Các Dự Án Đầu Tư Trung Quốc với những hiểm họa tiềm ẩn
Hiện tượng hầu hết các gói thầu lớn của Việt Nam đều rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc là biểu hiện hết sức đáng lo ngại. Đáng chú ý, các doanh nghiệp Trung Quốc được ưu đãi đến mức độ biệt đãi, không còn gì để ưu đãi hơn. Một hiện trạng đang bị báo chí trong nước nêu ra là trong khi người Việt thiếu công ăn việc làm, thì các doanh nghiệp Trung Quốc đã không sử dụng lao động VN mà lén lút đưa rất nhiều lao động phổ thông từ nước họ sang.
Điều đáng lưu ý là tiền lệ của nhà thầu TQ đối với VN là : bỏ giá thấp, thi công chậm trễ, kéo dài, rồi yêu cầu đội vốn lên, đưa công nghệ lạc hậu vào, đưa lao động phổ thông vào nhiều, gây bất lợi cho VN.” Từ đó đã dẫn đến việc các ngành cơ khí, dệt may và ngay cả ngành hàng nông sản xuất khẩu… cũng đang phải gánh chịu hậu quả do phụ thuộc quá nhiều vào TQ. Theo dư luận thì Việt Nam – Trung quốc là hai quốc gia láng giềng có chung đường biên giới, do các đặc điểm địa chính trị mang tính đặc thù đã khiến cho hai quốc gia có các quan hệ về kinh tế chính trị khá mật thiết. Tuy nhiên việc các nhà đầu tư TQ trúng thầu quá nhiều các công trình trong lúc công tác quản lý về phía VN đã có quá nhiều sơ hở, điều đó không chỉ dẫn đến tình trạng làm cho kinh tế VN phụ thuộc vào kinh tế TQ, mà còn có thể tạo nên những nguy cơ về an ninh quốc phòng.
Cụ thể hàng loạt các cơ sở kinh tế lớn cùng hàng trăm kho bãi của các công ty Trung Quốc chạy dọc bờ sông Ka Long – Móng Cái, một địa điểm quan trọng cho an ninh quốc phòng vùng Đông Bắc. Hay Đặc khu kinh tế Vũng Áng được thuê trong 70 năm, hiện tại Trung Quốc đang biến nó thành một lãnh địa riêng, khi xây tường bao xung quanh, người Việt không thể vào được. Điều đó đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm rằng, ở chỗ nào người Trung Quốc đầu tư, thì người Việt không được vào.
Theo truyền thông của nhà nước thì các doanh nghiệp TQ chọn thuê đất và đầu tư chủ yếu ở các tỉnh khu vực biên giới phía Bắc, hoặc các vị trí chiến lược trọng điểm như Tây nguyên, Cam ranh… Đặc biệt ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nơi có trục đường 7, đường 8 sang Lào, đường đi lên Tây Nguyên và họ đưa công nhân của họ vào với số lượng rất lớn ?
TS. Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW bày tỏ sự lo ngại và thấy rằng đây là một mưu đồ có tính toán rất nguy hiểm, đồng thời là hiểm họa rất lớn về lâu dài của TQ. Điều này nếu không được giải quyết sẽ dẫn đến việc bảo vệ kiều dân như trường hợp đã xảy ra ở Ukraina vừa qua.
Còn bà Phạm Chi Lan nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ nhận định : “Thực tế có nhiều doanh nghiệp hoặc cá nhân Trung Quốc vào làm ăn ở Việt Nam theo kiểu không có phép tắc gì cả và gây ra những nhiễu loạn trong xã hội cũng như gây thiệt hại cho người Việt Nam rất nhiều. Như chuyện họ đi nuôi tôm, nuôi cá ở vùng biển Khánh Hòa, hoặc đi thuê người dân trồng khoai lang ở Vĩnh Long hoặc là đi thu mua các loại rễ cây, sừng móng trâu bò v.v…
Cảnh báo của giới chuyên gia như vừa nêu được đưa ra lâu nay; thế nhưng rồi các nhà thầu Trung Quốc vẫn nhận được dự án tại Việt Nam. Mới đây là dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi. Nhiều người thắc mắc tại sao chính quyền Hà Nội vẫn tiếp tục mất cảnh giác đến như thế!
Báo cáo Bộ Y Tế “Bỏ Quên” 146 Trẻ Chết Vì Sởi
Trong bảng báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm 2014 của Bộ Y tế, nhiều người thở phào vì công tác phòng chống dịch bệnh của ngành y đạt kết quả tốt. Song, ngạc nhiên thay, Bộ Y tế không nhắc một câu nào về dịch sởi, vốn đã lấy đi không ít nước mắt của nhiều gia đình, sức lực của các bác sĩ đã từng làm việc gần như quay cuồng trong 4 tháng từ tháng 2 đến tháng 5, với một con số đau lòng là 146 trẻ tử vong vì bệnh sởi. Con số đau lòng này chỉ thua dịch tay chân miệng lớn nhất từ trước đến nay (năm 2011 với 166 trẻ em tử vong!)
Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia y tế cho rằng phải công bố dịch bệnh để cả hệ thống chính trị vào cùng chống dịch. Vậy mà Bộ Y tế vẫn cho rằng không phải công bố dịch và chỉ công bố khi nào có hai tỉnh thành phố công bố dịch. Điều này đã khiến dư luận sôi sục. Người ta cho rằng Bộ Y tế vẫn muốn giữ thành tích thanh toán bệnh sởi trong vài năm tới và giấu dịch. Và đến nay, Bộ Y tế một lần nữa “bỏ qua” dịch sởi khi không đưa vào báo cáo tình hình các bệnh dịch đầu năm 2014, vẫn tiếp tục khẳng định tỷ lệ trẻ tử vong năm nay thấp hơn năm 2012, 2013.
Khi báo chí đặt câu hỏi vì sao Bộ Y tế không đưa thiệt hại về người của dịch sởi vào trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2014, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, hiện nay dịch sởi không còn nóng, bệnh chỉ xuất hiện rải rác, không tập trung như trước nữa, nên chúng tôi không đưa vào báo cáo này ! Với câu trả lời này, những ông bố, bà mẹ có con không qua khỏi vì sởi hẳn sẽ rất chua xót khi cái chết của con họ đã bị Bộ Y tế bỏ quên chỉ vì bệnh thành tích ! Và không biết, với căn bệnh thành tích này, liệu sẽ còn những đứa trẻ nào tiếp tục phải bỏ mạng khi dịch bệnh không được quan tâm đúng với sự nguy hiểm của nó ? Việc tổng kết rút kinh nghiệm từ công tác phòng chống dịch, đặc biệt là dịch sởi thời gian qua, là hết sức cần thiết đối với ngành Y. Nếu còn tiếp tục “bị bỏ quên” như báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm này, liệu người dân có thể hy vọng gì vào việc cải thiện tình hình dịch bệnh thời gian tới ?
Cuba: Những “phụ nữ áo trắng” bị đàn áp
Vào ngày chủ nhật 13/07 vừa qua, những “phụ nữ áo trắng” đã xuống đường biểu tình tranh đấu đòi trả tự do cho những tù nhân chính trị, và đã bị cảnh sát Cuba dồn vào một chiếc xe bus và chở về đồn cảnh sát và giam giữ tại đó nhiều giờ đồng hồ trước khi được trả tự do.
Những “phụ nữ áo trắng” nhóm của những người phụ nữ Cuba bất đồng chính kiến, thân nhân và bạn bè của tù chính trị. Họ chọn mặc đồng phục áo trắng và hàng tuần xuống đường liên tiếp trong cả chục năm qua, bất chấp lệnh cấm biểu tình của nhà nước.
Chủ Nhật vừa qua họ đã biểu tình để tưởng niệm cái chết của 37 người dân Cuba đã bỏ mình khi xuống thuyền định vượt biên khỏi Cuba cách đây đúng 20 năm. Những phụ nữ này cáo buộc nhà cầm quyền Cuba đã cố ý đánh đắm thuyền để giết họ vào năm 1994.
Những người phụ nữ này dự định đặt vòng hoa tưởng niệm những người đã chết nhưng cuộc tuần hành biểu dương của họ đã bị cảnh sát phá vỡ. Họ nói là việc nhà cầm quyền bắt giam họ đã là hành động quảng cáo miễn phí cho những điều họ muốn quảng bá.
Đây không phải là lần đầu tiên những phụ nữ áo trắng này bị chính quyền Cuba bắt giữ. Trước đây họ đã từng bị bắt giam vì xuống đường đòi hỏi trả tự do cho các tù nhân chính trị. Chính quyền Cuba nói là những người phụ nữ áo trắng đã nhận tiền của Mỹ để phá hoại của cuộc cách mạng xã hội tại Cuba.