Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á, hơn cả các đối tác kinh tế khác như Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản về mức độ lệ thuộc nhập khẩu từ Trung Cộng.
HÀ NỘI – Đó là kết quả buổi hội thảo Dự báo kinh tế – xã hội trong bối cảnh hội nhập kinh tế ở Hà Nội hôm 2/12/2015.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cung và tiến sĩ Trần Toàn Thắng, thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nếu năm 2004 tỷ lệ phụ thuộc hàng hóa của ASEAN đối với Trung Cộng cao hơn Việt Nam khoảng 16% , nhưng đến 2014 thì Việt Nam lại có tỷ lệ phụ thuộc cao hơn ASEAN đến 21,7%.
Vẫn theo các chuyên gia của viện nghiên cứu trên, mức độ lệ thuộc vào nguyên, phụ liệu đầu vào, máy móc từ Trung Cộng của hàng hóa Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là trong các lĩnh vực như nguyên liệu dệt may, thiết bị, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị cơ khí, …
Các chuyên gia kinh tế từ Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định đây là rào cản lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc đa dạng hóa thị trường, cũng như tận dụng những lợi điểm của quá trình hội nhập.
Nền công nghiệp phụ trợ chưa được phát triển đúng mức, việc mở rộng đầu tư, cũng như việc Trung Cộng trúng thầu nhiều tại Việt Nam, và giá thành hàng hóa Trung Cộng rẻ được xem là những nguyên nhân hàng đầu của tình trạng này. Sự lệ thuộc này đã khiến tình trạng nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Cộng ngày càng tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ cán cân thương mại của Việt Nam.
Ngoài ra cũng theo báo cáo hôm 3-12-2015 do khối nghiên cứu kinh tế của ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) thực hiện, thì hiện này cán cân thương mại Việt Nam đang ngày càng thâm hụt trong năm 2015, lên đến mức 4,6 tỉ đô la Mỹ tính đến hết tháng 11-2015 và có khả năng vượt mức 6 tỉ đô la Mỹ cho cả năm.
Với dữ liệu và dẫn nhiều nguồn từ IMF nói trên, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vừa có mức sụt giảm mạnh trong một khoảng thời gian ngắn.