Tìm hiểu về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay Cách mạng công nghiệp 4.0 (1 & 2 & 3 & 4-Hết)

- Quảng Cáo -

Nguyễn Vũ Bình – RFA

Khoa học và công nghệ hiện nay đang phát triển nhanh chưa từng có, đã  và đang tạo ra một cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mới, thúc đẩy loài người bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (thường được gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0). Để không bị đẩy ra khỏi tiến trình phát triển chung của nhân loại tiến bộ, các quốc gia đều phải tiến hành đổi mới và hội nhập để khai thác tốt nhất và hạn chế tối đa những khó khăn do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa tới. Tìm hiểu về cuộc Cách mạng công nghiệp đang diễn ra là một việc làm cần thiết và ý nghĩa.

I/ Tổng quan về các cuộc Cách mạng công nghiệp 

Cách mạng công nghiệp là khái niệm để chỉ những thay đổi cơ bản, có tính chất bước ngoặt của nền sản xuất và các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội dựa trên sự thay đổi mang tính cách mạng của khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ. Cách mạng công nghiệp liên quan chủ yếu đến sản xuất, và có các bước đột phá về kinh tế, xã hội. Cách mạng công nghiệp là hệ quả và kết quả của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ.

- Quảng Cáo -

Cách mạng khoa học kỹ thuật là những phát triển vượt bậc, có tính bước ngoặt của khoa học và kỹ thuật. Cách mạng khoa học công nghệ về cơ bản không khác nhiều với cuộc mạng khoa học kỹ thuật, ở đó kỹ thuật được nâng lên, tổ hợp lại thành công nghệ.

Các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng khoa học công nghệ ra đời từ nhu cầu tăng cao của con người trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử. Trong khi đó, sức lực và khả năng của con người có hạn không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu ngày càng tăng cao ấy, đồng thời tài nguyên cũng có hạn, không thể đáp ứng được những yêu cầu mới nảy sinh trong cuộc sống. Để khắc phục những khó khăn, những tác động tiêu cực của các hiện tượng tự nhiên và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người, con người buộc phải đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học để hiểu rõ về tự nhiên nhằm khắc phục các tác hại và tận dụng các điều kiện thuận lợi cho mình.

Các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ làm biến đổi triệt để về chất của lực lượng sản xuất, biến khoa học kỹ thuật thành nhân tố chủ đạo của nền sản xuất xã hội, thành lực lượng sản xuất trực tiếp, dẫn đến việc biến đổi cơ sở vật chất kỹ thuật của xã hội và sự phân công lao động xã hội. Từ các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, theo thời gian đưa tới các cuộc cách mạng công nghiệp.

Trong lịch sử, đã có ba cuộc cách mạng công nghiệp.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất được cho rằng ra đời từ khoảng năm 1784 với việc sử dụng hơi nước để cơ giới hóa sản xuất, cơ khí hóa sản xuất, được bắt đầu bằng việc phát minh ra động cơ hơi nước và xây dựng các tuyến đường sắt. Phát minh này của James Watt, được công bố vào năm 1775, đã làm bùng nổ nền công nghiệp thế kỷ XIX lan rộng từ Anh đến châu Âu, đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại, kỷ nguyên sản xuất cơ khí. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đã thay thế hệ thống kỹ thuật truyền thống của thời đại nông nghiệp kéo dài trong lịch sử, chủ yếu dựa vào gỗ, sức mạnh cơ bắp hay lao động thủ công, sức nước, sức gió và sức kéo của động vật bằng một hệ thống kỹ thuật mới với nguồn động lực là máy hơi nước. Cùng với nguồn nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng mới là sắt và than đá khiến lực lượng sản xuất được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, tạo nên sự phát triển vượt bậc của nền công nghiệp và nền kinh tế.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai ra đời sau gần 100 năm so với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, từ khoảng  năm 1870 đến khi thế chiến thứ nhất nổ ra với việc sử dụng năng lượng điện để sản xuất quy mô lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra khi có sự phát triển của ngành điện, vận tải, hóa học, sản xuất thép và đặc biệt là sản xuất và tiêu dùng hàng loạt đã tao nên những tiền đề mới và là cơ sở vững chắc để phát triển nền công nghiệp ở mức cao hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai dựa trên nền sản xuất đại cơ khí, sản xuất trên cơ sở điện – cơ khí và tự động hóa cục bộ. Cuộc cách mạng này đã mở ra kỷ nguyên sản xuất hàng loạt, được thúc đẩy bởi sự ra đời của điện và dây chuyền lắp ráp…

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba xuất hiện cũng sau gần 100 năm so với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai, tức là vào khoảng năm 1969-1970, với sự ra đời và lan tỏa của công nghệ thông tin, sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Cuộc cách mạng này thường được gọi là cuộc cách mạng máy tính hay cách mạng số vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn siêu máy tính, máy tính cá nhân và Internet. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba được thúc đẩy nhờ cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại. So với các cuộc cách mạng lần thứ nhất và lần thứ hai trước đây chỉ thay thế một phần chức năng lao động chân tay của con người bằng máy móc cơ khí, hoặc tự động hóa cục bộ thì khác biệt của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại là sự thay thế phần lớn và hầu hết chức năng của con người (cả lao động chân tay và lao động trí óc) bằng các thiết bị máy móc tự động hóa hoàn toàn trong quá trình sản xuất nhất định.

Cơ sở năng lượng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, bao gồm  việc phân rã hạt nhân với những chất thải gây ô nhiễm môi trường và tổng hợp hạt nhân, hay còn gọi là tổng hợp nhiệt hạch. Tổng hợp nhiệt hạch chính là nguồn năng lượng mới cho tương lai, không kèm theo các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.

Cách mạng công nghiệp lần thứ ba đã làm thay đổi chức năng và vị trí của con người từ nền tảng điện – cơ khí sang nền tảng cơ – điện tử và cơ – vi điện tử, đồng thời chuyển nền sản xuất sang các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu Nano, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng mới, công nghệ vũ trụ… Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba không chỉ góp phần tiết kiệm lao động sống như hai cuộc cách mạng công nghiệp trước mà đã tạo điều kiện tiết kiệm hơn các tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực xã hội, cho phép chi phí ít hơn để tạo ra cùng một khối lượng hàng hóa tiêu dùng.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang được hình thành trên nền tảng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và cách mạng khoa học công nghệ hiện đại. Cuộc cách mạng này có đặc trưng là sự kết hợp các công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực khoa học vật lý, sinh học, số hóa.

II/ Bối cảnh ra đời, đặc trưng và bản chất cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Thuật ngữ “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, tiếng Anh là The Fourth Industrial Revolution, hay còn gọi là “Công nghiệp 4.0”, lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ Công nghệ Hannover, Cộng hòa Liên bang Đức vào năm 2011. Trong tháng 10/2012, Nhóm công tác của Cộng hòa Liên bang Đức về “Công nghiệp 4.0” dưới sự chủ trì của hai ông, Siegfried Dais (thuộc Robert Bosch GmbH) và Henning Kagermann (thuộc Acatech) đã trình bày các nguyên tắc Công nghiệp 4.0 đề xuất thực hiện đối với chính phủ Đức. Ngày 08/4/2013 cũng tại Hội chợ hannover, báo cáo cuối của Nhóm công tác đã được trình bày. Đó cũng là tên gọi làn sóng thay đổi sản xuất đang diễn ra tại Đức.

Ở một số nước khác, cuộc cách mạng này được gọi là “Công nghiệp IP”, “Sản xuất thông minh” hay “Sản xuất số”. Dù tên gọi có khác nhau, nhưng ý tưởng chung vẫn là một: sản xuất tương lai mang thế giới ảo và thế giới thực xích lại gần nhau. Từ đó, thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” được sử dụng khá rộng rãi trên thế giới để mô tả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

1/ Bối cảnh ra đời của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư  

Một cuộc Cách mạng công nghiệp ra đời, luôn được xác định bởi hai lực đẩy và kéo. Lực đẩy chính là các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ, có những công nghệ thúc đẩy các cá nhân, doanh nghiệp, và chính phủ áp dụng để nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, quy trình sản xuất và cơ cấu lại nền kinh tế, từ đó đem lại nhiều lợi ích, thậm chí có tính bùng nổ, bước ngoặt. Tức là từ những công nghệ mới được sáng tạo ra, người ta áp dụng để mang lại hiệu quả cao hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Như vậy gọi là lực đẩy của cách mạng khoa học công nghệ. Lực kéo lại là những mong muốn, sức ép và hi vọng từ thực tế vận động của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Lực kéo có thể đến từ các cuộc khủng hoảng, từ nỗi lo bị doanh nghiệp, nền kinh tế khác vượt qua và từ nhiều nguyên nhân khác.

Đối chiếu vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta thấy một loạt các sáng tạo công nghệ là nền tảng và tạo cảm hứng cho sự ứng dụng cũng như các sáng tạo tiếp theo. Đó là sự kết nối của con người trên hệ thống Internet, trên quy mô toàn cầu. Sự kết nối của con người thông qua Internet đã xóa bỏ khoảng cách về địa lý giữa con người, làm cho sự giao tiếp, trao đổi và hợp tác của con người được trực tiếp, không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý. Đây là một bước ngoặt, và bước ngoặt này chín muồi khi phần lớn nhân loại được tương tác trực tiếp với nhau. Chính từ sáng tạo này, đã đẩy tới một sáng tạo khác, vạn vật kết nối, tức là không chỉ con người kết nối mà cả đồ vật cũng được kết nối. Cùng với vạn vật kết nối là một loạt các sáng tạo công nghệ như năng lượng mới, năng lượng nhiệt hạch, công nghệ vật liệu mới, công nghệ cảm biến, trí tuệ nhân tạo, vv…

Bối cảnh về kinh tế – xã hội, làm lực kéo để ra đời cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trước hết là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã đặt cho nhiều doanh nghiệp, nhiều nước phải điều chỉnh, thay đổi căn bản mô hình phát triển để hướng tới các mô hình phát triển mới hiệu quả hơn. Các sức ép về tái cơ cấu nền kinh tế, sức ép về an ninh năng lượng, an ninh tài nguyên và môi trường thúc đẩy các nước, nhất là các nước công nghiệp phát triển, các nước lớn đi tìm các giải pháp công nghệ, tổ chức lại sản xuất và quản lý để tối ưu hóa quá trình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và hiệu quả năng lượng.

Sự vươn lên mạnh mẽ của các quốc gia đang phát triển, được hưởng lợi từ sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu như Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil, vv… đã tạo ra sức ép phải thay đổi đối với các quốc gia hàng đầu thế giới. Nền công nghiệp bán tự động hóa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba lan tới các quốc gia đông dân, đã tạo ra những đại công xưởng, trở thành trung tâm sản xuất đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế thế giới là một nỗi lo của Mỹ, Nhật và các nền kinh tế lớn Tây Âu. Để giữ vững vị thế của mình, các quốc gia này không còn cách nào khác là tái cơ cấu nền kinh tế, tận dụng triệt để các sáng tạo của khoa học kỹ thuật, hoa học công nghệ tạo ra một cuộc Cách mạng công nghiệp mới, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2/ Đặc trưng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những đặc trưng sau.

– Kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã bắt đầu từ những năm 2000, đặc trưng bởi sự hợp nhất, không có ranh giới giữa các lĩnh vực công nghệ, vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Đây là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet và các hệ thống kết nối Internet.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi cách thức sản xuất, chế tạo. Trong các “nhà máy thông minh”, các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định sẽ thay thế dần các dây chuyền sản xuất trước đây. Nhờ khả năng kết nối của hàng tỷ người trên trên thế giới thông qua các thiết bị di động và khả năng tiếp cận được với  cơ sở dữ liệu lớn, những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ người máy, Internet kết nối vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3 chiều, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tính toán lượng tử. Từ sự kết nối này, thời đại sản xuất một sản phẩm với số lượng lớn đang dần kết thúc. Thay vào đó là khả năng tiếp nhận nhu cầu của khách hàng và truyền ngay tới công xưởng, các dây chuyền sẽ tự động kết hợp với nhau để sản xuất đơn chiếc với mức giá không thay đổi. Đây gọi là thời đại sản xuất hàng loạt đơn chiếc theo nhu cầu của khách hàng.

     – Quy mô và tốc độ phát triển chưa có tiền lệ trong lịch sử    

Nếu quy mô của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra với chỉ một nhóm ít quốc gia, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai chưa đến được với 17% dân số thế giới và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba vẫn chưa đến được với một nửa dân số thế giới thì cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ khác hẳn. Quy mô của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là toàn thế giới với những ảnh hưởng và tác động vô cùng sâu sắc.

Tốc độ phát triển của những đột phá trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư này là không có tiền lệ trong lịch sử. Nếu như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây diễn ra với tốc độ theo cấp số cộng (hay tuyến tính) thì tốc độ phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư này là theo cấp số nhân. Thời gian từ khi các ý tưởng về công nghệ và đổi mới sáng tạo được phôi thai, hiện thực hóa các ý tưởng đó trong các phòng thí nghiệm và thương mại hóa ở qui mô lớn các sản phẩm và qui trình mới được tạo ra trên phạm vi toàn cầu được rút ngắn đáng kể. Nếu như trước đây phải mất hàng chục năm các phát minh, cải tiến mới được ứng dụng vào thực tế thì ngày nay, việc cải tiến có thể xảy ra trong hàng tháng, thậm chí là hàng tuần. Những đột phá công nghệ diễn ra trong nhiều lĩnh vực như kể trên với tốc độ rất nhanh và tương tác thúc đẩy nhau đang tạo ra một thế giới được số hóa, tự động hóa và ngày càng trở nên hiệu quả và thông minh hơn. Tốc độ lan truyền công nghệ nhanh của làn sóng Công nghiệp 4.0 này được mô tả như sau: nếu như trước đây để đạt được con số 50 triệu người sử dụng điện thoại cần 75 năm, radio cần 38 năm, tivi cần 13 năm thì gần đây Internet chỉ cần 4 năm và Facebooks chỉ cần 3,5 năm.

     – Tác động mạnh mẽ và toàn diện đến thế giới đương đại  

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường ở tất cả các cấp – toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia. Các tác động này mang tính rất tích cực trong dài hạn, song cũng tạo ra nhiều thách thức điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn.

Về mặt kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động đến tiêu dùng, sản xuất và giá cả. Từ góc độ tiêu dùng và giá cả, mọi người dân đều được hưởng lợi nhờ tiếp cận được với nhiều sản phẩm và dịch vụ mới có chất lượng với chi phí thấp hơn.

Từ góc độ sản xuất, trong dài hạn, cuộc cách mạng công nghiệp lần này sẽ tác động hết sức tích cực. Kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào động lực không có trần giới hạn là công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào luôn có trần giới hạn.

Tuy nhiên cuộc cách mạng công nghệ này đang tạo ra những thách thức liên quan đến những chi phí điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn do tác động không đồng đều đến các ngành khác nhau: có những ngành sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và có những ngành sẽ phải thu hẹp đáng kể. Trong từng ngành, kể cả các ngành tăng trưởng, tác động cũng có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp, với sự xuất hiện và tăng trưởng nhanh của nhiều doanh nghiệp tạo ra những công nghệ mới và sự thu hẹp, kể cả đào thải của các doanh nghiệp lạc nhịp về công nghệ…

3/ Bản chất và xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Bản chất công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh, công nghệ cao để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Nói cách khác, đó là sự tích hợp và kết nối công nghệ. Không như các cuộc cách mạng trước đây thường diễn ra theo xu hướng phát minh mới làm lu mờ phát minh cũ, thì ngày nay công nghệ nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo cơ sở cho các công nghệ khác, các ngành nghề khác cùng phát triển.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có các công nghệ làm nền tảng và có các công nghệ ứng dụng mới trong sản xuất. Các công nghệ nền tảng bao gồm:

 Dữ liệu lớn. Dữ liệu lớn là một thuật ngữ chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp mà các ứng dụng truyền thống không xử lý được bao gồm các thách thức phân tích, thu thập, giám sát dữ liệu,tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ, truyền nhận, trực quan, truy vấn và tính riêng tư. Trong dòng thác dữ liệu liên tục được tạo ra và cập nhật từng giây, Dữ liệu lớn chứa trong mình nhiều thông tin quý giá mà nếu trích xuất thành công, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho việc kinh doanh, nghiên cứu khoa học…

– Điện toán đám mây. Điện toán đám mây, còn gọi là điện toán máy chủ ảo, là mô hình sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào Internet. Cơ sở hạ tầng thông tin và dịch vụ công nghệ trước đây được lưu trữ trong máy tính gia đình và văn phòng (hạn chế về dung lượng, khó khăn về dịch vụ) thì nay sẽ nằm ở các máy chủ ảo (hình ảnh là trên đám mây) với dung lượng khổng lồ, dịch vụ đa dạng, phong phú để mọi người kết nối và sử dụng mỗi khi cần.

     – Internet vạn vật kết nối. Còn gọi là mạng lưới vạn vật kết nối internet hay mạng lưới thiết bị kết nối internet trong đó mỗi đồ vật, mỗi con người được cung cấp một định danh riêng của mình, và tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người hay giữa người với máy tính. Hiểu một cách đơn giản, đó là một tập hợp các thiết bị có khả năng kết nối với nhau, với internet và thế giới bên ngoài để thực hiện một công việc nào đó. Việc kết nối có thể thông qua wifi, mạng viễn thông băng rộng (3G, 4G, 5G), bluetooth, hồng ngoại… Các thiết bị kết nối có thể là điện thoại thông minh, máy pha cafe, máy giặt, tai nghe, bóng đèn, bàn là, nồi cơm điện, ô tô..vv.. và nhiều thiết bị khác.

Trên nền tảng các công nghệ này, các công nghệ ứng dụng đã ra đời và làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của nền sản xuất trong tương lai. Các công nghệ ứng dụng quan trọng nhất, đó là:

     + Trí tuệ nhân tạoĐó là sự mô phỏng và hiện thực hóa các hoạt động của con người cho máy móc. Công nghệ này đã manh nha từ hơn nửa thế kỷ trước, đến nay đã có nhiều công nghệ hỗ trợ để tạo ra được các robot thông minh thay thế con người.

     + Công nghệ nano. Là ngành công nghệ liên quan đến việc thiết kế, phân tích, chế tạo và ứng dụng các cấu trúc, thiết bị và hệ thống bằng việc điều khiển hình dáng, kích thước trên quy mô nanomet (nm, 1 nm = 10−9 m). Các cấu trúc nano có tiềm năng ứng dụng làm thành phần chủ chốt trong những dụng cụ thông tin kỹ thuật có những chức năng mà trước kia chưa có. Chúng có thể được lắp ráp trong những vật liệu trung tâm cho điện từ và quang. Những vi cấu trúc này là một trạng thái độc nhất của vật chất có những hứa hẹn đặc biệt cho những sản phẩm mới và rất hữu dụng.

     + Công nghệ cảm biến. Là công nghệ sử dụng những thiết bị điện tử cảm nhận những trạng thái hay quá trình vật lý hay hóa học ở môi trường cần khảo sát, và biến đổi thành tín hiệu điện để thu thập thông tin về trạng thái hay quá trình đó.

     + Công nghệ in 3D. Hay còn gọi là công nghệ sản xuất đắp dần, là một chuỗi các công đoạn khác nhau được kết hợp để tạo ra một vật thể ba chiều. Trong in 3D, các lớp vật liệu được đắp chồng lên nhau và được định dạng dưới sự kiểm soát của máy tính để tạo ra vật thể. Các đối tượng này có thể có hình dạng bất kỳ, và được sản xuất từ một mô hình 3D hoặc nguồn dữ liệu điện tử khác. Máy in 3D là một loại robot công nghiệp.

     + Công nghệ sinh học. Công nghệ sinh học là bộ môn tập hợp các ngành khoa học và công nghệ gồm: sinh học phân tử, di truyền học, vi sinh vật học, sinh hóa học, công nghệ học nhằm tạo ra các quy trình công nghệ khai thác ở quy mô công nghiêp các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào động thực vật để sản xuất các sản phẩm có giá trị phục vụ con người.

Ngoài những công nghệ ứng dụng trên đây, còn rất nhiều các công nghệ ứng dụng khác đã và đang được sáng tạo trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những công nghệ nền tảng, và công nghệ ứng dụng được hòa quyện để tối ưu hóa hoạt động sản xuất của con người, đem lại sự phát triển vượt bậc của nhân loại trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp này không chỉ có vậy. Nhìn vào các công nghệ ứng dụng, với chức năng và sự ưu việt của chúng, chúng ta có thể cảm nhận được rằng, đích tới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này chính là việc sản xuất quy mô lớn Robot thông minh để thay thế hoàn toàn con người, trong sản xuất vật chất và một phần dịch vụ. Đó mới là bước ngoặt, đỉnh cao của sản xuất trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 này./.

(hết)

Hà Nội, ngày 28/8/2018

NVB

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

  1. ngày xưa thì đập phá máy móc vì nó tranh việc làm, bây giờ thì mọi thứ đều kết nối và thông minh và lấy đó làm mục tiêu, bản chất vẫn vậy chỉ khác cách nghĩ của con người !

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here