Nguồn vốn ODA đã giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế trong trên 20 năm qua. Đến nay, các nhà tài trợ đã dành cho Việt Nam hơn 80 tỷ Mỹ kim vốn ODA.
ODA tại Việt Nam được thực hiện dưới 3 hình thức: ODA viện trợ không hoàn trả chiếm khoảng từ 10 tới 12%, ODA vay ưu đãi chiếm khoảng 80% và ODA hỗn hợp chiếm từ 8 tới 10%. ODA thật sự quan trọng, nhưng kèm theo đó luôn là những điều kiện rất gắt gao và những khoản nợ vay hôm nay trả về sau. Đó là chưa kể, người đi vay bị ràng buộc phải sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị của chủ nợ và phải miễn thuế nhập cảng cho hàng hóa phải mua từ nước cho vay, phải nhận một phần vốn vay ở dạng hiện vật, phải chịu sự biến động của tỷ giá…
Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, nhiều dự án vay vốn để phát triển, nhưng vì công nghệ lạc hậu, không có nguyên liệu và không có nơi tiêu thụ sản phẩm, nên sau khi bàn giao không vận hành được; Cũng như thất bại do không nghiên cứu kỹ kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản trị kém.
Từ những dự án ODA thất bại thảm hại, Tiến sĩ Nguyễn Thành Đô rút ra kết luận, kinh nghiệm sử dụng ODA trên thế giới cho thấy, ODA không phải luôn luôn có hiệu quả đối với bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ lĩnh vực nào.