Trung Điền |
Diễn biến đã trở thành trung tâm của sự chú ý dư luận và truyền thông thế giới vào cuối năm 2017 chính là cuộc biểu tình xảy ra ở nhiều thành phố lớn tại Iran, kéo dài liên tục từ ngày 28 tháng 12 qua đến đầu tháng 1 năm 2018.
Nói cách khác, trong lúc thế giới chuẩn bị chào đón sự chuyển mình của năm mới – 2018, người dân Iran đã túa ra đường đòi cơm áo. Họ đã không còn có thể chịu đựng cuộc sống khó khăn, khi giá thực phẩm và nhiên liệu tăng hầu như hàng ngày, sau hai năm chờ đợi cuộc sống khá hơn từ lúc Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân với 6 nước và lệnh trừng phạt kinh tế đã được tháo gỡ vào năm 2015.
Lúc đầu những người kêu gọi biểu tình đòi cơm áo chỉ muốn tập trung ở Thủ đô Tehran và dự kiến con số tham dự khoảng vài chục ngàn người để tạo sức ép lên chính quyền Tổng Thống Hassan Rouhani, hầu có những chính sách cải tổ kinh tế tốt hơn trong năm 2018. Nhưng không ngờ làn sóng người hưởng ứng lên quá đông và bùng nổ khắp nước.
Mặc dù báo chí và truyền thông bị chính quyền Iran kiểm soát toàn diện, nhưng người dân Iran đặc biệt là giới trẻ đã khai dụng Smartphone và nhất là mạng xã hội để liên lạc, kêu gọi nhau xuống đường, và chuyển tải các hình ảnh biểu tình đi khắp nơi.
Vào năm 2009 khi cuộc biểu tình chống gian lận bầu cử Tổng Thống bùng nổ, lúc đó người dân Iran sở hữu không tới 1 triệu Smartphone, nhưng vào thời điểm 2017, dân Iran đã sở hữu hơn 48 triệu Smartphone (tương đương với 60% dân số so với 2% năm 2009) và đặc biệt đã biết khai dụng mạng Telegram Channel và Instagram để liên lạc và thông báo các tin nhắn.
Khi cuộc biểu tình bùng nổ, đa số các khẩu hiệu tập trung vào ba nội dung chính: chống tham nhũng, phản đối tình trạng giá cả hàng hóa quá cao và tình trạng thất nghiệp. Các phát biểu của những người biểu tình tập trung vào việc chất vấn rằng: tại sao chính phủ đã chi tiêu quá nhiều tiền cho những cuộc xung đột ở Trung Đông trong khi người dân ở trong nước lại khốn khổ.
Nhưng khi làn sóng biểu tình đạt lên đỉnh điểm gần nửa triệu người tham gia vào thời khắc giao mùa đêm 31 tháng 12 tại thủ đô, đã xuất hiện một số khẩu hiệu có những nội dung mạnh mẽ hơn: Đừng quan tâm đến Palestine nữa – hãy nghĩ đến chúng tôi; Phải trả tự do cho tù nhân lương tâm – Dân chủ hay là chết; Đả đảo chính quyền Rouhani độc tài – Phải làm cuộc cách mạng mới.
Điều này cho thấy là sau những năm chịu đựng sự phong tỏa kinh tế của Phương Tây, chờ đợi những thay đổi tốt hơn theo sự hứa hẹn của Tổng Thống Hassan Rouhani (đắc cử năm 2013), người dân Iran hoàn toàn vỡ mộng và họ muốn thay đổi. Vì thế so với cuộc biểu tình năm 2009 chỉ diễn ra quanh thủ đô, cuộc biểu tình lần này bùng nổ ở nhiều thành phố trên khắp nước, bao gồm cả những khu vực vốn là “căn cứ địa” của chính phủ, và người biểu tình cũng đã dám lên án và đòi lật đổ cả Thủ lãnh Tôn giáo Tối cao Ayatollah Ali Khomeini, nhân vật quyền lực bất khả tại Iran từ năm 1979.
Ngoài ra, so với năm 2009, các cuộc biểu tình lần này đã có nhiều cuộc bạo động xảy ra, và tính đến nay đã có hơn 30 người thiệt mạng dưới tay của lực lượng an ninh; số người bị bắt đã lên cả ngàn.
Tuy cuộc biểu tình đã kéo dài nhiều ngày, nhưng các nhóm tổ chức biểu tình chưa xuất hiện công khai dưới một lực lượng thống nhất. Có thể là họ lo sợ lực lượng an ninh truy lùng và tiêu diệt khi chưa tạo được sự kết hợp rộng rãi, nhưng cũng có thể là vì chưa điều hướng được sự phẫn nộ của người dân khi mà sự bất mãn bị đè nén quá lâu đang trong lúc bộc phát cao độ.
Ngay cả chính quyền Iran cũng chưa có thể lường được làn sóng bất mãn của người dân hiện nay sẽ diễn ra như thế nào, nên họ đã phải tung ra chính sách nước đôi. Trên bề nổi, Tổng Thống Hassan Rouhani cố gắng xoa dịu căng thẳng, tuyên bố rằng sự việc chưa có gì là trầm trọng và nói rằng người dân có quyền được chỉ trích chính phủ và biểu tình, nhưng sẽ trừng trị thẳng tay những kẻ phá hoại .
Trong khi đó, chính quyền một mặt tung lực lượng an ninh theo dõi những người chủ chốt các cuộc biểu tình, và cho báo chí tung lên nguồn tin rằng Do Thái chính là thế lực thù địch đứng đàng sau giật dây và tài trợ các cuộc biểu tình chống chính quyền, cũng như ám chỉ có bàn tay can thiệp của Mỹ và Saudi Arabia. Mặt khác cho tổ chức những cuộc biểu tình bênh chính phủ rầm rộ, chống lại những người biểu tình thực sự, và đả phá sự can thiệp của ngoại bang nhằm bôi nhọ chính nghĩa của những người dân đứng lên chống độc tài và tham nhũng.
Theo các nhà quan sát quốc tế, những cuộc biểu tình hiện nay là do nhiều năm bất mãn về chính trị, kinh tế và xã hội của quần chúng. Chính phủ bị chỉ trích tham nhũng trầm trọng, độ chênh lệch giàu nghèo và bất mãn gia tăng, đa số người dân Iran không mua nổi thực phẩm với giá cả càng ngày càng lạm phát khủng khiếp. Giá xăng và trứng tăng 50% mới đây có thể là giọt nước làm nước tràn ly đối với một quốc gia có 77 triệu người, trong số 80 triệu dân số, sống dựa vào tiền trợ cấp của chính phủ, $13 một tháng.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng Thống Hassan Rouhani, tuy chọn con đường hòa giải với phương Tây để giảm bớt sự cô lập kinh tế, nhưng vẫn tiếp tục đổ tiền duy trì chính sách bảo hộ Palestine để đối đầu với Do Thái. Vì thế mà dù Iran không còn bị cấm vận kinh tế, nhưng hàng trăm tài sản của Iran vẫn còn bị phong tỏa và nhất là Tổng Thống Donald Trump tiếp tục đặt thêm lệnh trừng phạt Iran sau một số vi phạm như vụ phóng tên lửa vào mùa hè năm 2017.
Nói tóm lại, các lệnh trừng phạt của các quốc gia Phương Tây đã làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế của Iran, dẫn đến những khủng hoảng xã hội, trong khi người dân Iran đã mất dần khả năng chịu đựng và vì thế họ đã phải hành động bằng những cuộc biểu tình để đòi cơm áo.
Phai lat do bon doc tai.
Do thế lực thù địch đảng i tân xúi dục, bọn i tân phản động
Con che do doc tai la nguoi dan con kho,khong ngoi dau len duoc
nuoc nguoi ta van hoa cao biet dau tranh doi quyen loi
.