Một trong những điểm quan trọng trong quan hệ quốc tế hiện đại là sự ra đời ngày càng nhiều của các tổ chức phi chính phủ. Tính liên kết ngày càng tăng, một phần nhờ vào sự cải thiện trong giao thông và liên lạc, đã thúc đẩy sự ra đời của hàng ngàn tổ chức, cơ quan và nhóm chuyên trách. Những cơ quan, tổ chức và nhóm này được thành lập bao gồm nhiều cá nhân, được trả tiền hoặc tình nguyện, cam kết giải quyết một loạt các vấn đề như bảo vệ môi trường, cải thiện mức sống của thế giới thứ ba, chấm dứt nạn xâm phạm nhân quyền, cung cấp lương thực và thuốc men cho những nơi diễn ra chiến tranh, tăng cường phát triển tôn giáo hay đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ. Một điểm nổi bật nhất của các tổ chức phi chính phủ là việc các tổ chức này tạo ra những hệ thống gắn kết và mạng lưới kết nối những cá nhân xuyên quốc gia.
Cách nhìn nhận truyền thống thường cho rằng các tổ chức phi chính phủ chỉ là một phần nằm bên lề quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, rất khó có thể chấp nhận quan điểm này. Nhiều tổ chức phi chính phủ có tầm ảnh hưởng rất lớn. Chúng có một khối lượng thành viên và nguồn tài chính dồi dào, đồng thời có thể ảnh hưởng đến việc xây dựng chính sách của các chính phủ. Nếu chỉ xem các tổ chức phi chính phủ như là các lực lượng bên lề có thể làm cho chúng ta không hiểu được hết tác động của chúng.
Mặc dù là một phần quan trọng trong quan hệ quốc tế, các học giả vẫn chưa thống nhất với nhau về tiêu chí để định nghĩa một tổ chức phi chính phủ. Đối với một số học giả, bất cứ một tổ chức xuyên quốc gia nào mà không được thành lập bởi một nhà nước thì tổ chức đó là một tổ chức phi chính phủ. Như vậy, những tổ chức như tổ chức nhân đạo và hỗ trợ, các nhóm nhân quyền, các nhóm vận động hành lang, các nhà hoạt động môi trường, các tổ chức chuyên nghiệp, những phong trào xã hội mới, các tập đoàn xuyên quốc gia, các tổ chức tội phạm và khủng bố, và các nhóm tôn giáo và dân tộc đều được xem là các tổ chức phi chính phủ. Có những học giả khác lại dùng định nghĩa hẹp hơn nhiều. Theo họ, một tổ chức phi chính phủ là bất kỳ một chủ thể xuyên quốc gia nào hoạt động không vì lợi nhuận, không ủng hộ bạo lực, chấp nhận những quy tắc về không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, và gắn bó mật thiết với Liên Hiệp Quốc và các cơ quan của nó. Như vậy, theo định nghĩa này, thì các tổ chức phi chính phủ chỉ là những tổ chức nhân đạo. Vì vậy, các tổ chức phi chính phủ vẫn còn chưa được định nghĩa một cách rõ ràng.
Đã có rất nhiều bài viết về ảnh hưởng của các tổ chức phi chính phủ trong quan hệ quốc tế. Tiêu biểu có ba điểm đáng chú ý. Thứ nhất, trong khi các tổ chức phi chính phủ là những chủ thể độc lập, nhiều hoạt động của chúng lại có hợp tác mật thiết với các tổ chức liên chính phủ (intergovernmental organizations-IGOs) được thành lập bởi các nhà nước (như Liên Hiệp Quốc, Liên minh Châu Âu hay Ngân hàng Thế giới). Lĩnh vực hợp tác đặc biệt mạnh giữa các các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức liên chính phủ nằm trong lĩnh vực nhân quyền và phát triển. Nhiều tổ chức phi chính phủ là chuyên gia trong việc cung cấp và phân phát viện trợ nhân đạo hay thu thập và phân tích số liệu, và các hoạt đồng này có thể được tài trợ bởi các tổ chức liên chính phủ. Hơn nữa, các tổ chức phi chính phủ thường trung lập về chính trị, vì vậy họ có thể hoạt động ở những nơi có chiến tranh để giúp đỡ những người dân bị ảnh hưởng. Đây là những việc mà các quốc gia bên ngoài không dễ thực hiện được nếu không vi phạm nguyên tắc không can thiệp. Chính vì những chức năng nói trên, các tổ chức phi chính phủ đã trở nên rất hữu ích. Trên thực tế, các tổ chức liên chính phủ ngày càng tận dụng vị trí đặc biệt này của các tổ chức phi chính phủ. Từ năm 1990 đến 1994, tỷ lệ viện trợ nước ngoài từ Châu Âu được thực hiện thông qua các tổ chức phi chính phủ tăng từ 42% lên đến 67 %.
Một vài tổ chức phi chính phủ cũng có ảnh hưởng đối với các tổ chức khác. Ví dụ, các công ty dầu lửa như Shell và Exxon phải thỏa thuận với các nhà hoạt động của tổ chứ Hòa bình Xanh (Greenpeace). Cũng tương tự như vậy, các tổ chức vận động hành lang chống lại thuốc lá trên toàn thế giới đã hoạt động trong một thời gian dài để làm cho các công ty sản xuất thuốc lá phải chịu trách nhiệm đối với tác hại của thuốc lá. Các tổ chức phi chính phủ đã làm được điều này thông qua việc vận động các chính trị gia, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá trên các phương tiện truyền thông và tổ chức những cuộc biểu tình.
Thứ hai, một số học giả lập luận rằng các tổ chức phi chính phủ đã trở thành một phần quan trọng trong bức tranh quan hệ quốc tế đến mức mà một xã hội dân sự toàn cầu đã hình thành và đang trỗi dậy. Trong khi các cá nhân tương tác trên quy mô toàn cầu, họ nhìn nhận vấn đề mang tính quốc tế hơn và ít bị trói buộc trong phạm vi một quốc gia riêng lẻ. Vậy các tổ chức phi chính phủ có làm hạn chế quyền lực của nhà nước không? Không hẳn là như vậy. Trong khi hàng ngàn các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động trên toàn thế giới, các tổ chức đó chỉ đại diện cho một số nhỏ các cá thể. Nếu như một xã hội dân sự toàn cầu non trẻ đang xuất hiện, thì xã hội đó vẫn chỉ là một xã hội bao gồm những tầng lớp đứng đầu và các chuyên gia.
Thứ ba, sự phát triển của các tổ chức phi chính phủ cho thấy tính quan trọng ngày càng gia tăng của quyền lực cá nhân trong quan hệ quốc tế. Điều này xảy ra phần lớn là vì các nhà nước đã thất bại trong việc đáp ứng những nhu cầu xã hội, chính trị, môi trường, và sức khỏe cấp thiết của từng cá nhân. Một ví dụ minh chứng rõ nhất cho điều này là Hội nghị Thế giới lần thứ Tư về Phụ nữ được tổ chức tại Bắc Kinh vào năm 1995. Tại hội nghị, hàng chục nghìn phụ nữ từ các tổ chức phi chính phủ trên toàn thế giới đã hội tụ lại với nhau để bàn luận một loạt các vấn đề ảnh hưởng đến phụ nữ. Xu hướng hiện tại cho thấy vai trò của các tổ chức phi chính phủ đại diện cho lợi ích của các cá nhân trong quan hệ quốc tế đương đại ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ quốc tế hiện diện trên thế giới một cách không đồng đều. Các nước phát triển cao thường là đại diện chính. Trong Thế giới thứ ba, các nước Mỹ Latinh là những nước có khá nhiều các tổ chức phi chính phủ. Ngược lại, những nước ít tham gia vào mạng lưới các tổ chức phi chính phủ nhất là những nước có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây như các nước Đông Âu và một số nước ở Châu Á. Phần lớn trụ sở chính của các tổ chức phi chính phủ quốc tế nằm ở các nước phát triển. Dường như sự phát triển cao về chính trị và kinh tế là một điều kiện cần thiết cho sự tham gia có hiệu quả của các tổ chức phi chính phủ quốc tế.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).