Cuối cùng, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã phải nhập cuộc bằng cách ra lệnh cách chức Hiệu trưởng và phó Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên hôm 20 tháng 2, sau gần 3 tháng “lằng nhằng” liên quan đến vụ xe taxi chở Hiệu trưởng và phó Hiệu trưởng tông gãy chân một học sinh lớp 2 trong sân trường hôm mồng 1 tháng 12, 2016.
Một tai nạn bình thường, nhất là nạn nhân may mắn thoát chết, đã trở thành chuyện lớn, làm xôn xao dư luận chỉ vì lối hành xử vô lương tâm của bà Thạc sĩ Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội.
Theo tin tức thì ngày 1 tháng 12, 2016, bà Hiệu phó Nguyễn Thị Hương gọi taxi đưa bà Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc đi khám tại Bệnh viện Việt Đức. Sau khi khám xong, cả hai cùng đi taxi về trường. Khi xe tới cổng sau, bà Hiệu phó gọi điện yêu cầu bảo vệ mở cửa cho xe taxi chạy vào bên trong trường. Chẳng may em Trần Chí Kiên, học sinh lớp 2, đang chơi trong sân, đã chạy về phía đầu xe và bị tông gãy chân phải.
Bà Hiệu trưởng xuống xe đi thẳng vào văn phòng coi như không hay biết, trong khi bà Hiệu phó Nguyễn Thị Hương thì đã đến dìu học sinh Kiên và đưa vào trường để khám. Ngay sau đó, cô giáo chủ nhiệm thông báo cho gia đình học sinh Kiên là “bị vấp ngã khi chơi trong sân trường.”
Câu chuyện xe tông trong sân trường đã bị giấu kín, mãi cho đến khi ông Trần Chí Dũng, phụ huynh của em Kiên tìm hiểu sự thật qua lời kể của em và bạn bè, mới biết rõ là em bị xe tông chứ không do vấp ngã. Sự thật được tung lên báo chí vào đầu tháng 1, 2017.
Thay vì nhận lỗi và nhanh chóng giải quyết vấn đề, bà Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc đã tìm cách trốn trách nhiệm bằng cách dàn dựng ra một vụ thăm dò giả tạo, buộc học sinh và giáo viên trả lời là không thấy chiếc xe nào trong sân trường ngày 1 tháng 12, 2016. Không những thế, bà Ngọc còn yêu cầu cơ quan chính quyền cho mở cuộc… điều tra.
Thái độ của bà Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc nói trên không đơn thuần là sự vô lương tâm hay vô đạo đức của một nhà giáo, mà đây là tội ác được dung dưỡng trong chế độ cực quyền.
Thứ nhất, cho xe chạy vào sân trường trái với luật định không chỉ nói lên sự lạm dụng đặc quyền của giai cấp đứng đầu trường, mà còn phản ảnh sự coi thường luật lệ của giai cấp lãnh đạo. Không những thế, sau khi dư luận bắt đầu lên án sự tráo trở và vô trách nhiệm của mình, bà Ngọc còn kêu oan, viết thư kêu gọi cơ quan chính quyền “điều tra”.
Đây là những thủ đoạn mà người ta thường thấy ở các doanh nghiệp, công sở nhà nước, khi hầu hết cán bộ lãnh đạo đều có chung một thói quen là họ có khả năng khống chế mọi tố cáo nhờ vào sự bao che của hệ thống quyền lực.
Thứ hai, giao cho cô giáo chủ nhiệm đưa học sinh Kiên vào bệnh viên rồi bỏ mặc cho gia đình, không một lời thăm hỏi hay giúp đỡ tài chánh, cho thấy sự phủi tay một cách lạnh lùng của bà Hiệu trưởng và phó Hiệu trưởng đối với nạn nhân. Sự thâm độc ở đây là tất cả học sinh và giáo viên không những phải im lặng mà còn phải nói dối, theo lệnh của hai bà Hiệu trưởng và Hiệu phó. Sự sợ hãi đã khiến cho con người phải đồng lõa với tội ác.
Đây cũng là thủ đoạn mà đảng CSVN thường sử dụng để khống chế người dân, biến con người thành yếu hèn và dối trá như một bản năng tự vệ để sống còn.
Thứ ba, vụ tai nạn làm gãy chân một học sinh giữa thanh thiên bạch nhật, mà cả ban lãnh đạo và giáo viên của trường cố tình bưng bít, buộc mọi học sinh phải dối trá trả lời không thấy, không nghe kéo dài trong gần 3 tháng trời cho thấy là lương tâm và “tính chất công dân” của xã hội Việt Nam đã bị triệt tiêu ngay dưới mái nhà trường.
Nói cách khác là tính liên đới và trách nhiệm chung giữa những con người trong xã hội đã biến mất trong sân trường tiểu học Nam Trung Yên, khi cả tập thể phải im lặng trước sự che giấu tội ác của ban lãnh đạo trường. Sự vô cảm của con người trước những đau thương của xã hội hiện nay chính là do sự hủy hoại “tính công dân” này.
Hiện nay dư luận đang tập trung tấn công vào sự vô trách nhiệm của bà Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, và mọi người cảm thấy thỏa mãn khi Chủ tịch thành phố Hà Nội cách chức bà Hiệu trưởng lẫn bà Hiệu phó. Tuy nhiên, sự kiện xảy ra ở trường tiểu học Nam Trung Yên không đơn thuần là sự vô trách nhiệm, vô đạo đức của bà Bích Ngọc, mà nó chính là lỗi của hệ thống, của cơ chế đã tạo ra những con người như bà Bích Ngọc.
Hệ thống đó đã đào tạo ra những con người dùng quyền lực được đảng ban phát, tạo ra một không khí sợ hãi bao trùm, buộc mọi người phải phục tùng mệnh lệnh của cường quyền một cách tuyệt đối.
Để ngăn chận những vụ án tương tự, nhà cầm quyền CSVN phải nhìn ra nhu cầu cải cách hệ thống chính trị, và chấm dứt việc ban phát đặc quyền cho hàng ngũ cán bộ đảng viên. Mọi người phải được đối xử bình đẳng trước luật pháp, và nhất là trả lại quyền tự trị học đường cho chính phụ huynh học sinh chứ không phải do đảng, đoàn lèo lái.
[Độc giả ấn bản AMP: xem video ở đây]