Ngày 1/1/2019, Luật an ninh mạng sẽ có hiệu lực. Dù một số các đại biểu quốc hội, cộng đồng mạng, các nhà kinh tế, … đã lên tiếng phản đối, nhưng luật vẫn được 88,8% các đại biểu quốc hội bấm nút thông qua hồi tháng 6 năm 2018. Sau đó không lâu, ngày 17-6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân và Hà Đông sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV đã thừa nhận: “Trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, có nhiều lợi ích nhưng mặt khác quản lý rất khó. Từ đây, có kích động, biểu tình, gây rối, lật đổ chính quyền. Do đó, cần luật này bảo vệ chế độ này, không thể để muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi.”
Trong khi luật chưa có hiệu lực, Facebook và Google chưa chấp nhận đặt máy chủ tại Việt nam cũng như chưa có ai nhận thực hiện nhiệm vụ bất khả thi “kéo đám mây điện toán từ Singapore về Việt nam” theo như ước vọng của ông Tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh – cơ quan thẩm tra Luật An Ninh Mạng, thì tự do báo chí, tự do ngôn luận đã bị bóp nghẹt sau khi hàng loạt các bài viết về các cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 bị gỡ bỏ, hàng loạt các tài khoản Facebook đăng thông tin lề trái bị khoá thì cả báo chí cách mạng cũng không thoát nạn.
Ngày16-7-2018, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT Lưu Đình Phúc đã ký Quyết định số 140/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản đối với báoTuổi Trẻ.Hai tội danh làm cho báo Tuổi Trẻ Online “lâm nạn” là đã có hành vi [đưa] thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng và thông tin gây mất đoàn kết dân tộc.
Tại “thằng comment”
Một bình luận cũ rích – “Nam kỳ đang bị bọn Bắc kỳ ngu dốt cai trị” – đã được lôi ra để trị với mức phạt tới 170 triệu đồng. Bình luận này được cho hiển thị trong bài viết “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây?” được đăng từ ngày 26/5/2017.
Lời bình luận trên đã phạm vào điều 15 của luật an ninh mạng mới được thông qua chưa ráo mực. Trong điểm b khoản 1 điều 15 có quy định “Cấm thông tin gây chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước.” Theo đó khi nói tới Nam kỳ và Bắc kỳ có nghĩa là “gây mất đoàn kết dân tộc”.
Nếu như vậy liệu khi ông Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu:“Tổng bí thư phải là người miền Bắc, có lý luận.”vào ngày 29/12/2015 có được cho là một hành vi gây mất đoàn kết dân tộc?Lời phát biểu này tuy đã bị xoá hoàn toàn trên các trang báo trực tuyến trong nước, nhưng ở các trang báo nước ngoài và không chính thống vẫn còn.
Khi bình luận sử dụng cụm từ “bọn Bắc kỳ ngu dốt” đã đụng vào cái điểm nhạy cảm của rất nhiều người miền Bắc mà trước hết là “thông tin xúc phạm quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc” theo điểm c khoản 1điều 15. Đã là lãnh đạo thì không thể ngu dốt, cán bộ miền Bắc phải là “lãnh đạo” nhân dân, chứ không phải là bọn thực dân đế quốc mới “cai trị” con dân.
Nếu cái người comment sử dụng từ thuần Bắc để đổi lại một chút cái câu bình luận trên thành “miền Nam do người miền Bắc lãnh đạo” thì có lẽ đã chẳng có chuyện báo Tuổi trẻ online bị đình bản.
Lỗi tại cái tai
Ngày 19-6-2018 báo tuổi trẻ đăng bài “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình” có đoạn “chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật biểu tình.” Sau đó thì bài báo đã được thay đổi nội dung và tiêu đề hoàn toàn khác nhưng vẫn bị khép vô tội “đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng” và nhận mức phạt 50 triệu đồng.
Một buổi tiếp xúc cử tri các quận 1,3 và 4 ở Sài gòn với hàng trăm người tham dự, nếu muốn kiểm chứng ông Quang có nói lời trên hay không thì không có gì là khó, nhất là thời buổi này người người sử dụng máy ghi âm, ghi hình hiện đại. Một phóng viên của báo Tuổi trẻ, là một tờ báo lớn hàng đầu ở phía nam chắc chắn không ngô nghê hay nghễnh ngãng tới độ đưa ra một thông tin trái với sự thật nghiêm trọng như vậy.
Cử tri các tỉnh Quảng Bình, Long An, TPHCM, Hải Phòng kiến nghị cho Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội rằng “việc ban hành Luật biểu tình là rất cần thiết, nhằm hướng dẫn người dân thực hiện quyền công dân chính đáng của mình và xử lý nghiêm các hoạt động biểu tình trái phép, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.” Như vậy nếu ông Trần Đại Quang đồng tình với kiến nghị này là một điều hợp lòng dân thì tại sao lại phải bị kiểm duyệt? Có lẽ vì chưa đúng ý Đảng khi vô tình đưa tin có hơi hướm “lôi kéo tụ tập đông người gây rối.”
Bài học cho báo chí cách mạng
Bài học mà Ban Tuyên Giáo và ông Trọng đưa ra cho làng báo chí chính thống và bạn đọc trong nước đã quá rõ. Tin có thể đưa, nhưng không thể trái ý Đảng dù là sự thật. Phát ngôn của bất kỳ nhân vật nào cũng có thể bị kiểm duyệt. Người nào duyệt bình luận trên các báo phải cẩn thận hơn, còn tốt hơn nữa là cứ khoá luôn mục bình luận để cho khỏi phải thọ nạn như Tuổi trẻ Online.
Ai yêu em thì gọi video nào