm ghế Tổng bí thư ở đại hội 14.
Thứ hai, với vai trò Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng lúc đóng vai trò Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ trong các quan hệ đối ngoại cũng như tham dự các Hội nghị quốc tế. Nói cách khác, khi ông Trọng vô năng, ông Nguyễn Xuân Phúc nghiễm nhiên trở thành nhân vật lãnh đạo có tầm vóc duy nhất trong con mắt của quốc tế. Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954 là tuổi sẽ về hưu vào tháng 1/2021, nhưng với lợi thế bất ngờ hiện nay sẽ giúp cho ông Phúc có thể được Bộ chính trị và Trung ương đảng khóa 12 giới thiệu làm Tổng bí thư của khóa 13.
Với kịch bản nói trên, sự vô năng của ông Trọng sẽ dẫn đến cuộc chạy đua ghế Tổng bí thư cho nhiệm kỳ 13 (2021-2026) giữa phe ông Trần Quốc Vượng và phe ông Nguyễn Xuân Phúc. Cuộc chiến sẽ bùng nổ lớn trong những ngày tháng trước mặt, và sẽ còn gay gắt hơn những gì đã xảy ra giữa hai phe Trọng-Dũng năm 2016.