H ơn bốn thập kỷ qua từ khi giành cầm quyền cai quản đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng) phung phí quá nhiều uy tín của mình, cho đến giờ này, lòng tin của dân đối với Đảng đã cạn kiệt. Dầu trước sau như một, Đảng vẫn luôn dùng biện pháp trấn để cai, nhưng người bị cai trị từ sợ, bớt sợ và giờ đây dường như hết sợ Đảng. Hành động vừa qua của nhân dân quê hương Cụ Hồ, quê hương phong trào “Xô Viết Nghệ Tĩnh” đã nói lên điều đó.
Có thể thông cảm được, một biển người tham dự cuộc biểu tình hôm 2/10/2016 làm sao có thể nói chính xác được về số lượng – chỉ ước tính thôi. Cũng cùng là phóng viên có mặt tại chỗ, có người đưa tin hơn 10 ngàn, có người đưa đưa tin cao nhứt 18 ngàn. Thôi thì cứ nói khoảng 15 ngàn, 15 ngàn cũng là con số kỷ lục, chỉ đứng sau con số 90 ngàn công nhân công ty Pou Yuen ở quận Bình Tân – TP Hồ Chí Minh bãi công phản đối điều 60 trong luật Bảo hiểm Xã hội. Cuộc bãi công này kéo dài hàng tuần, bắt đầu từ 30/3/2015, làm tắc nghẽn quốc lộ 1A đoạn cầu Bình Điền.
Cuộc đình công của công nhân Pou Yuen phản đối một điều luật, với dạng dân sinh, chỉ cần Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hứa sẽ bàn với Quốc hội xem xét sửa đổi điều luật ấy là họ thỏa mãn ngay, xẹp xuống liền. Còn cuộc biểu tình 2/10/2016 không dừng lại ở dân sinh mà còn mang yếu tố chính trị (dân chủ): ngoài buộc bồi thường thiệt hại (dân sinh) còn đòi đuổi Formosa và truy cứu trách nhiệm của Đảng cầm quyền về tội “cõng rắn về cắn gà nhà”, và xem nhà Đảng quyền và Formosa đều là tội phạm hủy diệt môi trường sống.
Cuộc biểu tình hôm 2/10 chắc chắn có nhiều thành phần công chúng trên diện rộng tự giác tham gia, nếu không, riêng giáo dân khu vực làm sao có số lượng đông đến thế. Nếu quả vậy, phải xem đây là cuộc biểu tình hiệp thông: đồng đạo, đồng cảnh, đồng bào, và nên đặt cho nó cái tên đúng thực chất: “cuộc biểu tình của nhân dân tại thị xã Kỳ Anh mà nòng cốt là giáo dân Thiên chúa giáo”. Nếu gọi không đúng tên là không công bằng, và quan trọng hơn là sẽ không khai thác, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân nói chung.
Những người cùng chung một khổ nạn bị dồn vào bước đường cùng, họ chỉ còn cách phải dựa vào nhau để sinh tồn, dùng số đông biểu tình thị uy – biểu hiện sức mạnh, quyết giành cho kỳ được thế thượng phong. Sống dưới thể chế độc tài bất kỳ, có chính nghĩa, chính đáng không chưa đủ, muốn có dân chủ, công bằng, phải bằng mọi cách tạo ra uy lực, chỉ phải dùng chiến thuật biển người thị uy, thị oai mới mong an toàn, đạt được ý nguyện. Cuộc biểu tình hôm 2/10, nhờ có sức mạnh đông người thị uy mới không chịu chung số phận bị đàn áp như những cuộc biểu tình trước đó?
Trong khi chờ xem đối sách của nhà cầm quyền, trước diễn tiến tình hình, người viết có cảm giác nhà cầm quyền chưa chịu “xuống thang”, quyết giữ Formosa. Bằng chứng là, ngay khi cuộc biểu tình 2/10 diễn ra, nhà cầm quyền sử dụng “thanh gươm và lá chắn”: cho 25 xe chở khoảng 1.000 lực lượng Quân đội và 20 xe chở cũng hàng ngàn cảnh sát cơ động, trang bị đầy đủ súng ống, mai phục ở doanh trại gần đó. Nếu linh mục Trần Đình Lai không kịp ra lệnh can ngăn, biển người biểu tình đang trèo tường và định phá cổng, tràn vào bên trong nhà máy Formosa thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Xem qua video, không biết có uống lộn thuốc không, lực lượng Cảnh sát và Quân đội tham gia bảo vệ Formosa hôm ấy “hiền” chưa từng thấy. Khi va chạm, họ chỉ thụ động chống đỡ; khi thất thủ, có một số cởi bỏ quân/cảnh phục chạy thoát thân. Vì sao thế cờ đảo ngược nhanh như thế? Người viết suy luận: Như sóng xô bão dậy, một biển người biểu tình thị uy đang hừng hực khí thế, đang chiếm thế thượng phong, định phá cổng, trèo tường vào bên trong nhà máy.
Trước áp lực đó, số quân đội, cảnh sát này xem mạng sống của mình quan trọng hơn sự tồn tại của Formosa. Sâu xa hơn, có lẽ ít nhiều họ cũng đã thấy mình mang tên Nhân dân, ăn cơm Nhân dân mà đang bảo vệ kẻ rắp tâm giết hại Nhân dân. Và họ cũng nhận ra, những người biểu tình này nếu không phải gia đình, người thân cũng đồng bào của mình, đang là những nạn nhân của bọn khốn mà từ lâu mình nai lưng ra bảo vệ chúng nó, v.v., tức là họ đã bắt đầu nhụt chí.
Sau cuộc biểu tình thị uy vây phủ nhà máy Formosa hôm 2/10, Mạc Văn Trang viết bài Ấn tượng về cuộc biểu tình ngày 02/10/2016 của dân Hà Tĩnh (đăng trên trang Bauxite Việt Nam hôm 5/10). Có lẽ thấy nhà cầm quyền Việt Nam đang lúng túng trong đối phó, chưa đưa ra được phương sách gỡ rối, Mạc Văn Trang gợi ý: Nhà cầm quyền phải xác định “chọn Formosa hay chọn Dân”.
Người viết bài này khuyên Đảng cầm quyền, trong trường hợp này, đừng chọn Formosa và cũng đừng chọn Dân, bởi chọn thứ nào cũng chết. Duy nhất và tốt hơn hết là từ nhiệm, trả Chính quyền lại cho nhân dân – trả cái vốn không phải của mình (của dân) thì tồn, tham quyền thì vong.
Chọn Formosa là đi vào đường chết
Nhà cầm quyền – đúng hơn là Đảng cầm quyền (1), đứng về Formosa cũng có nghĩa là cố giết chết môi trường. Môi trường chết con người cũng chết, không chết ngay cũng chết lần chết mòn, ung thư, quái thai, dị dạng,… Có câu “Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”, quyết không chịu chết thụ động, những tổ chức bất kỳ họ hiệp thông với nhau nổi dậy đấu tranh, chĩa mũi nhọn chủ yếu vào Đảng cầm quyền – nơi ban hành mọi chủ trương chính sách. Vì sự sống còn, người dân đã và sẽ đấu tranh với tinh thần không còn gì để mất, không khoan nhượng, xả thân tìm cái sống trong cái chết.
Formosa đã trở thành kẻ thù của cư/ngư dân trong cả một vùng rộng lớn, họ đang quyết buộc Formosa phải bồi thường thỏa đáng thiệt hại do nó gây ra và yêu cầu Đảng cầm quyền đuổi nó ra khỏi Việt Nam.
Muốn giữ Formosa ở lại Việt Nam, không còn cách nào khác, Đảng cầm quyền chỉ còn một cách dùng bạo lực đàn áp phong trào quần chúng đang nổi dậy chống Formosa. Nói thì dễ, làm mới khó và nếu làm thật chắc chắn sẽ rơi vào cửa tử: Quân đội và Công an từ nhân dân mà ra, do nhân dân nuôi dưỡng và trang bị, nếu những Đảng quyền chủ trương hiếp dân quá đáng, họ sẽ hô “đàng sau quay nhằm thẳng vào kẻ thù của nhân dân, bắn!” thì sao? – trường hợp này đã từng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Sự kiện gần đây nhất, trong lúc hỗn loạn, cảnh sát chống bạo động Ukraina bỏ mặc bộ máy cầm quyền tham nhũng, không cần biết họ đang ở đâu, sống chết thế nào, buông súng, quỳ gối xin lỗi, xin tội với nhân dân đang nổi dậy tại thủ đô.
Nói đi cũng phải nói lại, trấn/đàn áp vốn là bản chất của chế độ độc tài đảng trị, vì sự sống còn của đảng, vì lợi ích bản thân, những người say máu trong Đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện nay vẫn còn khả năng lôi kéo một số người thân tín, cuồng tín trong lực lượng bảo vệ chuyên chính, sử dụng số này nổ súng vào đám đông người biểu tình như vụ thảm sát Thiên An Môn ở Trung Quốc trước đây chẳng hạn. Nếu có thảm sát xảy ra, lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an) sẽ chia làm hai phe, khó tránh khỏi cuộc nội chiến. Và người/phái chủ mưu thảm sát thì khó tránh khỏi bị Toàn án Quốc tế kết tội diệt chủng.
Nếu nhà cầm quyền có ý định khống chế, trấn áp, triệt diệt,… những người gọi là “kẻ cầm đầu” dân chúng thì cần phải cân nhắc kỹ: Xử lý thích đáng đối với những ai vi hiến (2) là việc đương nhiên, chẳng cần phải nói, nhưng nếu vô cớ hay ngụy tạo chứng cớ,… để trấn áp tràn lan khác nào chọc vào ổ kiến lửa. Vô cớ đụng vào lãnh tụ quần chúng có tổ chức, nhất là tôn giáo, chẳng khác nào đụng vào ổ ong vò vẽ (chúng chích trâu bò còn rống), họ sẽ phản ứng dây chuyền trên diện rộng cả nước. Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa (thời ông Diệm) sụp đổ có phần do đụng vào Phật giáo, vì một phần không ít tướng lĩnh và binh sĩ dưới quyền trong quân đội Việt Nam Cộng hòa lúc bấy giờ nếu không là tín đồ thì cũng nặng lòng với Phật – nên xem đó là một bài học. Lê-nin nói: “Cho tôi một tổ chức tôi sẽ làm đảo lộn nước Nga”.
Đứng về Nhân dân cũng không nên
Đến nước này, Đảng cầm quyền đứng về nhân dân chưa chắc họ tin. Muốn khôi phục phần nào lòng tin đối với nhân dân, Đảng cầm quyền, bằng cách nào đó, phải thực hiện tốt ba việc: bồi thường thỏa đáng cho tất cả những ai bị thiệt hại do Formosa thải độc ra môi trường; xử lý trả lại cho dân môi trường sạch; đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam.
Lãnh đạo Việt Nam đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam, với Đài Loan thì không có gì, với Trung Quốc sẽ bị xem là tuyên chiến với họ. Không phải chuyện chơi, ho sẽ lấy đó làm cớ ‘hỏi tội’ Đảng cầm quyền Việt Nam. Bởi vì, Formosa Đài Loan chỉ là cái vỏ, MCC Trung Quốc mới là cái ruột (3).
Trước những thảm họa do chính mình gây ra, con đường thoát hiểm duy nhất của Đảng cầm quyền Việt Nam là không chọn Formosa và cũng không chọn Dân mà tuyên bố giao quyền lại cho nhân dân, lui ra sau hậu trường nghỉ, ngủ, tu dưỡng sớm trở thành Đảng tử tế, để dịp nào đó, cử người tài đức của mình ra sân chung thi đấu với người ta – tức là học và làm theo cách của các đảng cộng sản Đông Âu đã làm hồi thập niên 90 của thế kỷ 20.
Đến nước này, Đảng Cộng sản Việt Nam chì còn chọn một trong hai: Giữ quyền thì mất cả quyền lẫn mạng sống, trả quyền thì chỉ mất quyền nhưng giữ được mạng sống – đơn giản thế thôi.
Khôn cũng chết.
Dại càng chết.
Biết thì sống.