Quảng Cáo

Bàn cờ thế Đồng Tâm

Quảng Cáo
LẬP LUẬN PHÍA ĐỒNG TÂM
Toàn bộ sự việc Đồng Tâm liên quan tới hai khu đất riêng rẽ, nằm kề nhau, tạm gọi là Khu A (47,36 ha) và Khu B (59 ha).
Khu A là đất dự án sân bay Miếu Môn mà dân Đồng Tâm giao cho Chính phủ từ năm 1980. Dự án sân bay treo tới nay đã 37 năm nên để tránh lãng phí, Quân đội đã giao kèo với Đồng Tâm cho phép dân canh tác và nộp tô lợi cho Quân đội suốt hàng chục năm qua.
Thật kỳ khôi khi Quân đội ngồi không hưởng tô lợi trên đất vốn của dân làng trước đây, song để có đất canh tác thì dân Đồng Tâm vẫn chấp nhận, nên mọi chuyện vẫn suôn sẻ bao năm nay, mãi tới khi Viettel gần đây rục rịch có dự án triển khai tại khu vực này.
Khi đó nếu Quân đội chỉ thu hồi lại Khu A này giao cho Viettel thì dù có buồn vì phải mất đất canh tác, dân Đồng Tâm vẫn chịu, vì họ chấp nhận rằng khu đất này, dù gốc gác vốn là của làng đi chăng nữa, cũng đã được giao cho Chính phủ 37 năm trước. Họ hiểu họ chỉ đang mượn đất. Có mượn thì có trả, lẽ thường tình là thế.
Nhưng không, Quân đội và Viettel muốn hơn thế. Họ nhắm cả Khu B bên cạnh, địa thế đẹp hơn với vị trí 2 mặt tiền (phía Nam và phía Tây giáp tỉnh lộ DT429, nối tới đường Hồ Chí Minh). Đây chính là đất đồng Sênh trong cách gọi của dân Đồng Tâm.
Tranh cãi bắt đầu từ đây. Dân Đồng Tâm cho rằng 100% Khu B là đất nông nghiệp của xã, Viettel muốn lấy phải bồi thường theo quy định (ít nhất cũng vài trăm tỷ). Phía Quân đội và Viettel dĩ nhiên không muốn thế, nhưng thái độ lại phức tạp, bất nhất. Khi thì họ kết hợp với chính quyền Hà Nội định bồi thường bố trí tái định cư chỉ cho vài chục hộ dân (gồm cả sĩ quan của họ mới mua đất ở khu này) – tức là gián tiếp thừa nhận đây không phải là đất quốc phòng. Khi thì lại cho quân về rào đất, cắm biển đất quân sự trên toàn bộ khu đất trước khi tiến hành thu hồi.
Để chứng minh quan điểm của mình, cụ Kình – đại diện dân làng Đồng Tâm, đưa ra các lập luận:
Một, và quan trọng nhất: Nếu là đất quốc phòng thì sao Viettel và chính quyền Hà Nội lại bồi thường bố trí tái định cư cho các hộ dân ở đây? Chưa phạt họ chiếm dụng đất quốc phòng đã là may cho họ rồi, sao lại còn ưu đãi đền bù hàng tỷ đồng cho mỗi hộ dân và lập dự án bố trí tái định cư cho họ nữa?
Hai, khi rục rịch có chuyện thu hồi đất, dân làng Đồng Tâm khiếu nại cơ quan chủ quản dự án sân bay Miếu Môn là Quân chủng Phòng không-Không quân thì được Quân chủng đề nghị liên hệ với các cấp chính quyền Hà Nội. Thế nghĩa là đất dân sự, chứ nếu là đất quốc phòng thì sao Quân chủng đẩy trách nhiệm sang cho chính quyền Hà Nội được?
Ba, nếu là đất quốc phòng thì sao chính quyền xã Đồng Tâm bao lâu nay vẫn thu thuế đất nhà ở cho các hộ dân được xã cấp tạm đất?
Bốn, chính quyền Hà Nội xác định tổng diện tích đất quốc phòng ở đây là 236,9 ha, song Lữ 28 – đơn vị trực tiếp quản lý đất dự án sân bay Miếu Môn – lại thừa nhận chỉ đang nắm 208 ha, bằng đúng diện tích Chính phủ thu hồi làm sân bay 37 năm trước. Sao lại có chuyện chênh lệch tới 28,9 ha?
https://www.youtube.com/watch?v=40Xoxa5S2jI&feature=youtu.be
PHẢN BÁC TỪ PHÍA CHÍNH QUYỀN
Cả bốn lập luận này đều không dễ phản bác. Tuy nhiên, sau sự kiện bắt giữ cán bộ vô tiền khoáng hậu ở xã Đồng Tâm, chính quyền Hà Nội không còn lựa chọn nào khác phải chứng minh dân làng Đồng Tâm sai. Mà phải là sai hoàn toàn, thì các động thái đàn áp sau đó mới dễ được biện minh.
Chính quyền Hà Nội đã làm thế nào?
Bốn ngày trước khi công bố dự thảo kết luận thanh tra đất đai Đồng Tâm, ngày 3/7, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị HĐND thành phố thu hồi dự án bố trí tái định cư cho các hộ dân trong Khu B (đất Đồng Sênh), với lý do thật lạ thường là “dân ở đó đã có đất, không cần tái định cư nữa” [1] Nghĩa là, để đối đáp lại lập luận thứ nhất của cụ Kình, chính quyền Hà Nội đã phải chấp nhận hi sinh phần nào lợi ích của vài chục hộ dân (hoặc là dân địa phương có liên đới với chính quyền xã, hoặc là các sĩ quan quân đội vừa mua đất đón đầu đền bù tái định cư).
Động thái này mở đường đến việc công bố dự thảo kết luận thanh tra ngày 7/7, trong đó chính quyền Hà Nội kể một câu chuyện hoàn toàn khác. Đó là, chẳng có Khu A, Khu B nào cả, mà tất cả là đất quốc phòng hết. Chính quyền cơ sở đã sai khi buông lỏng quản lý, để mặc các hộ dân lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng (phản bác lập luận thứ ba của cụ Kình). Bên cạnh đó, sở dĩ cho sự chênh lệch diện tích lên tới 28,9 ha là vì “bị ảnh hưởng của thi công” và đây là đất thực hiện “giai đoạn 2 sân bay Miếu Môn” (phản bác lập luận thứ tư của cụ Kình). Diện tích này chưa được “các đơn vị quốc phòng báo cáo Bộ Quốc phòng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ” cũng là một thiếu sót (phản hồi lại lập luận thứ hai của cụ Kình). [2]
Khá khen cho chính quyền Hà Nội chỉ bằng một động thái thu hồi dự án và một bản dự thảo kết luận thanh tra đã phản bác đồng loạt 4 lập luận quan trọng của cụ Kình – người đang dẫn dắt dân Đồng Tâm đấu tranh giữ đất.
KẼ HỞ VÀ LỜI GIẢI
Không khó để thấy chính quyền Hà Nội chẳng qua chỉ đang tận dụng thế mạnh tuyệt đối của nó so với phía dân làng ở chỗ nắm giữ và tạo ra văn bản, cả cũ lẫn mới, và thông qua đó có thể kể một câu chuyện khác cho những gì đã xảy ra – một thứ sự thật thay thế (alternative fact).
Tuy nhiên, kịch bản một khi đã ngụy tạo ắt hẳn có kẽ hở. Trong câu chuyện mới được kể của chính quyền Hà Nội, kẽ hở có thể nằm ở những điểm sau:
Một là, tháng 5/2016, UBND TP Hà Nội có văn bản 2590 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố, UBND huyện Mỹ Đức và Tập đoàn Viễn thông Viettel trong đó ghi rõ “kinh phí thực hiện bồi thường hỗ trợ và tái định cư do Tập đoàn Viettel chi trả”. [1] Nếu chính quyền Hà Nội khăng khăng đây là đất quốc phòng và dân lấn chiếm xây dựng công trình thì sao chính quyền Hà Nội lại yêu cầu Viettel bỏ tiền ra bồi thường hỗ trợ và tái định cư?
Hai là, chênh lệch tới 28,9 ha với lý do “bị ảnh hưởng của thi công” là gì? Sao dự thảo kết luận thanh tra gần 2 tháng trời lại có một câu văn tối nghĩa đến như vậy? Đất nở ra vì ảnh hưởng của việc thi công công trình? Câu văn ngô nghê bất thường này cho thấy chính quyền Hà Nội dường như đang túng thiếu một lý do chính đáng trong khi thời gian thanh tra có hạn.
Ba là, từ khi nào và trong văn bản nào có cái gọi là “giai đoạn 2 sân bay Miếu Môn”? Một dự án treo 37 năm chưa có nhát xẻng làm giai đoạn 1, và mãi mãi sẽ không thực hiện, nay lại thu hồi đất cho giai đoạn 2?
Nếu chính quyền Hà Nội tự tin với những lập luận họ đưa ra trong dự thảo kết luận thanh tra, tôi đề xuất thế này: Tổ chức một cuộc đối chất được điều phối bởi các luật sư và có truyền hình trực tiếp trên báo và mạng xã hội (Facebook, Youtube), trong đó từng điểm lập luận của mỗi bên được đưa ra mổ xẻ, tranh luận trước sự theo dõi của công luận. Các văn bản (trong đó quan trọng bậc nhất là tài liệu liên quan đến cái gọi là giai đoạn 2 sân bay Miếu Môn) phải được công khai, và được các luật sư mời giám định độc lập xác định tuổi văn bản, tránh tình trạng dự án năm 1980 và các văn bản về nó lại được tạo lập năm 2017.
Nguyễn Anh Tuấn – (Blog RFA)

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux