Vài cảm nghĩ sau khi xem xong những tập đầu của “The Vietnam War”

Trần Thị Ngự - Dân Luận

- Quảng Cáo -
  • Xin được nêu vài cảm nghĩ sau khi xem xong Tập 1 của bộ phim “The Vietnam War” của Ken Burns và Lynn Novick.
    Trước hết, Tập 1 giúp tôi hiểu thêm được chính sách cũng như sự can thiệp rất sớm của Mỹ vào lịch sử chiến tranh Việt Nam như thế nào. Do đây là lần đầu tiên tôi tiếp cận những chi tiết này, tôi chấp nhận face-value của chúng.

    Thứ hai, Tập 1 có trình chiếu quan điểm của nhiều người liên quan đến cuộc chiến từ nhiều phía, kể cả VNCH, nhưng trọng tâm là chính sách can thiệp của Hoa Kỳ. Trong khi quan điểm của những người tham gia cuộc chiến chống thực dân Pháp được đưa lên, quan điểm của những người chống cộng sản ở cả hai miền Nam và Bắc vẫn chưa được đề cặp.

    Thứ ba, có một số diễn giải (thông qua narratives trong phim) các sự kiện không sát với thực tế hay có tính thiên vị. Thí dụ, phim cho rằng phong trào Việt Minh đã phân chia VN (kẻ theo Việt Minh và kẻ theo Pháp). Thực tế là ban đầu, Việt Minh tập hợp mọi tổ chức và đảng phái để chống thực dân. Những người không theo Việt Minh có thể vì họ ngại đấu tranh, hay sợ bị Pháp trả thù chứ không hẳn là những người ủng hộ thực dân Pháp. Do đó, không có vấn đề “country divided” trong thời kỳ có phong trào Viêt Minh. Phim nói đến Mỹ đã hỗ trợ Pháp trong trận Điện Biên Phủ, nhưng phim không nói đến việc Trung Quốc hỗ trợ Võ Nguyên Giáp. Kế đến, không hiểu căn cứ vào đâu mà phim diễn giải rằng tổng tuyển cử (được dự kiến hai năm sau hiệp định Geneve) “everyone knew Ho Chi Minh would win.” Khi nói về cải cách ruộng đất, phim tường thuật rằng Võ Nguyên Giáp đa cho giết những điền chủ đứng về phía Pháp (landlords sided with the French), trong khi thực tế, cải cách ruộng đất là một hình thức đấu tranh giai cấp và giai câp địa chủ (bị coi là đã bóc lột) phải bị tiêu diệt.

    Nói tóm lại, Tập 1 của bộ phim “The Vietnam War” dù có tiếng nói của những người liên quan đến cuộc chiến từ nhiều phía (tiến bộ hơn hẳn bộ phim “Vietnam: A Television History”) vẫn bao trùm quan điểm của người Mỹ về chiến tranh Việt Nam nên cuộc chiến trong bộ phim vẫn còn là American War chứ chưa phải là Vietnam War.

    * * *
    Xin có tiêp vài nhận xét sau khi xem Tập 2 và Tập 3 của bộ phim “The Vietnam War” của Ken Burns và Lynn Novick. Mặc dù được “quảng cáo” là bộ phim chứa đựng nhiều quan điểm, nhưng cả ba tâp đầu đều theo lối mòn của các nhà viết sử Mỹ về cuộc chiến Mỹ đã tham dự trực tiếp trong gần 20 năm: nội dung phim nghiêng nặng về quan điểm của Mỹ về cuộc chiến qua phần narratives, những hình ảnh và footage.

    - Quảng Cáo -

    Tâp 2 nói về các xáo trộn chính trị ở miền Nam cũng như cuộc đảo chánh và sát hại hai anh em tổng thống Ngô Đình Diệm (1961-1963). Phim đề cập đến cuộc phản kháng của Phật giáo và phật tử (nói rõ không liên quan đến cộng sản) như lý do đưa đến sự xụp đổ của nền đệ nhất cộng hoà cũng như tường thuật của một ký giả Mỹ là bằng cớ về sự bất tài và thối nát của chính quyền Ngô Đình Diệm. Những thông tin trong phim có phần không sát với thông tin trong các tài liệu khác viết về thời kỳ này. Mặc dù Ngô Đình Diêm có nhiều khuyết điểm, mặc dù Ấp Chiến Lược đã thất bại, các tài liệu khác (như của TS Nguyễn Tiến Hưng cũng như các liệu xuất bản trước 1975) cho thấy thời kỳ này kinh tế và tổ chức hành chánh ở miền Nam phát triển khá tốt, và sự phát triển của lực lượng du kích CS chưa lên cao. Ngoài ra, phim chỉ đơn giản nói đến sự phản kháng của Phật Giáo, trong khi có nhiều tài liệu đề cập đến sự tham dự (giật dây) của CIA làm tăng thêm tầm nghiêm trọng của biến cố Phật Giáo (thí dụ sư Thích Trí Quang được cho là đã được đưa vào trú ẩn trong toà Đại Sứ Mỹ tới vài tháng) cũng như sự lợi dụng của CS nằm vùng và các nhóm thiên tả nhằm gây thêm xáo trộn.

    Tâp 3 nói về sự leo thang chiến tranh cũng như các quyết định độc đoán và sai lầm của chính quyền Johnson. Xem đến tập này thì thất vọng của tôi về cuốn phim tăng lên. Phim cho thấy sự bất công (injustice) mà miền Nam phải gánh chịu khi chính quyền Kennedy sát hại hai anh em họ Ngô, đưa đến các xáo trộn và bất ổn cho miền Nam; chính quyền Johnson độc đoán quyết đinh các chính sách và kế hoạch chiến tranh mà không tham khảo đồng minh. Nhưng chính bộ phim cũng đóng góp vào sự bất công đối với quân đội VNCH.

    Phim có đưa ra tiếng nói của một sĩ quan VNCH, nhưng phim tràn ngâp hình ảnh chiến đấu của quân nhân Mỹ với địch quân khiến cho người xem có cảm tưởng người Mỹ chiến đấu ở VN là chính. Phim nói về thuơng vong của “hai bên”: một quân nhân Mỹ tử trận thì đối phương (phía CS) có mười người. Còn bao nhiều quân nhân VNCH tử trận thì phim không nói đến. Đứng trên quan điểm đa chiều và nhân văn, sự hy sinh của mọi người lính, dù ở phía nào, đều đáng được ghi nhận bởi vì người lính nào cũng phục vụ cho đất nước của họ. Đồng thời nỗi đau của thân nhân họ không thể đo lường bên nào nhiều hơn bên nào.

    Đạo diển Lynn Novick nói (khi trả lời khán giả buổi chiếu thử ở Lãnh Sự Mỹ ở Saigon) là phim làm ra chủ yếu cho khán giả Mỹ, nên bộ phim này nên được thêm vào và trở thành một phần của bộ phim “American Experiences” của Ken Burns. Và thêm một lần nữa, quân đội VNCH vẩn là “Vietnam’s Forgotten Army” (tên quyển sách của Andrew Wiest, giáo sư sử học tại University of Southern Mississippi, viết về sự chiến đấu dũng cảm của quân đội VNCH trong chiến tranh Việt Nam).

    P/S: BBC Vietnamese có bài điểm phim “Thấy gì từ tập đầu phim The Vietnam War?” của Peter Zinoman Giáo sư Lịch sử và Đông Nam Á Học, Đại học California ở Berkeley rất xác đáng: http://www.bbc.com/vietnamese/forum-41319595

    * * *
    Xin đưa ra vài nhận xét của tôi sau khi xem Tập 4 và Tập 5 của bộ phim “The Vietnam War.”

    Tương tự như 3 tập trước, hai tập phim sau này cùng có khuynh hướng lấy Mỹ làm trọng tâm. Tâp 4 nói về thời kỳ 1963-1964 và Tập 5 về thời kỳ 1965-1967 ở VN với chủ yếu là các diễn biến về chính sách chiến tranh ở Washington và các trận đánh ác liệt (và nỗi tiếng?) giữa quân đội Mỹ và quân đội CS. Trong cả hai tập 4 và 5 xuất hiện nhiều nhân chứng tham dự chiến tranh từ hai phía Mỹ và CS, nhưng tuyệt nhiên không có một nhân chứng nào thuộc quân đội VNCH. Sự thiếu vắng tiếng nói của quân đội VNCH khiến tôi nhớ lại bài tường thuật về buổi chiếu thử ra mắt phim tại lãnh sự Mỹ ở Saigon đăng ở BBC Vietnamese. Một khán giả sau khi xem phim đã hỏi hai đạo diễn là sao không có tiếng nói của quân đội VNCH. Đạo diễn Lynn Novick trả lời là có trong những tập phim khác. Tác giả bài tường thuật nghi ngờ là phim bị nhà cầm quyền VN kiểm duyệt. Tôi không biết có chuyện kiểm duyệt phim chiếu thử hay không, nhưng phim tôi xem chiếu trực tiếp trên đài PBS của Mỹ, chắc chắn không có kiểm duyệt. Vậy mà tôi cũng không thấy bóng dáng hay tiếng nói của quân đội VNCH.

    Quân đội VNCH ở đâu và làm gì khi xảy ra những trận chiến ác liệt ấy? Con số thương vong của phía VNCH, được ước lượng nhiều gấp 5 hay 6 lần số thương vong của phía Mỹ cho thấy họ có chiến đấu. Ken Burns và Lynn Novick nghĩ gì khi đã bỏ quên những người chiến đấu chủ lực trong chiến tranh VN?

    Trong Tập 4, phim có đưa vài thông tin sơ sài về khung cảnh chính trị ở miền Nam, có lẽ để giải thích cho việc thay đổi chính sách chiến tranh từ Washington. Phim cho thấy sự rối loạn chính trị ở miền Nam qua việc thay đổi chính phủ liên tục trong một thời gian ngắn sau vụ đảo chánh Ngô Đình Diệm. Phần thuyết minh cho rằng trong lúc tình hình chiến sự căng thẳng thì quân đội VNCH chia phe phái, đánh lẩn nhau để tranh dành quyền lực. Đây là một nhận định khá nông cạn vì nhà làm phim (được cho là đã bỏ ra 10 năm để nghiên cứu các tài liệu) chỉ căn cứ vào các thông tin và hình ảnh về các cuộc đảo chính hay chỉnh lý mà không nhìn vào gốc rể sâu xa của các sự xáo trộn chính trị ở miền Nam lúc ấy, khởi thuỷ bằng việc Mỹ hỗ trợ cho quân đội làm đảo chánh và sát hại anh em nhà họ Ngô, những người đã cương quyết không nghe lời Mỹ. Phần thuyết minh nhận định rằng trong việc lựa chọn người lãnh đạo, vấn để được lòng dân không quan trọng bằng được lòng Washington. Bởi vì chiến tranh không diễn ra trong hư vô (vacuum) mà trong một khung cảnh chính trị và xã hội nhất định, phim sẽ hơp lý hơn khi nói đến việc Washington can thiệp vào nội bộ chính trị ở VN và hậu quả của nó đối với chiến trường. Có khi nào Ken Burns và Lynn Novick tự hỏi nếu Mỹ đừng đem quân vào miền Nam, đừng trực tiếp tham gia chiến trường mà chỉ viện trợ về quân sự và kinh tế cho miền Nam thì tình hình sẽ như thế nào?

    Trong Tập 5, giữa những cảnh đánh nhau ác liệt giữa các chiến binh Mỹ và CS, phim có đưa ra nhận định chính phủ miền Nam không được lòng dân (unpopular) và đầy tham nhũng nhưng không đưa ra chi tiết unpopular như thế nào và tham nhũng ra sao. Đúng ra thì vấn đề được lòng dân và tham nhũng phải được quan sát trong hoàn cảnh xã hội đương thời. So sánh sự ủng hộ của dân miền Bắc đối với Hồ chính Minh với sự ủng của dân miền Nam với các chính quyền lúc đó là việc so sánh quả cam với quả táo bởi khung cảnh xã hội của hai miền rất khác biệt: một bên là xã hội sau bức màn sắt, thông tin bưng bít; một bên là xã hội mở với quyền tự do ngôn luận khá rộng rãi và sự hiện diện (không mời) của quân đội Mỹ cùng hậu quả chính trị của nó. Vấn để tham nhũng hiện nay vẫn còn ở hầu hết các nước ở vùng Đông Nam Á. Cái quan trọng là tham nhũng tới mức nào và ảnh hưởng đến sức chiến đấu của quân đội VNCH ra sao thì phim không nói đến.

    Tóm lại, năm tập phim đầu đã vạch trần chính sách sai lầm của Washington trong chiến tranh VN, nhưng nhiều vấn đề phim nêu vẫn chưa được lý giải thoả đáng:

    1. Có đúng ý thức hệ (tự do và dân chủ) là lý do thật sự của các chính sách về chiến tranh của Johnson? Lý tưởng tự do và dân chủ vốn được người dân Mỹ trân quí, tại sao họ không ủng hộ Johnson?

    2. Tại sao Johnson lại độc đoán quyết định đưa quân Mỹ đến VN mà không tham khảo ý kiến đồng minh? Tại sao Johnson lại có những việc dối trá với quốc hội và dân chúng. Nếu lý tưởng tự do và dân chủ là cao quí, thì tại sao Johnson lại hành động một cách phản dân chủ như vậy? Trước đây ở miền Nam đã có ý kiến cho rằng Mỹ leo thang chiến tranh để xử dụng số vũ khí tồn kho sau Thế Chiến Thứ Hai và vũ khí do Mỹ việc trợ cho quân đội VNCH thường lỗi thời và không hiệu quả như vũ khí của phe CS viện trợ cho miền Bắc. Việc Pentagon giải quyết vũ khí tồn kho sau WW II có liên quan gì đến chính sách của Washington đối chiến tranh VN?

    3. Tại sao quân nhân Mỹ lại chiến đấu riệng biệt ở chiến trường VN mà không phối hợp với quân đội VNCH và quân đội của các đồng minh khác (Úc, Tân Tây Lan, Phi, Thái, Nam Hàn)?

    Việc vắng bóng quân đội VNCH là một thiếu sót rất lớn đối với một cuốn phim mang danh thể hiện cái nhìn của cả ba phía. Hẳn nhiên các nhà làm phim không bắt buộc phải thể hiện mọi góc cạnh của lịch sử. Họ hoàn toàn có lý khi chỉ chú ý đến một góc cạnh nào đó. Nhưng vấn đề là phải chính danh, một nguyên tắc đạo đức của nhũng người tường thuật lịch sử. Sau khi xem 5 tập phim, tôi nghĩ cuốn phim nên được đặt tên là “American Experience with the Vietnam War.” Còn quảng cáo phim thể hiện cái nhìn của cả ba phía mà chỉ chú trọng đến Hoa Kỳ thì giống như “treo đầu dê, bán thịt chó.”

- Quảng Cáo -

4 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here