Paulus Lê Sơn – Web Việt Tân
Đã 44 năm trôi qua kể từ sau ngày 30 tháng 4, 1975, cộng sản Hà Nội tiến chiếm miền Nam, và đặt sự cai trị độc tài man rợ của mình trên toàn cõi Việt Nam. Ngày nay đất nước này có những gì? Có đạt được như lời mị dân của Hồ Chí Minh năm 1969 “Xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”? Và trong niềm tin mơ hồ đó, hàng triệu người dân miền Bắc đã tham gia cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
Trước 1975, miền Nam Việt Nam là một Quốc gia dân chủ, thịnh vượng đến nỗi mà nhiều nhà lãnh đạo của thế giới phải trầm trồ thán phục và ao ước đất nước của họ cũng được phát triển như vậy. Ông Lý Quang Diệu, Tổng thống Singapore từng ví von Sài Gòn như Hòn Ngọc Viễn Đông. Nhiều người dân xứ Hàn, Thái Lan, Philippines phải sang Việt Nam làm thuê vào thời đó.
Ngày nay, sau 44 năm đổi đời từ ngày 30 tháng 4, nhìn vào trật tự xã hội đang diễn ra trong đất nước Việt Nam, ta thấy có một sự mâu thuẫn vô cùng lớn lao giữa lời nói, ý chí và hành động của người cộng sản. Đó là những gì?
Việt Nam có một nền kinh tế đi xin viện trợ, đi vay vốn ODA của nước ngoài và khai thác, bán sạch tài nguyên khoáng sản từ trên rừng cho đến ngoài biển khơi. Mặt khác, hệ thống kinh tế Việt Nam bị dẫn dắt, điều khiển bởi các tập đoàn lợi ích nhóm do các phe phái trong nội bộ đảng cộng sản thao túng. Thế nên, người cộng sản dễ dàng tham nhũng với những khối tài sản khổng lồ của quốc gia một cách vô tội vạ.
Kết quả thì người dân phải lãnh nhận hậu quả, nợ công tăng cao. Số liệu cũ của Bộ Tài chính cho biết vào ngày 17 tháng 8 năm 2017 thì “Mỗi người dân Việt Nam phải gánh 35 triệu đồng nợ công quốc gia vì các dự án thua lỗ, và hàng loạt các dự án vay vốn ODA bị điều chỉnh tổng mức đầu tư so với ban đầu”.
Nhiều người đưa ra lý do biện minh cho đất nước vẫn còn nghèo như “mới trải qua chiến tranh… gần nửa thế kỷ”, hay Việt Nam cũng có khá lên nhờ kinh tế thị trường với đầu tư ngoại quốc gia tăng. Tuy nhiên, chúng ta đã tụt hậu so với Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore… từ vài chục năm cho đến cả một thế kỷ.
Dường như những năm gần đây là giai đoạn bùng phát của căn bệnh không thuốc chữa trong hệ thống Giáo dục mà nó đã âm ỉ hàng mấy thập kỷ qua. Bạo lực học đường mỗi ngày gia tăng và trầm kha hơn. Những cảnh nam, nữ học sinh đánh đập hội đồng, thậm chí chém giết lẫn nhau hết sức đau lòng tái diễn khắp hang cùng ngõ ngách.
Diễn biến một xã hội đảo điên được trình diễn với nạn mua bán bằng cấp, đổi tình lấy điểm, lạm dụng tình dục, chạy chức chạy quyền lan tràn mọi miền đất nước. Sinh viên sau khi được đào tạo đại học thì làm cu ly hay đi làm công nhân, hoặc chạy ra nước ngoài tìm cơ hội mới.
Chưa có thời đại nào rực rỡ hơn dưới triều đại của cộng sản khi người dân xứ mình phải lũ lượt đi làm cu ly nơi xứ người. Hàng trăm ngàn người phụ nữ chấp nhận như một món hàng trao đổi để được làm vợ ngoại quốc, và xót xa hơn nữa có hàng ngàn phụ nữ tìm kiếm cuộc sống tốt hơn bằng nghề bán thân trên khắp thế giới.
Thực trạng đau lòng của hệ thống y tế tại Việt Nam hiện nay đều quá tải, chất lượng khám chữa bệnh rất thấp. Mối quan hệ giữa y bác sĩ và bệnh nhân nằm trong trạng thái căng thẳng, đó là chưa nói đến vấn đề đầu tiên – tiền đâu. Nếu người bệnh không có tiền thì sự thờ ơ, vô cảm thấy rõ nơi bệnh viện. Ngày hôm nay ung thư trở thành căn bệnh mang tầm mức quốc gia, giết chết hàng chục ngàn người mỗi năm.
Thật ra, niềm tin vào cộng sản đã từng bước bị mất mát, hụt hơi ngay trong lòng những người lính Bắc Việt khi tràn vô Sài Gòn. “Thật sai lầm khi giải phóng miền Nam” có lẽ là câu nói được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong không chỉ trong quân lính mà ngay cả lãnh đạo cộng sản.
Nhiều câu chuyện truyền tai hay trong hồi ký của họ viết đại ý như thế này “Sai lầm lớn nhất của miền Bắc chúng tôi là đi giải phóng miền Nam. Bởi sau cái ngày 30/4 có quá nhiều những thay đổi ngoài dự kiến của chúng tôi đã xảy ra tại miền Bắc. Bởi khi đoàn quân miền Bắc kéo về mang theo lỉnh kỉnh toàn hàng tiêu dùng của miền Nam làm dân Bắc chúng tôi sững sờ”.
Thực tế, đảng cộng sản đã hoàn toàn bị mất niềm tin từ nhân dân ngày càng rõ nét. Tùy từng mức độ khác nhau, từ mất niềm tin tuyệt đối này thì có nhiều bộ phận người khác nhau có thái độ chán ghét chế độ, thậm chí chế độ trở thành mối thù của nhiều tầng lớp dân oan. Hoặc muốn thay đổi chế độ như các thành phần trí thức cộng sản, sinh viên, công nhân, nông dân.
Niềm tin của nhân dân là bệ vững chắc cho mọi chế độ tồn tại, ngược lại khi niềm tin đã hết thì sự sụp đổ ắt sẽ đến dù chế độ đó có dùng nhà tù, súng đạn, đàn áp để chống đỡ, để tồn tại.
Portland 28/4/2019
Paulus Lê Sơn