Ngô Nhân Dụng – Người Việt
Đáng lẽ phải viết “Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm cả hai chức vụ…” Nhưng viết như vậy thì ông Nguyễn Phú Trọng sẽ cải chính ngay: Ông ấy không chịu KIÊM cái gì hết.
Có lẽ chỉ vì ông Trọng ghét chữ “kiêm.” Ông mới dặn dò các nhà báo: “Không nên nói là tổng bí thư kiêm chủ tịch nước.”
Trước khi được đề nghị làm chủ tịch nước, ông Trọng đã từng nắm nhiều chức, làm tổng bí thư, kiêm chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, kiêm chủ tịch một cái ủy ban chống tham nhũng, kiêm cái chức gì đó trong Đảng Bộ Công An, vân vân. Bây giờ thì đố nhà báo nào ở trong nước dám viết “Đồng chí Nguyễn Phú Trọng kiêm” bất cứ chức vụ nào!
Ghét chữ KIÊM chắc vì ông Trọng đã từng chửi rủa những đứa kiêm cái này, cái khác. Trong một cuộc gặp gỡ “cử tri” hồi Tháng Năm, 2017, Nguyễn Phú Trọng hỏi: “Bí thư mà KIÊM luôn chức chủ tịch thì to quá. Ai kiểm soát ông?” Giờ Trọng phải kiêng chữ KIÊM là vì không ai đặt câu hỏi đó ném vào mặt mình!
Quả thật, chữ KIÊM nghe nó to lớn quá, nó ồn ào, rùm beng quá! Nghe lại tưởng tượng cảnh một anh gặp số đỏ được chia cho hai cái ghế, ôm hai cái ngai vàng, không biết nên ngồi trên một cái ngai hay trên cả hai! Hay là đứng hai chân trên hai ghế? Đứng vậy dễ té quá, làm sao thọ được?
Hơn nữa, KIÊM là một chữ Hán Việt, ông Trọng yêu cầu mọi người dùng chữ Nôm, ông bảo, “nói nôm na thì đây là bầu cho một người để làm hai công việc này.” Không KIÊM. Chỉ có một người làm hai công việc thôi! Nghe lại có vẻ khiêm tốn, nhún nhường!
Ông Trọng biểu dương tánh khiêm nhường bằng cách đổ tại “tình huống.” Ý nói, ông không muốn làm cả hai chức nhưng bất đắc dĩ phải nhận, vì tình huống!” Người Việt Nam xưa nay vẫn nói, “vì tình huống bắt buộc!” Bây giờ người ta nói vắn tắt, “đây là tình huống,” như ông Trọng thổ lộ.
Tình huống như thế nào? Ông Nguyễn Phú Trọng kể lể cho các cử tri cảm thông tình huống ông bất đắc dĩ phải làm hai công việc một lúc (Nhớ: Không kiêm!) Ông kể: “Vừa rồi không may đồng chí Trần Đại Quang – nguyên chủ tịch nước mất đi, rất đột ngột…” Bà con nhớ nhé: Mất đi rất đột ngột! Nhắc lại: Rất đột ngột!
Đồng bào ta ở Hà Nội có thể đã biết tỏng ông Trần Đại Quang mất “rất đột ngột” như thế nào: “Nghe tin như sét đánh ngang/ Bác Quang đang sống chuyển sang từ trần!”
Ông Trọng muốn bà con thương cảm: Chính trong cảnh tang gia bối rối “rất đột ngột” đó mà, Nguyễn Phú Trọng là ta đây, bị bắt buộc phải làm hai việc cùng một lúc! Chỉ vì rất đột ngột nên Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng không kịp chuẩn bị, không bầu cho ai khác được!
Nhưng ngay sau khi than về cái chết “rất đột ngột” của ông Quang, ông Nguyễn Phú Trọng nói ngay cho các cử tri hiểu rõ ràng: “…mặc dù bệnh hiểm nghèo đã được chữa trị cả năm nay.”
Hơn một năm trước đây, một nhà báo thân cận chốn cung đình đã viết Facebook: “Đại Tướng Trần Đại Quang đi chữa bệnh từ tối 25 Tháng Bảy, 2017.”
Bệnh đến mức phải đưa ra nước ngoài, chắc hẳn là đã từng xoay trở chữa ở trong nước cả năm hoặc mấy năm trời rồi. Một người 50, 60 tuổi, bị bệnh hiểm nghèo suốt mấy năm, chạy hết thầy này đến thuốc khác, thì cả làng biết là sắp về chầu tiên tổ. Không thể nào “chết rất đột ngột” được!
Vợ con người đó chắc chắn đã mua quan tài, cắm huyệt lấy đất cát, có khi chính đương sự thân hành chọn lựa, cho nên không thể nào nói cái chết đó “rất đột ngột!”
Bât cứ chuyện gì mình để ra hai ba năm chờ đợi cho tới lúc nó xảy ra, biết chắc chắn sẽ xảy ra, mà nó lại bảo nó “rất đột ngột” hay không? Nói vậy là cố tình nói giỡn!
Tại sao một ông tiến sĩ triết học chuyên ngành xây dựng đảng lại tự mâu thuẫn trong một câu nói nghe tức cười như vậy? Có phải vì tâm lý ông đang u uất chứa đầy mâu thuẫn? Có phải vì ông phải nói một câu vừa mừng mình được thăng quan tiến chức lại vừa đọc lời ai điếu, cho nên nói trước quên sau hay không?
Chắc là không. Ông Trọng không “lú,” như tin đồn mấy chục năm qua. Ông cố tình nói một câu mâu thuẫn. Cố để cho người nghe phải bật cười! Vì chính ông đang cười và muốn bà con cùng cười với mình!
Trong hai năm qua, cả đảng Cộng Sản, ít nhất là toàn ban lãnh đạo đảng và vợ con, bạn bè, nhân tình nhân ngãi, tài xế và con sen của họ đều biết rằng ông Trần Đại Quang sắp mãn số. Biết rằng cái chức chủ tịch nước sắp trống. Ai cũng thắc mắc: Anh/chị nào sắp lên ngồi vô cái ghế này? Đó là một điều bí mật được phơi giữa chợ, cho thiên hạ bàn tán. Lúc thì họ báo tin Quang khỏe mạnh, lúc thì tung tin Quang chết rồi. Đánh hỏa mù, trong lúc các “đồng chí” giành giựt nhau.
Cái chức chủ tịch nước không có gì là lớn, chỉ cần đóng tuồng cho khéo là làm được. Ông Trần Đại Quang từng là trùm công an, có thể nuôi tham vọng như Yuri Andropov, trùm KGB ở Nga đã lên làm tổng bí thư năm 1982, sống nốt 15 tháng cuối cùng của cuộc đời. Nhưng chắc ông Quang biết mình cần dành hết thời gian để chữa bệnh, còn lo không thoát khỏi bệnh, cho nên chọn làm chức chủ tịch nước cho nhàn. Làm cái chức đó không phải lao tâm lao lực, mà lại vẻ vang mày mặt rỡ ràng mẹ cha, lúc chết chắc chắn sẽ được làm quốc táng!
Nhưng không thiếu gì người nhòm nghé cái chức chủ tịch nước của ông Quang. Trong hai năm trời, cuộc tranh giành trong vòng bí mật không biết diễn ra thế nào. Nhưng chắc chắn trong hơn một năm qua, bất cứ anh, chị nào ngắm nghé leo lên ngồi cái ghế của ông Trần Đại Quang thì cũng phải nể nang, phải nhờ vả ông Nguyễn Phú Trọng. Không được ông Trọng bật đèn xanh thì không xong. Sau khi ông Trọng đã triệt hạ được bè nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng, cho vô tù gần hết rồi, thì không anh nào dám tính chuyện qua mặt ông Trọng.
Nhưng chính ông Nguyễn Phú Trọng cũng nuôi tham vọng nắm lấy cả hai chức. Muốn nắm cả đảng và nhà nước nhưng ngoài mặt vẫn đóng vai “quân tử Tàu” không ham danh ham lợi! Trọng có thể đóng vai trọng tài, để cho các các chị anh khác chạy vòng quanh như đèn cù (xin đọc lại Trần Đĩnh). Mỗi anh, mỗi chị đều có thể được hé cho thấy chút hy vọng, với một điều kiện: Trước hết, phải hoàn toàn theo Trọng.
Khi ông Trần Đại Quang chết thật, tất cả những người đang nuôi mộng đóng vai quốc trưởng phải đối diện với nhau: Anh nào, chị nào cũng đầy hy vọng, và hy vọng ngang nhau, không ai hơn ai cả! Cuối cùng, chỉ còn giải pháp: 100% bầu cho Trọng.
Cái đó gọi là “tình huống!”
Tình huống này bất ngờ, “rất đột ngột” nhưng không bất ngờ đối với Nguyễn Phú Trọng. Chỉ bất ngờ đối với những anh, chị trong năm qua vẫn mơ tưởng sẽ lên thay thế Quang.
Nguyễn Phú Trọng có óc hài hước nên mới nói với dân Hà Nội: “Vừa rồi không may đồng chí Trần Đại Quang – nguyên chủ tịch nước mất đi, rất đột ngột…” Trong một câu có hai chỗ hài hước: Chuyện ai cũng đoán trước sắp xảy ra thì lại nói rất đột ngột! Cơ hội rất may thì lại bảo là không may!
Nguyễn Phú Trọng nói những chữ “không may” và “rất đột ngột,” trong bụng cười thầm; nhưng vẫn chưa thỏa óc trào phúng. Cho nên còn nói thêm: “…đây là một người làm hai công việc… (nhưng) không nói là tổng bí thư kiêm chủ tịch nước…”
Đúng là lối nói ngang nói dọc, nói trên trời dưới đất, muốn nói gì thì nói, của các tay quản giáo chuyên nghiệp!