Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, trong số 3.72 triệu tấn gạo Việt Nam xuất cảng, riêng thị trường Trung Cộng đã chiếm trên 38%. Trung Cộng cũng là thị trường nhập cảng lớn cao su, hạt điều, sắn lát…
Sau khi đồng nhân dân tệ liên tục phá giá, trong nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng, các mặt hàng nông sản Việt bắt đầu đối mặt với không ít khó khăn từ việc ép giá, phá vỡ hợp đồng của không chỉ đối tác Trung Cộng mà từ các đầu mối nhập cảng tại một số thị trường khác.
Ông Trần Phước Long – Giám đốc công ty nông sản Mai Hương ở Vĩnh Long cho biết bình quân mỗi năm, doanh nghiệp có 3 tới 4 triệu tấn gạo đưa qua Trung Cộng theo đường mậu dịch tiểu thương biên giới. Doanh nghiệp thực hiện hợp đồng giao dịch tại điểm bên mua, nên được thanh toán bằng nhân dân tệ. Khi về Việt Nam, doanh nghiệp phải đổi sang Mỹ kim để kê khai thuế hải quan. Sau đó tiếp tục bán để lấy VNĐ, nên công ty đang chịu thiệt hại kép để bù tỷ giá.
Điều đáng lo nhất lúc này là gạo Việt Nam có thể mất thế cạnh tranh, vì đối tác buộc phải chi tiền nhiều hơn. Điều này sẽ khiến nhà nhập cảng phải sẽ tìm kiếm mối hàng khác từ các đối thủ truyền thống là Thái Lan, Philippines và đặc biệt Campuchia để có lợi nhuận.
Phía Trung Cộng đang đề nghị doanh nghiệp Việt Nam giảm giá kể cả phải phá bỏ hợp đồng đã thỏa thuận trước đó, nếu không họ sẽ giảm số lượng nhập hoặc tìm kiếm nhà xuất cảng khác. Thời gian qua xuất cảng gạo không hề dễ dàng, nay thêm sức ép này nữa, doanh nghiệp Việt Nam không biết phải xoay sở thế nào. Ngân hàng trung ương Trung Cộng đã lần lượt 3 lần hạ tỷ giá với các mức 2%, 1.6% và 1.1%. Đây là mức phá giá kỷ lục của nước này từ năm 1994, đảo ngược chính sách ổn định đồng nội tệ trước đó.