Tại sao không nên trồng cây lưu niệm bằng cây đã lớn hoặc cây cổ thụ?
1. Lãng phí
Việc di chuyển một cây đã lớn hay cây cổ thụ từ địa điểm này đến địa điểm khác sẽ cần nhiều người và phương tiện vận chuyển gây lãng phí công sức và tốn kém tiền bạc.
2. Không có ý nghĩa
Việc trồng một cây đã lớn hay một cây cổ thụ thực chất chỉ là việc chuyển một cái cây từ địa điểm này sang địa điểm khác theo kiểu “đánh bùn sang ao” chứ không mang nhiều ý nghĩa. “trồng cây” ở đây phải được hiểu là cây được trồng thêm, “trồng” cũng cần hiểu là cho tương lai chứ không phải cho hiện tại.
3. Khó chăm sóc
Cây cũng như con người, khi đã lớn tuổi thì con người khó thích nghi với nơi ở mới hơn là khi còn trẻ. Cây cũng vậy, khi cây đã lớn, đã quen thổ nhưỡng và khí hậu ở một nơi mà chuyển đi trồng ở nơi khác sẽ khó thích nghi và mất công sức chăm sóc hơn.
4. Cổ vũ bệnh hình thức và tư duy ngắn hạn
Việc trồng một cái cây đã lớn mang nặng tính hình thức và không có nhiều ý nghĩa. Nó còn cổ vũ cho lối suy nghĩ ăn sổi và chộp giật kiểu “cứ có tiền là có tất cả”, lối suy nghĩ này rất độc hại và tác động tiêu cực đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ.
5. Cướp công người khác
Rõ ràng một cây từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành cần rất nhiều công sức chăm sóc, thậm chí là công sức của nhiều người nhưng đến khi cây đã lớn lại nhận là cây mình trồng thậm chí là gắn biển ghi tên mình thì đây rõ ràng là hành vi cướp công của người khác.
Việc lãnh đạo Quốc Gia trồng cây lưu niệm trong các cuộc thăm viếng là một hành động đẹp, tuy đó là việc nhỏ nhưng nó lại mang nhiều ý nghĩa lớn lao. Nhìn họ chọn cách trồng cây ta có thể thấy được cái tâm và cái tầm của họ.
LS Nguyễn Danh Huế
Nguồn: FB LS Nguyễn Danh Huế
—
(*) Tựa do CTM Media đặt.
Tựa đề nguyên thủy: Tại sao không nên trồng cây lưu niệm bằng cây đã lớn hoặc cây cổ thụ?
Leave a Comment