Đến hẹn lại lên, chương trình Táo Quân của đài VTV đã trở thành tiết mục được chờ đón nhất của đêm giao thừa tại nhà nhà trên khắp đất nước.
Ngoài yếu tố giải trí, đây cũng là dịp để người Việt cùng nhau tổng kết lại các vấn đề nóng nhất của xã hội trong năm vừa qua, những vấn đề mà cả người dân lẫn chính quyền đều phải lưu tâm giải quyết trong năm tới.
Nói đến đây chợt nhận ra một điều, đối với bất kỳ công ty nào, sau mỗi một năm đều có báo cáo tổng kết cuối năm. Xã hội này cũng có thể được xem là một công ty lớn, với người chủ trả lương là người dân, và người làm thuê là chính quyền các cấp.
Tuy vậy, chưa có năm nào người dân có được một báo cáo hoàn chỉnh, đầy đủ và chân thật về mọi khía cạnh trong cuộc sống như giáo dục, kinh tế, chính trị, xã hội, y tế v.v… để có một kiến thức tổng quan về những gì đã xảy ra trong năm vừa rồi, để thực hiện quyền được giám sát đối với các cơ quan đang ăn tiền thuế của dân xem họ thực thi công việc của mình hay dở thế nào.
Trớ trêu thay, điều đó lại được làm bởi một chương trình hài kịch… Điều này có hài lắm không khi muốn đề cập đến, cũng phải dùng cách trừu tượng hóa các vấn đề bất cập, khoác lên chúng một lớp áo nữa để né tránh kiểm duyệt mà vẫn có thể truyền đạt thông điệp đến được người xem?
“Chưa có dân tộc nào mà bi kịch cuộc đời của họ được dàn dựng trong khi họ ngồi xem lại và cười nghiêng ngả. Cười xong, chuẩn bị đi xem bắn pháo hoa ngày Tết và mơ màng chúc nhau một năm mới tốt đẹp hơn. Dân ta thật lạc quan và luôn hướng về phía trước…!”
Có thể nói rằng, chương trình Táo Quân và bản thân những nghệ sĩ hài kịch của chương trình đã làm rất tốt trong khả năng có thể của họ, đã nỗ lực lắm rồi, gửi gắm trong đó là mong muốn người dân và những người có trách nhiệm liên quan hãy thức tỉnh trước các vấn nạn trong xã hội đương thời.
Nhưng thật buồn thay nếu họ chỉ biết ngồi đó xem rồi cười cho qua ngày đoạn tháng. Dân ta thật hồn nhiên… Chưa có dân tộc nào mà bi kịch cuộc đời của họ được dàn dựng trong khi họ ngồi xem lại và cười nghiêng ngả. Cười xong, chuẩn bị đi xem bắn pháo hoa ngày Tết và mơ màng chúc nhau một năm mới tốt đẹp hơn. Dân ta thật lạc quan và luôn hướng về phía trước…
Có lần tôi hỏi người chị họ làm nghề thêu máy có quan tâm đến các vấn đề thời sự chính trị xã hội không, khi thấy chị này than vãn quá nhiều về cuộc sống khó khăn bây giờ, mọi thứ dường như càng ngày càng bị siết chặt và tù túng, nhưng chị ấy lại không thể lý giải được vì sao.
Chị cười buồn trả lời rằng cũng biết những khó khăn và khổ sở ấy có nguyên nhân sâu xa từ đâu, nhưng biết thì làm gì được, nói cũng chẳng thay đổi được gì, thôi thì cứ sống được ngày nào biết ngày ấy, cốt chỉ lo sao cho cơm áo gạo tiền đừng thiếu thốn là mãn nguyện. Nghe xong, tôi cũng chẳng biết nói gì hơn với chị…
Trở lại với câu chuyện Táo Quân, có phải chúng ta đã quen cười trừ trước những điều bất cập và bất công trong cuộc sống, xem đó như một phần tất yếu mà ai cũng cần phải học cách sống chung với lũ?
Nhìn bộ dạng của Ngọc Hoàng liên tục mấy năm, với những câu đúc kết không thể nhẹ hơn, tôi cảm thấy Ngọc Hoàng mà như thế thì đúng là rất khó có thể thay đổi, nói gì đến cải cách.
Với chương trình năm nay, điểm xoa dịu lòng dân nhất chính là giải pháp “cách chức”, làm không tốt, làm mãi vẫn không tốt thì “cách chức”, nhưng không hiểu với chiếc nón kỳ diệu quay mãi vẫn cứ vào ô trong sạch thì lấy cớ gì để cách chức bây giờ?
Có phải Ngọc Hoàng cũng bó tay rồi không?
Và có phải cả xã hội này cũng bó tay rồi không?
Năm mới ai cũng muốn nói những điều tốt đẹp, may mắn và gửi gắm hy vọng thật nhiều. Nhưng thiết nghĩ, nếu chúng ta cứ mơ mơ màng màng ngồi đó đặt tương lai, số mệnh của chúng ta vào tay của một vị Ngọc Hoàng, thì rồi năm sau và nhiều năm sau nữa người ta vẫn cứ mãi chúc nhau, mãi hy vọng vì chẳng có điều chúc nào trở thành sự thật cả, ước mơ vẫn chỉ là mơ ước.
Đời sẽ không thay đổi khi chúng ta, dân tộc Việt Nam không chịu thay đổi.
Cầu chúc tất cả mọi người một năm mới đổi mới!
Hồng Hoa