Hầu hết những gì bạn đã nghĩ về bức ảnh nổi tiếng Fall of Saigon (Mất Sài Gòn) đều không thật. Không ít người đã hiểu lầm về ý nghĩa của tấm hình và “lực lượng tác chiến không gian mạng” (dư luận viên và lực lượng AK 47) thường dùng bức ảnh này để xuyên tạc và thóa mạ những người trốn chạy cộng sản.
***
Đó là một trong những hình ảnh tiêu biểu của chiến tranh Việt Nam. Bức hình do Hubert van Es chụp cho thấy một chiếc trực thăng quân đội đậu trên nóc Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn với cả dẫy người Mỹ lũ lượt leo lên các bậc thang để đáp chuyến bay cuối một cách tuyệt vọng.
Nhưng, chiếc trực thăng đó không phải là của quân đội, cũng không phải là Toà Đại Sứ Hoa Kỳ, họ cũng không phải là những người Mỹ và đó cũng không phải là chuyến bay cuối.
Và, có lẽ điều gây ngạc nhiên nhất là bức ảnh không là biểu tượng của việc thua trận.
“Khi tìm kiếm dữ kiện, tôi khám phá ra là hầu hết tất cả những điều trước đây tôi nghĩ về bức hình đều sai,” sử gia và tác giả Thurston Clarke nói với The Post [New York Post, BBT].
Sự ngạc nhiên về bức ảnh, cùng với toàn bộ câu chuyện về những ngày cuối cùng của Chiến Tranh Việt Nam được kể lại trong cuốn sách mới của Clarke, “Honorable Exit: How a Few Brave Americans Risked All to Save Our Vietnamese Allies at the End of the War” (Tạm dịch: “Rút lui trong danh dự: Một Vài Người Mỹ Dũng Cảm Đã Liều Mạng Sống Để Cứu Những Nguời Việt Nam Đồng Minh Của Chúng Ta Vào Cuối Cuộc Chiến Như Thế Nào”).
Việc Hoa Kỳ rút lui khỏi cuộc xung đột bị sa lầy đã được thuật lại gần như từng phút, và gần như được tóm tắt lại chỉ trong một bức hình đó, được chụp vào ngày 29 Tháng Tư 1975.
Vào đầu năm 1975, viễn ảnh của Hoa Kỳ về Việt Nam khá ảm đạm. Cộng sản tiếp tục tiến về miền Nam, chiếm thêm đất khiến nhiều ngàn người dân bỏ chạy tháo thân.
Sau khi Đà Nẵng thất thủ, hãng hàng không dân sự World Airlines, được chính phủ Mỹ mướn để chuyên chở binh sĩ và quân nhu vào và ra khỏi Việt Nam, vào Tháng Ba đó, đã cố di tản người khỏi thành phố, dẫn đến cảnh những người Việt Nam hoảng loạn chen đẩy cố tìm đường thoát.
Chiếc máy bay, dưới làn mưa đạn, đã cất cánh được nhưng những người bám vào thân máy bay đã bị rớt lại và bỏ mạng, xác nằm rải rác trên phi đạo.
Khi nhìn thấy những hình ảnh đó, Tổng Thống Hoa Kỳ Gerald Ford đã nói với một người bạn, “Thế là hết. Đã đến lúc phải kết thúc. Việt Nam đã chấm dứt.”
“Tin tức, hình và phim ảnh về Đà Nẵng… được phổ biến rộng rãi tại Hoa Kỳ,” Clarke viết. “Thay vì khơi dậy tính bác ái nơi người dân Hoa Kỳ, truyền thông lại thuyết phục họ là Hoa Kỳ nên tránh dính líu trở lại với cuộc chiến, ngay cả trên căn bản nhân đạo, và thăm dò dư luận cho thấy là đa số người Mỹ chống đối việc nhận người Việt tị nạn.”
Tuy vậy, những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ lại chọn con đường khác. Họ nhanh chóng lên kế hoạch di tản tối đa người Việt trong khả năng cho phép và định cư họ ở Mỹ.
Bộ Trưởng Ngoại Giao Henry Kissinger, trong một buổi họp nhân viên Bộ Ngoại Giao vào ngày 2 Tháng Tư, đã lập luận là Hoa Kỳ có bổn phận “di tản những người đã tin tưởng vào chúng ta.”
Một danh sách những người cần được di tản đã được thành lập bao gồm những nhân sự cao cấp, các thông dịch viên và những người có nguy cơ cao.
Kissinger đã điện cho Đại Sứ Mỹ ở Việt Nam là Graham Martin là nếu không giải quyết được khó khăn của việc di tản thì có thể sẽ tổn hại đến sinh mạng, danh dự quốc gia, và sự tin tưởng vào khả năng giải quyết bất cứ cuộc khủng hoảng nào trong tương lai.
Vào ngày 27 Tháng Tư, 1975, quân Bắc Việt đã bao vây Sài Gòn và việc tấn công sẽ xẩy ra cấp kỳ. Hỗn loạn diễn ra và người dân chen nhau chạy tháo thân. Họ tràn vào Toà Đại Sứ Hoa Kỳ tìm đường thoát.
“Phụ nữ ở phía bên ngoài khóc lóc kêu gào,” tác giả viết. “Một số lăn lộn trên lối đi, gào khóc, điên cuồng gọi tên những nhân viên, doanh nhân và các nhà ngoại giao người Mỹ mà trước đây họ đã giúp việc với tính cách nhân viên văn phòng, tài xế, đầu bếp, dọn dẹp, bảo vệ và thông dịch. Các bà mẹ cố giao con nhỏ của họ cho những người lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ.”
Người Mỹ đã tiến hành một chiến dịch có tên là Frequent Wind (Cơn Gió Lốc) dùng trực thăng di tản người ra khỏi Sài Gòn tới các tàu của Hoa Kỳ ngoài khơi để sau đó đưa tới Hoa Kỳ.
Vào đầu Tháng Tư, người Mỹ đã chọn được 13 mái nhà ở khắp Sài Gòn để dùng làm nơi đáp trực thăng. Các nhà thầu được mướn để gỡ các cột cờ, các dây phơi quần áo, và dựng lên những hạ tầng cơ sở cần thiết.
Vào ngày 29 Tháng Tư, các máy bay trực thăng bay đầy trời thành phố, đón những người chờ đợi. Các trực thăng do Air America điều động, một đường dây kín của CIA. 31 phi công lái những phi vụ nguy hiểm này đều thiện nguyện. Hầu hết những người được hỏi ý đều nhận lời.
Ngoài Toà Đại Sứ, một điểm bốc người nữa là khách sạn Lee tại số 6 Công Trường Chiến Sĩ, nơi đó Đại Sứ Mỹ đã tập hợp một nhóm các nhân vật quan trọng để di tản.
O.B. Harnage là một trong số các phi công, một nhân viên của CIA, dáng người mạnh bạo, hút xì gà, uống rượu nhiều, đeo miếng che một mắt sau khi bị thương vì mảnh đạn trong Thế Chiến Thứ Hai.
Trực thăng của Harnage đáp trên khách sạn Lee và nhanh chóng bị những người Việt Nam tuyệt vọng ào tới muốn khống chế đòi leo lên.
Sau khi khách sạn Lee trở nên thiếu an toàn, người trưởng nhóm CIA giục Harnage bắt đầu bốc người tại số 22 Đường Gia Long. Tầng trên cùng trước giờ được dùng làm bản doanh của nhân viên CIA.
Các nhân vật quan trọng và những người Việt khác được tụ tập ở đó để mong được cứu thoát. Các bậc thang bằng gỗ đã được lắp vào thang máy chạy tới mái nhà để giúp việc di tản.
Hanage đã bốc 3 chuyến, mỗi chuyến 20 người. Để có thêm chỗ cho người di tản, Harnage đã ở ngoài trực thăng, đứng trên thanh trượt, tay cầm súng tay bám vào thân trực thăng.
“Nên nhớ rằng ông ta đang không bốc những người từng làm việc cùng hay quen biết,” tác giả nói. “Ông ta đã liều mạng để cứu những người hoàn toàn xa lạ.”
Trưởng nhóm đã chỉ thị cho ông ta chú tâm vào những nhân vật quan trọng nhưng Harnage đã quyết định di tản người trên căn bản ai tới trước thì đi trước.
Một số cha mẹ đã giao con nhỏ cho ông ta với những giòng chữ viết đầy xúc động viết trên giấy ghim vào quần áo đứa bé, như, “Con trai tôi muốn trở thành bác sĩ” và “Con gái tôi rất có khiếu về âm nhạc.”
Khi một nhà ngoại giao Nam Hàn dáng người vạm vỡ thúc cùi chỏ để gạt những người di tản sang một bên để chen vào trực thăng thì Harnage đã đấm chảy máu và kềm chế ông ta. (Ông này được đi trong một chuyến bay khác sau đó.)
Harnage không cho phép bất cứ ai lên trực thăng với hơn một cái xách tay, và quẳng hết những thứ khác, kể cả có cái dường như chứa vàng cất giấu trị giá cả triệu đô-la.
Khi đáp xuống nóc nhà trên Đường Gia Long lần thứ tư, ông Hugh van Es, lúc đó đang ngồi trong văn phòng của hãng tin United Press International (UPI) cách đó khoảng 4 góc đường, nghe tiếng một đồng nghiệp gọi, “Van Es, ra đây ngay! Có một chiếc trực thăng ở trên nóc nhà!”
Van Es lớn lên ở Hoà Lan và quyết định trở thành một nhiếp ảnh gia chiến trường sau khi xem những cuốn phim của Frank Capra. Lúc đầu ông làm việc cho China Morning Post ở Hồng Kông trước khi sang Việt Nam để làm việc cho NBC và UPI sau đó.
Ông ta với lấy chiếc máy ảnh Nikon và ống kính 300mm và bắt đầu chụp.
Bức ảnh được phổ biến khắp thế giới cho thấy Harnage, mặc áo sơ-mi trắng, điếu xì gà kẹt giữa 2 hàm răng, bước xuống các bậc thang để túm lấy anh Nguyễn Thiet Tan, một bác sĩ trẻ mà sau này trở thành một chuyên gia gây mê ở California.
Kế đến là Huỳnh Tong, một bác sĩ khác sau này định cư ở Atlanta. Một cô gái dáng mảnh khảnh tên Bùi Tuyết Dong, sau này đậu bằng cử nhân về sinh học trước khi trở thành một nhà nghiên cứu về kỹ thuật sinh học.
Ngay dưới cô ta là người anh hay em trai, anh này đã đổi chiếc xe gắn máy của mình cho người tài xế của một quân nhân cao cấp để được chỉ lối vào toà nhà.
Ngoài ra, trên bực thang còn có Trần Văn Đôn là Bộ Trưởng Quốc Phòng Miền Nam Việt Nam.
Bức ảnh đã đánh dấu chuyến bốc người cuối cùng mà Harnage đã thực hiện được tại đó, và phải bỏ lại nhiều chục người đứng ngước nhìn trời mong đợi một chiếc trực thăng không bao giờ trở lại.
Nhiều chuyến bay vẫn tiếp tục ở những nơi khác suốt đêm. Cuối cùng, chiến dịch đã di tản được 1.373 người Mỹ và 5.595 người Việt khỏi Sài Gòn trong thời gian ngắn hơn 24 giờ đồng hồ.
O.B. Harnage trở về Mỹ và trở thành một nhân viên địa ốc. Ông qua đời năm 2008. Ông Van Es đã được trả một số tiền $150 cho bức ảnh đó. Ông ta tiếp tục công việc phóng viên cho các cuộc xung đột và qua đời năm 2009.
Clarke nói ông ta hy vọng bức hình của Hugh van Es sẽ được nhìn với một cái nhìn mới.
“Vào thời điểm đó, dường như bức ảnh là ẩn dụ của Việt Nam – lần thua trận đầu tiên của chúng ta [Hoa Kỳ, BBT] và chúng ta tranh nhau trốn chạy từ nóc nhà Toà Đại Sứ,” tác giả nói. “Một bức hình kết tội thích hợp với câu chuyện kể vào thời đó. Nó ngược lại với sự anh hùng quả cảm, nhưng khi nhìn lại những gì đã thực sự diễn ra trên nóc nhà đó, thì đó lại là một thời khắc rất anh hùng.”
Reed Tucker – LĐ lược dịch
Nguyên bản Anh ngữ: “Almost everything you thought about the famed Fall of Saigon photo isn’t true“, New York Post