Theo lời kể của một sĩ quan thủy quân lục chiến Philippines thì tàu Hải giám của Trung Quốc đã ngăn chặn hoạt động các tàu đánh cá của người Việt Nam và Philippines ở khu vực bãi đá ngầm Second Thomas Shoal thuộc quần đảo Trường Sa. Trung úy Thủy quân Lục chiến Mike Pelotera của Philippines cho biết ông và các quân nhân đã nhìn thấy các ngư dân bị tàu hải giám Trung Quốc dùng sức mạnh ép phải đi khỏi khu vực Second Thomas Shoal ít nhất 8 lần từ Tháng 12-2013 đến Tháng Ba năm nay. Việt Nam gọi khu vực này là Bãi Cỏ Mây.
Ông Pelotera cho biết ông đã quay một đoạn video khi tàu Trung Quốc đuổi theo một tàu đánh cá của người Việt Nam một cách rất nguy hiểm vì chạy gần với những rạn san hô. Không thấy báo chí ở Việt Nam loan tải gì về những tin như thế này dù có thể ngư dân đã báo cáo với các cơ quan thẩm quyền.
Tàu Hải giám và tàu quân sự Trung Quốc thường xuyên chặn bắt, cướp phá các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam khi họ hoạt động ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa. Nhiều tàu đã bị đâm vỡ hay bị bắn cháy, ngư cụ và trang bị hải hành bị lính Trung quốc cướp cùng với ngư sản đánh được. Thiệt hại cho ngư dân Việt Nam rất lớn vì hành động ngang ngược của lính Trung Quốc.
Qua lời kể của Trung úy Pelotera, đây là lần hiếm hoi người ta được biết tin về những vụ tàu Hải giám Trung Quốc đuổi tàu cá Việt Nam ở khu vực đang có tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam và Phi Luật Tân. Khu vực Second Thomas Shoal là một rạn san hô lớn, dài khoảng 18km và ở phía tây đảo Palawan của Philippines 105 hải lý (hay 194km).
Tàu Hải giám Trung Quốc nhiều lần dùng súng nước xua đuổi tàu đánh cá của Philippines ở khu vực tranh chấp khác hồi Tháng Giêng. Hồi giữa Tháng Ba vừa qua, tàu Hải giám của Trung Quốc chặn tàu tiếp tế thực phẩm cho đơn vị đóng tại Second Thomas Shoal.
Hôm Thứ Ba 22/4/2014, khoảng 80 người Philippines đã biểu tình trước trụ sở lãnh sự quán Trung Quốc tại Manila với các biểu ngữ đòi hỏi Bắc Kinh rút khỏi lãnh thổ Philippines. Họ đã biểu tình chống Bắc Kinh rất nhiều lần như thế mà không bị cảnh sát đàn áp hay bắt giữ.
Hoàn toàn khác với Philippines, người dân Việt Nam yêu nước nhiều lần biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn chống Trung Quốc bá quyền bành trướng đều bị công an giải tán. Nhiều người bị hành hung thô bạo, thậm chí bị nhốt trong các trại “phục hồi nhân phẩm”. Một người biểu tình chống Trung Quốc nổi tiếng, nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày, đã bị nhà cầm quyền CSVN kết án 12 năm tù hồi năm 2012.
Một Luật sư bị đề nghị kỷ luật vì bình luận trên facebook
Ông Nguyễn Duy Hữu, chánh án Tòa án Ðắk Lắk, vừa có văn bản đề nghị giới hữu trách kỷ luật Luật Sư Lưu Mai Hưng, thành viên Ðoàn Luật Sư Sài Gòn vì đã chỉ trích tòa án tỉnh này trên trang cá nhân của mạng xã hội có tên facebook.
Được biết, Luật Sư Lưu Mai Hưng đã chỉ trích Tòa án Ðắk Lắk khi tham gia bào chữa cho một thân chủ bị cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản.” Sau phiên xử, Luật Sư Hưng nhận định rằng, bản án mà Tòa án Ðắk Lắk đã tuyên hồi đầu tháng 4 “có sự chỉ đạo quyết liệt trái pháp luật,” “can thiệp thô bạo vào tất cả các giai đoạn của vụ án,” “bỏ sót tội phạm và gây oan sai.”
Trả lời truyền thông trong nước, Luật Sư Hưng khẳng định ông không vi phạm Luật Luật Sư và yêu cầu của ông Nguyễn Duy Hữu là vô căn cứ. Trên trang cá nhân ở facebook, ông Hưng xem đây là một kiểu “rung cây dọa khỉ.” Ông Hưng khẳng định ông sẽ không lùi bước và sẽ làm tất cả những gì có thể để phơi bày các sai trái.
Chưa rõ trường hợp của ông Hưng sẽ kết thúc thế nào nhưng trong quá khứ, Việt Nam thường xuyên răn đe luật sư khi họ nói những điều mà chính quyền và hệ thống tư pháp không muốn nghe, dù đó là quyền do đặc điểm nghề nghiệp.
Hồi năm 2010, Tổ chức Giám Sát Nhân Quyền đã từng cảnh báo cộng đồng quốc tế về việc chính quyền Việt Nam đàn áp giới luật sư sau khi ông Cù Huy Hà Vũ bị bắt. Ðến nay, danh sách những luật sư bị tước quyền hành nghề, bị tống giam, bị cô lập càng lúc càng dài.
Trường hợp gần nhất là ông Lê Quốc Quân, người đang ngồi tù với cáo buộc “trốn thuế” – cáo buộc này bị cả công luận trong và ngoài Việt Nam xem là trò hề. Trước nữa là các luật sư: Lê Công Ðịnh, Trần Quốc Hiền, Nguyễn Bắc Truyển, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Ðài, Lê Trần Luật…
Năm 2010, khi đưa ra cảnh báo cộng đồng quốc tế về việc nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp giới luật sư, Tổ chức Giám Sát Nhân Quyền cho rằng, Việt Nam đã tạo ra một danh sách dài các luật sư bị ngược đãi vì chỉ trích chính quyền, tiến hành những vụ kiện chống lại chính sách của chính quyền, đại diện cho khách hàng khởi kiện chính quyền, hoặc nhận bào chữa cho những người bị bắt vì đã thể hiện niềm tin tôn giáo hay chính trị của họ một cách ôn hòa.
Theo nhận định của đại diện Tổ chức Giám Sát Nhân Quyền thì Việt Nam cố tình ngược đãi các luật sư để răn đe họ không đảm nhận những vụ việc nhạy cảm về chính trị như bào chữa cho các nhân vật đối kháng, các nạn dân bị hàm oan. Tổ chức Giám Sát Nhân Quyền nêu thắc mắc: Ai sẽ bảo vệ cộng đồng và những người hoạt động cho nhân quyền nếu như các luật sư can đảm và tận tâm đều bị ném vào tù hoặc bị cản trở thực hiện công việc của mình.”
Cũng vì vậy, theo tổ chức này, giới tài trợ cho Việt Nam, đặc biệt những người ủng hộ cải cách tư pháp cần đòi nhà cầm quyền Việt Nam phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, chấm dứt việc sách nhiễu và tống giam các luật sư.
Số tử vong vì sởi tiếp tục tăng, cha mẹ giàu đưa con vào bệnh viện sang
Theo báo mạng VTC News, con số trẻ tử vong vì bệnh sởi và biến chứng của sởi đến ngày 21 tháng 4, 2014 đã lên đến 119, tại Bệnh viện Nhi đồng trung ương ở Hà Nội. Sáng ngày 19 tháng 4, 2014, Sở Y tế Hà Nội đã mở 30 địa điểm chích ngừa sởi miễn phí, kéo dài trong 1 tuần lễ.
Tuy nhiên, vì không chen chân vào được các địa điểm này, rất nhiều người dân Hà Nội đã phải đưa con đến chích ngừa ở các trung tâm dịch vụ tư nhân, với giá cắt cổ.
Lợi dụng tâm lý hoảng loạn của các bậc cha mẹ, nhiều người tung ra đủ trò lừa bịp, từ việc rao bán các loại thuốc bắc cho trẻ tắm để ngừa và chữa bệnh sởi, đến các loại thực phẩm, thức uống “tăng cường sức đề kháng chống dịch sởi.”
Tại Hà Nội, loại hạt mùi khô đã tăng gấp đôi, từ 120,000 lên 300,000 đồng, tương đương 15 Mỹ Kim một kí. Cũng theo VTC News, rất nhiều cư dân Hà Nội đưa con đến các bệnh viện tư điều trị bệnh sởi như Việt Pháp, VIMEC, Hồng Ngọc… với giá 9 triệu đồng, tương đương 450 Mỹ Kim một ngày.
Tại các bệnh viện này, giá chích ngừa sởi lên tới 240,000 đồng, tương đương 12 Mỹ Kim một mũi, nhiều gấp đôi so với giá chính thức tại các trung tâm y tế công cộng.
Giấy Vụn phát hành ‘chui’ sách ‘Mekong, Dòng Sông Nghẽn Mạch’
Nhà xuất bản “Giấy Vụn” vừa in xong cuốn ký sự “Mekong, Dòng Sông Nghẽn Mạch” của Bác Sĩ Ngô Thế Vinh, và cho phát hành “chui” ngay tại Việt Nam.
“Giấy Vụn” là nhà xuất bản vỉa hè “ngoài luồng,” hoạt động không giấy phép, do hai nhà thơ trẻ là Bùi Chát và Lý Ðợi thuộc nhóm Mở Miệng chủ trương.
Cùng với hơn 40 tựa sách mà Giấy Vụn đã xuất bản, “Mekong, Dòng Sông Nghẽn Mạch” chủ yếu được phát hành chuyền tay, không bán, cũng không có trong các nhà sách.
Bác Sĩ Ngô Thế Vinh cũng là tác giả cuốn dữ kiện tiểu thuyết “Cửu Long Cạn Dòng, Biển Ðông Dậy Sóng,” xuất bản năm 2000. Cả 2 tác phẩm có nội dung cùng thể hiện mối quan tâm về các nan đề “môi sinh và phát triển” trong toàn lưu vực Sông Mekong và Ðồng Bằng Sông Cửu Long. “Mekong, Dòng Sông Nghẽn Mạch” được phát hành vào một thời điểm rất ý nghĩa, ngay sau Hội Nghị Thượng Ðỉnh Mekong II/MRC Summit II, vừa diễn ra tại Thành Phố Sài Gòn ngày 5 Tháng Tư, 2014.
Hội nghị được giới quan sát quốc tế và các nhà hoạt động môi sinh đánh giá như một thất bại về phía Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ sự phát triển bền vững hệ sinh thái Sông Mekong, và Ðồng Bằng Sông Cửu Long, cũng là mạch sống của ngót 70 triệu cư dân sống trong lưu vực.