Quan hệ Nga – Mỹ và bài học Ba Lan

Fb Quang An

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại điện Royal Castle ở Warsaw, Ba Lan, ngày 6/7/2017. (AP Photo/Evan Vucci)
- Quảng Cáo -

Xin thưa trước, chuyện đây là chuyện giữa anh Nga và anh Mỹ, chứ hổng phải chuyện lùm xùm “vô duyên thúi” về mối quan hệ của đại gia tên Mỹ và hoa hậu tên Nga mà báo chí Việt Nam được định hướng tha hồ tung tin liên tục trong suốt những tuần vừa qua. Hổng phải vô cớ mà dùng chữ “vô duyên”, mà lại là “vô duyên thúi”, khi mà báo chí Việt Nam như được bật đèn xanh để đi tán dương câu chuyện của một kẻ có tiền đem đi cho một cô gái bao.

“Vô duyên thúi” khi mà báo chí có vẻ ca ngợi và tâng bốc nền tư pháp của Việt Nam để chứng tỏ rằng Việt Nam cũng có luật pháp, trong khi lại giấu nhẹm một vụ xử khác đối với một blogger bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền.

Với hai vụ xử án, đã chứng minh cho thấy luật pháp ở Việt Nam chỉ là trò hề và đúng như những bài viết trước mình đã chia sẻ: “luật là TAO”. Cho nên, đừng có ai mà mơ mộng hay có quá nhiều ảo tưởng về một thể chế công bằng, minh bạch ở Việt Nam.

Quay trở lại với chuyện anh Nga và Mỹ. Hôm tuần qua, hội nghị thượng đỉnh G-20, tập hợp của 20 quốc gia giàu có thế giới ở Đức được xem là mối quan tâm hàng đầu của báo chí thế giới. Tuy nhiên, có lẽ chuyện đáng chú ý nhất ở hội nghị G-20 này chính là cuộc gặp mặt bên lề giữa hai tổng thống Trump và Putin. Tuy mang danh là họp mặt bên lề, nhưng đây là lần gặp mặt chính thức đầu tiên giữa hai vị nguyên thủ đứng đầu hai cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới này, kể từ ngày ông Trump nhậm chức tổng thống vào hồi tháng Giêng đầu năm nay.

- Quảng Cáo -

Tại sao cuộc gặp mặt này đáng chú ý nhất? Xin thưa luôn là sau khi đắc cử tổng thống, ông Trump dù đã gặp biết bao nguyên thủ quốc gia khác như Anh, Nhật, Đức, Pháp, v….v… hay thậm chí là cả hai anh em cộng sản “môi hở răng lạnh” Tàu và Việt Nam, nhưng ông Trump chưa gặp ông Putin bao giờ. Cuộc gặp mặt này càng đáng chú ý hơn, khi mà báo chí và giới phản đối ông Trump ở Mỹ đang phanh phui chuyện Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ hồi năm ngoái.
Cuộc gặp càng đáng chú ý hơn khi mà tình hình ở Bắc Triều Tiên, ở Syria xem chừng có thể là cái cớ để hai anh Nga – Mỹ uýnh nhau.
Và đối với những “chuyên gia bên lề” thì cuộc gặp càng đáng chú ý nhất khi có nhiều quan điểm cho rằng, phải “mất dạy”, “khó đoán”, “khó chơi” như Trump thì mới mong “trị” được Putin. Chứ “xìu xìu ểnh ểnh” như Obama thì Mỹ chỉ có nước từ rút quân đến … rút quân mà thôi.

Và sự thật thì rõ ràng cuộc gặp mặt này đáng chú ý thật, khi mà cả hai vị nguyên thủ nói chuyện với nhau tới hai giờ mười lăm phút, nhiều hơn thời gian được sắp xếp là 30 phút. Chẳng hiểu hai ông nói với nhau điều gì, nhưng chắc chắn một điều, đây là sự mặc cả giữa hai cường quốc và có thể quyết định số phận của một số quốc gia khác trên thế giới.

Ai cũng biết là Mỹ muốn có sự thay đổi ở Bắc Triều Tiên, ở Syria, cũng như muốn Nga không can thiệp vào Ukraine, và có câu trả lời về chuyện dính líu đến bầu cử ở Mỹ. Dĩ nhiên là Nga lại có ý kiến ngược lại. Để xem ai “hù” được ai.

Dĩ nhiên, Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến bầu cử ở Nga vào năm tới khi mà ứng cử viên đối lập Alexei Navalny, người chống Putin và chế độ tham nhũng của Putin tới cùng, đang phải dùng youtube để truyền tải thông điệp của mình cũng như kêu gọi người dân Nga ủng hộ. Rõ ràng là chuyện gì Nga làm được, thì Mỹ cũng làm được. Quan hệ Nga – Mỹ hay là cuộc đối đầu Putin – Trump sẽ còn gây sự chú ý của giới báo chí dài dài.

Ở đây, có một chi tiết khá lý thú mà ít ai để ý, chính là việc ông Trump thay vì bay thẳng đến Đức để dự hội nghị G-20, thì lại đáp máy bay xuống Ba Lan, quốc gia láng giềng của Đức, và cũng là láng giềng của Nga.

Bài diễn văn của ông Trump đọc ở Ba Lan được khen ngợi là quá xuất sắc, và dân Ba Lan thì ủng hộ tổng thống Mỹ, ủng hộ Mỹ cũng quá chừng chừng. Chuyện này cũng nói thêm là các quốc gia Đông Âu trong khối cộng sản cũ, thì sau khi xoá bỏ chế độ cộng sản, đều ngã theo làm đồng minh của Mỹ mạnh mẽ nhất, mà trong đó Ba Lan và Tiệp Khắc đứng hàng đầu.

Cả Ba Lan và Tiệp Khắc đã đồng ý cho Mỹ đem giàn hoả tiễn phòng thủ đến lắp đặt ở đây. Việc này cũng làm cho Nga “run” vì cảm thấy hơi nóng của Mỹ “phả” ngay vào gáy. Và ngay cả phi cơ chở Putin đến Đức, cũng phải bay vòng tránh không phận của Ba Lan.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao Ba Lan lại quá thân thiết với Mỹ như vậy. Cũng dễ hiểu, vì dân Ba Lan quá hiểu cộng sản, và cái ách nằm kế bên tên cộng sản độc tài Nga Sô. Biết bao đau thương đã xảy ra đối với dân Ba Lan trước và sau thế chiến thứ hai. Bản thân mình cũng không biết nhiều về Ba Lan cho đến năm 1974 khi Ba Lan giành được hạng 3 ở giải vô địch bóng đá thế giới ở Đức khi chỉ chịu thua Đức và Hoà Lan ở ngôi vị thứ nhất và thứ nhì. Nhớ cái tên Lato đầu hói đoạt giải vua phá lưới.

Từ đó mình mới tìm hiểu về quốc gia này và vô cùng ngạc nhiên khi biết Fryderyk Chopin, một trong các nhạc sĩ vĩ đại của thế giới là người Ba Lan từ thời thế kỷ 18, 19. Quốc gia này có quá nhiều nhân tài. Thậm chí Đức Giáo Hoàng cũng từ Ba Lan. Cho nên, dễ dàng nhận thấy, dân chúng Ba Lan có suy nghĩ và nhận thức cao khi không bao giờ chấp nhận sự độc tài cộng sản. Ba Lan là nơi khởi thuỷ của phong trào Đoàn Kết, để rồi là quốc gia đầu tiên trong khối cộng sản Đông Âu, dám dũng cảm đứng lên lật đổ chế độ cộng sản thân Nga vào năm 1989, kéo theo sự sụp đổ dây chuyền của các nước cộng sản khác ở Âu Châu.

Người dân Ba Lan đã có những sáng kiến đấu tranh bất bạo động rất hay khi tất cả đồng tâm tẩy chay hệ thống truyền hình, hệ thống tuyên truyền của nhà cầm quyền cộng sản. Cứ đến giờ ti vi phát chương trình tin tức và thời sự, là dân Ba Lan tắt ti vi, kéo nhau ra ngồi trước cửa nhà. Dĩ nhiên, sau khi thoát khỏi ách cai trị của cộng sản, Ba Lan đã có quyết định đúng đắn khi bắt tay làm bạn với Mỹ, một quốc gia hàng đầu về tự do dân chủ, để làm thế dựa trong hoàn cảnh bị Nga Sô kế bên hay hiếp đáp.

Câu chuyện về Ba Lan, để liên tưởng đến một quốc gia khác, nằm bên kia bờ đại dương, sát nách với anh Tàu ở hướng Bắc, cũng đang bị độc tài cai trị. Để tránh thảm họa của đàn anh phương Bắc, để tránh độc tài cai trị thì hãy nhìn bài học của Ba Lan để có những quyết định sáng suốt có lợi cho quốc gia, dân tộc. Làm được không? Hãy chờ xem!

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here