Giàn khoan 981 ngừng di chuyển khi tiến sâu hơn vào biển Việt Nam
Theo tin tức của Pv Đông Hà được báo Tuổi Trẻ loan tải hôm 17.07, tàu kiểm ngư VN, sau một ngày theo dõi việc di chuyển của giàn khoan Hải Dương 981, đến 10 đêm tối ngày 16.07 giàn khoan HD 981 của Trung cộng khi tiến sâu hơn vào vùng biển chủ quyền VN đã ngưng di chuyển tại 15 độ 47 phút vĩ Bắc; 111 độ 00 phút 42 giây kinh độ Đông cho đến 10g30 sáng ngày 17.07.
Như vậy, trong cả ngày di chuyển, giàn khoan Hải Dương 981 chỉ chạy “loanh quanh”, rời vị trí ban đầu chỉ có 35 hải lý về hướng Tây-Tây Bắc. Đặc biệt vị trí mới của giàn khoan chỉ cách đảo Lý Sơn 112 hải lý, gần hơn khoảng 30 hải lý so với vị trí trước khi di chuyển.
Nguồn tin còn cho biết, lúc 6g sáng ngày 17.07, các tàu kiểm ngư Việt Nam đã tiếp cận giàn khoan. Khi tàu Kiểm ngư 629 cách giàn khoan khoảng hơn 9 hải lý, ngay lập tức phía Trung cộng cho hai tàu bảo vệ, tàu hải cảnh số hiệu 2401 và tàu hộ vệ tên lửa số hiệu 169, chạy ra ngăn cản khiến các tàu kiểm ngư Việt Nam phải chạy vòng tránh ra xa. Tuy nhiên, tàu hộ vệ tên lửa 169 của Trung cộng vẫn chạy ngang phía sau đuôi các tàu Việt Nam đe dọa, chỉ cách chừng 200m.
Sự kiện này được phóng viên Đông Hà của báo Tuổi Trẻ có mặt trên tàu kiểm ngư 629 báo động đang gây chú ý cho dư luận trong và ngoài nước quan tâm theo dõi.
Điều được cho là kỳ lạ là tin báo động cho dân biết giàn khoan TQ chưa rút này của phóng viên Đông Hà đã vừa bị gở khỏi báo Tuổi Trẻ ngay sau vài giờ đăng tải sáng ngày 17.07. Lý do chưa rõ, chỉ biết theo bản tin, trong 25 giờ qua, giàn khoan 981 không phải đã rút mà chỉ chạy “loanh quanh” và hiện nó nằm sâu hơn trong vùng biển VN 30 hải lý so với vị trí trước đây, trong khi đó các lãnh đạo đảng và nhà nước ở Hà Nội, trong đó có cả thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lên tiếng tuyên bố rất “hồ hởi” trước việc Trung cộng tuyên bố “rút” giàn khoan HD981 của họ.
Ngay sau khi bài trên báo Tuổi Trẻ bị gở xuống, trang web Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN đã cho loan tải nhiều bài giải thích và biện hộ cho việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung cộng “ngừng di chuyển” và “đang nằm sâu” trong thềm lục địa VN.
Theo trang web Nguyễn Phú Trọng, thông tin “giàn khoan 981 của Trung Quốc đã ngừng di chuyển ở vị trí nằm sâu hơn trong vùng biển của Việt Nam đã gây hiểu lầm và hoang mang trong một bộ phận dư luận ở Việt Nam”. Và “việc giàn khoan Trung Quốc ngừng di chuyển, theo phán đoán là để tránh cơn bão số 2 đang có xu hướng đổ bộ trực tiếp vào đảo Hải Nam. Giàn khoan này sẽ tiếp tục di chuyển theo lộ trình khi cơn bão suy yếu…”. Trang tin Nguyễn Phú Trọng còn biện hộ giùm Trung cộng trước hành động ngang ngược trong vùng lãnh hải VN, khi cho rằng “khả năng Trung Quốc kéo dài việc neo đậu giàn khoan gần vùng biển Hoàng Sa là rất thấp, vì điều này sẽ mâu thuẫn với tuyên bố chính thức của Bắc Kinh về việc dịch chuyển giàn khoan và gây cho nước này những tổn hại nghiêm trọng về đối ngoại”
Trung Quốc có ý đồ thâu tóm tài nguyên châu Mỹ La tinh
Hôm 15/07/2014, trong cuộc họp thượng đỉnh tại Fortaleza, tập hợp BRICS, bao gồm các nước Brazil, Nga, Nam Phi, Trung Quốc và Ấn Độ đã vượt qua được các bất đồng để khai sinh một ngân hàng phát triển và một quỹ tiền tệ của nhóm. Ngân hàng phát triển của khối BRICS, với vốn ban đầu là 50 tỷ đô la, sẽ đặt trụ sở tại Thượng Hải, và Chủ tịch ngân hàng trong 5 năm đầu tiên sẽ là một người Ấn Độ. Ngân hàng này có mục tiêu tài trợ cho các chương trình hạ tầng cơ sở. Phần vốn sẽ được 5 thành viên đóng góp đồng đều.
Theo các tin trước đây, quỹ dự trữ tiền tệ của khối BRICS sẽ có vốn 100 tỷ đô la. Cao vọng của nhóm BRICS là các định chế mới ra đời này của họ có thể làm đối trọng với các định chế của Mỹ, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Fortaleza, ngày 16.7 các lãnh đạo nhóm BRICS đã tề tựu về thủ đô Brazil để họp với các lãnh đạo quốc gia Châu Mỹ La tinh, là các quốc gia cũng muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ trong vùng.
Cuộc gặp này còn giúp các lãnh đạo nhóm BRICS thực hiện các mục tiêu riêng. Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông sẽ mở chiến dịch “chiêu dụ” các quốc gia trong vùng trước khi thực hiện vòng công du Châu Mỹ La tinh, sau các hội nghị tại Brazil.
Bắc Kinh chính thức cho đây là một vòng công du để gọi là chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau, nhưng thật ra, theo dư luận thì chuyến đi này nhằm củng cố thế đứng của Bắc Kinh ở Châu Mỹ La tinh và để Trung Quốc bảo đảm được nguồn cung cấp dầu hỏa và tài nguyên thiên nhiên rẻ như đồng, thép, nickel, đậu nành… cho mình.
Đây là chuyến đi Châu Mỹ La tinh lần thứ 2 của ông Tập Cận Bình từ khi ông lên nắm quyền vào năm ngoái. Nó cho thấy là Trung Quốc quyết tâm áp đặt sự hiện diện của mình tại một khu vực vốn là sân sau của Mỹ.
Với trao đổi thương mại lên đến 260 tỷ đô la, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại thứ hai trong vùng sau Hoa Kỳ.
Người ta không hiểu các nước Châu Mỹ La tinh có thấy được cái gọi là „chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau“ của Trung quốc tại Châu Phi trong thời gian qua hay không ?
Việt Nam tiếp tục chịu thiệt hại vì lệ thuộc Trung Quốc
Việt Nam dưới chế độ hiện nay từ ngành công nghiệp nặng, tới công nghiệp nhẹ và ngay cả hàng nông sản đang phải chịu “quả đắng” do phải phụ thuộc Trung quốc vì quyền lợi của nhóm cầm quyền.
Báo Doanh Nghiệp mới đây nêu ra sự việc nhà máy Công ty TNHH thành viên Đạm Ninh Bình (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) có quy mô vốn 700 triệu USD, từ khi đi vào vận hành đến nay chưa ngày nào có lãi, mà còn lỗ lũy kế đến nay đã là 1.071 tỉ đồng. Các con số đưa ra cho thấy năm 2012, công ty lỗ 75 tỉ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỉ đồng, và theo ước tính 6 tháng đầu năm nay 2014 lỗ 237 tỉ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do chi phí cao và công nghệ lạc hậu khi chọn Tổng công ty tư vấn và thầu khoán Hoàn Cầu của Trung Quốc làm tổng thầu.
Ông Nguyễn Gia Tường, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thừa nhận: “Dây chuyền, máy móc thiết bị được nhập từ Trung Quốc, chất lượng ở mức trung bình, thường xuyên xảy ra sự cố. Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng phải phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc nên dây chuyền sản xuất thường xảy ra các sự cố, tiêu hao định mức nên chưa đạt mức thiết kế”.
Người ta vẫn chưa quên vụ 8 tỉnh mất điện khi máy biến áp Trung Quốc hết hạn bảo hành mới gần đây. Chất lượng thiết bị, công nghệ do nhà thầu Trung Quốc cung cấp trở nên báo động khi hồi tháng 5/2013, chỉ trong vòng 1 tuần lễ liên tiếp 2 máy biến áp 500kV công suất 900MVA tại trạm biến áp Hiệp Hòa (Bắc Giang) cùng bị xì dầu ra ngoài, hư hỏng nặng, buộc phải tách ra khỏi hệ thống, khiến 8 tỉnh miền Bắc mất điện. Trạm biến áp này có nhiệm vụ cung cấp điện cho khu vực Đông Bắc, nhằm mục tiêu đảm bảo nguồn năng lượng chiến lược, phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng. Đặc biệt, cả hai máy biến áp này đều là hàng Trung Quốc và sự cố xẩy ra ngay khi vừa hết hạn bảo hành.
Cũng theo báo Doanh Nghiệp, nhiều chuyên gia đã cảnh báo việc nhà thầu Trung Quốc đấu thầu và trúng thầu ở hầu hết các dự án đấu thầu quốc tế rộng rãi “do lợi thế thiết bị giá rẻ, thậm chí giá nào cũng chấp nhận để trúng thầu. Nhưng khi thực hiện công trình thì nại ra đủ lý do để chậm chễ, nâng giá trúng thầu hoặc chất lượng công trình không đảm bảo. Điều này Việt Nam đã lãnh nhiều bài học, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức nặng để hạn chế tình trạng này.”
Tưởng cũng nên biết, việc nhận “phong bì” hối lộ trong các vụ đấu thầu, theo các cán bộ trong ngành xây dựng, đã trở thành chuyện đương nhiên trong những năm qua. Hiện nay, ngoài việc nhập cảng vô trách nhiệm các thực phẩm độc hại và hàng công nghệ phẩm chất thấp từ Trung quốc, nhà cầm quyền CSVN từ trung ương đến các tỉnh cũng cho các công ty Trung quốc trúng thầu các dự án xây dựng đến 90%, bất kể các thủ thuật trễ hạn để đội giá và phẩm chất cực thấp, đặc biệt là các công trình xây dựng cầu đường, khiến đất nước phải luôn gánh chịu thiệt hại.