Anh em Đỗ Tường Phong – Đỗ Tường Tự và cuộc khởi nghĩa năm 1878 ở Tầm Vu – Bình Cách

- Quảng Cáo -

Ông Đỗ Tường Phong là con cả và ông Đỗ Tường Tự là người con thứ ba trong một gia đình giàu có ở làng Dương Xuân (nay thuộc xã Dương Xuân Hội – huyện Châu Thành). Song thân của hai ông là ông bà Đỗ Tường Kiên-Huỳnh Thị Đức, một trong những người đầu tiên có công khai phá vùng đất Tầm Vu, Dương Xuân Hội thuộc huyện Châu Thành ngày nay.Thưở nhỏ, hai ông được cha mẹ cho học chữ Hán. Khi hai ông trưởng thành, thì Thực dân Pháp đã nổ súng xâm lược 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Trước cảnh nước mất nhà tan, ông Đỗ Tường Phong đã tòng quân theo Trương Định lập căn cứ kháng Pháp ở Tân Hòa (Gò Công). Năm 1864 căn cứ Tân Hòa thất thủ, Trương Định tự sát, ông Đỗ Tường Phong phải ra Huế nhận một chức quan để đợi thời cơ về Nam đánh Pháp.

Ở vùng Tân Thạnh – Kiến An [Châu Thành (Long An) và Chợ Gạo (Tiền Giang)] từ 1872 đã nổ ra cuộc khởi nghĩa lần 2 do Thủ Khoa Huân lãnh đạo. Lúc bấy giờ, ông Đỗ Tường Phong đã bí mật từ  Huế trở về tham gia cuộc khởi nghĩa này. Ông Đỗ Tường Tự năm 1874 đang làm Hương Thân làng Dương Xuân cũng đã gia nhập vào hàng ngũ kháng chiến. Ông đã bán 3 mẫu đất được gia đình chia cho ở Vĩnh Xuân (nay thuộc xã Dương Xuân Hội) để lấy tiền nuôi nghĩa quân. Tháng 9/1874, Pháp huy động lực lượng mạnh do Trần Bá Lộc chỉ huy tấn công vào căn cứ Bình Cách. Đến tháng 4/1875, Pháp bắt được Thủ Khoa Huân và đem xử chém tại làng Tịnh Hà, Chợ Gạo. Trước tình thế ấy, hai ông Đỗ Tường Phong – Đỗ Tường Tự đã quyết tâm tiếp nối ngọn cờ khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân.

Hai ông đã tập hợp những nghĩa quân đang phiêu tán trong vùng và chiêu mộ những người yêu nước khắp nơi tới ứng nghĩa. Ông Đỗ Tường Tự còn bán tiếp phần ruộng Cây Keo để làm quân phí và mua thuốc súng, vũ khí. Nghĩa quân tụ họp ngày càng đông, hai ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự quyết định chọn vùng Long Trì, Bình Cách làm căn cứ khởi nghĩa. Giặc Pháp biết việc này nên đã tra tấn ông Đỗ Tường Kiên đến nổi phải mang bệnh mà chết. Chúng còn cho đốt nhà 36 cửa, cắt gân ông Đỗ Tường Soạn để ép buộc hai ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự phải ra đầu thú. Nhưng cả gia đình họ Đỗ đã kiên quyết ủng hộ hai ông đứng lên khởi nghĩa. Sang năm Mậu Dần 1878, sau khi chuẩn bị mọi điều kiện về vũ khí, lương thực, đạn dược, hai ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự làm lễ xuất quân ở ruộng Cây Keo (nay thuộc ấp Vĩnh Xuân, xã Dương Xuân Hội) rồi tiến đánh đồn Bình Cách. Sau đó nghĩa quân về căn cứ Long Trì-Bình Cách và tập kích các đồn Pháp trong vùng. Giặc Pháp bèn đem lực lượng đến đàn áp nghĩa quân. Do lực lượng có hạn, chiến đấu đơn độc không có lực lượng tiếp ứng, lại bị bọn gian thương bán súng giả…nên nghĩa quân nhanh chóng thất bại. Nhiều nghĩa quân bị Pháp bắt, chém đầu chôn chung trên một gò đất ở Vĩnh Xuân mà hiện nay nhân dân vẫn gọi là Gò trăm đầu.

Thất trận ông Đỗ Tường Tự lánh về Phú Hòa (nay là xã Trung Hòa – Tiền Giang), đến ngày 23/4 năm Mậu Dần (1878) ông bị Pháp bắt giải về làng Dương Xuân. Bọn giặc ra sức dụ hàng ông, chúng hứa sẽ cho ông lãnh chức Tổng trấn Tân An – Mỹ Tho nhưng ông đã khảng khái chối từ. Ba hôm sau, ngày 26/4, Pháp đem ông đến đình làng Dương Xuân xử tử. Hương chức và dân làng đều cảm phục Đỗ Tường Tự. Họ kéo nhau đến chợ Tầm Vu thật đông đảo để tiễn ông. Mẹ ông và vợ con ông đã bày sẳn một mâm cơm để tế sống ông. Bà Châu Thị Đạt – vợ ông Đỗ Tường Tự , người làng Thuận Lễ – dẫn 3 người con đến lạy ông mỗi người 4 lạy. Ông Đỗ Tường Tự đầu bịt khăn tang lạy mẹ mình là bà Huỳnh Thị Đức, rồi hướng về Thuận Lễ lạy mẹ vợ. Sau đó ông bồng 2 người con trai là Đỗ Tường Hiệu và Đỗ Tường Tị lên đùi và dặn rằng:“Ta còn sống thì đánh Pháp đến cùng, đến chết mới thôi. Ta cấm con cháu không đứa nào được ăn cơm của Tây. Phần ta thì chết đâu chôn đó, khỏi xây mồ mả gì cả”.

- Quảng Cáo -

Sau cùng ông rót rượu cảm ơn bà con và Hương chức đã đến tiễn đưa, rồi ung dung để cho giặc đưa ra pháp  trường ở phía sau đình Dương Xuân. Khi bọn Pháp bịt mắt ông chuẩn bị bắn, ông nói:“Đừng bịt mắt, hãy để ta thấy súng Tây trước khi chết”.

Sau khi ông mất, bà con chợ Tầm Vu góp tiền tặng ông một cỗ quan tài tốt. Vợ ông mang đến một đôi chiếu Thuận Lễ để tẩn liệm cho ông. Theo di huấn, mọi người mai táng ông bên con đường mòn cạnh pháp trường phía sau đình  Dương Xuân. Người cận vệ của ông vốn là dân tộc thiểu số, mọi người thường gọi là ông mọi,  vì quá tiếc thương chủ tướng nên xin được chết theo cho trọn nghĩa. Giặc Pháp bèn bắn luôn người nghĩa sĩ vô danh này, và chôn bê cạnh mộ ông Đỗ Tường Tự.

Về phần ông Đỗ Tường Phong, sau khi thất trận ở Bình Cách – Long Trì, ông tạm lánh về Tân Hương – Mỹ Tho rồi bị Pháp bắt đem về Bình Lập (nay thuộc Thị xã Tân An). Ngày 29/4 năm Mậu Dần, Pháp xử chém ông tại nghĩa địa Tân An (nay thuộc ấp Bình Nam, Thị xã Tân An). Đao phủ là Đội Rựa – người Cần Thơ – thực hiện bản án. Tương truyền ông Đỗ Tường Phong trước lúc mất có cầm cây quạt ngà đưa cho Đội Rựa và nói rằng:“Đội Rựa đưa ta một đao cho tốt, ta tặng mi cây quạt ngà”.

Đội Rựa lạy ông 3 lạy rồi nói: “Quan lớn vươn cổ cho ngay để tôi khai đao cho ngọt”.

Nói xong, Đội Rựa mới vung đao tiễn ông về chín suối. Gia đình họ Đỗ đem ông về an táng ở thôn Bình Trị (nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành).

*Vài dấu tích còn lại:

Cuộc khởi nghĩa chống Pháp của 2 anh em Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự đã diễn ra cách nay hơn một thế kỷ, nhưng dư âm của nó còn tồn tại qua ký ức của nhân dân và những di tích – địa danh trên đất Châu thành.

-Mộ ông Đỗ Tường Tự và ngôi miếu thờ:

Tương truyền, sau khi qua đời, Đỗ Tường Tự vẫn thường hiển linh cho nhân dân quanh chợ Tầm Vu thấy nên mọi người đã xây một ngôi miếu nhỏ để thờ ông. Qua sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, ngôi miếu này hiện nay không còn nữa. Nhân dân đã đem linh vị của ông Đỗ Tường Tự  vào thờ trong đình Tân Xuân.

Ngôi mộ của ông Đỗ Tường Phong và người cận vệ đến năm 1994 vẫn còn là ngôi mộ đất nằm cạnh con đường nhỏ thuộc phần đất của ông Đỗ Thanh Hùng. Năm 1994, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã xây lại mộ ông Đỗ Tường Tự bằng xi măng. Hiện nay đình Dương Xuân và mộ ông Đỗ Tường Tự đang được lập hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định đăng ký di tích lịch sử – văn hóa.

-Mộ ông Đỗ Tường Phong:

Tương truyền năm 1878, Thực dân Pháp chém ông Đỗ Tường Phong chỉ trả lại thân còn đầu thì bêu để thị chúng. Gia đình phải làm lại đầu ông bằng sáp chắp vào thân để mai táng ở Bình Trị. Mộ ông được xây bằng đá ong, đến năm 1991 Sở Văn hóa Thông tin Long An đã cho cải táng và xây lại bằng ciment.

-Gò Trăm Đầu:

Gò Trăm Đầu nằm trên phần ruộng Cây Keo là nơi vào năm Mậu Dần (1878) ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự đã làm lễ xuất quân đánh Pháp. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Pháp đã cho chém đầu hàng loạt nghĩa quân rồi chôn chung thành một gò mả ở ruộng Cây Keo nên nhân dân gọi đây là Gò Trăm Đầu. Ngày nay Gò trăm đầu chỉ còn là một gò đất nhỏ, trên mọc lơ thơ vài ba cây trâm bầu.

-Gò Ông Tự – Gò Ông Chử:

Tọa lạc tại ấp Long Bình – xã Long Trì – huyện Châu Thành, nơi đây từng là căn cứ của một bộ phận nghĩa quân trong phong trào khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân và Đỗ Tường Phong –  Đỗ Tường Tự sau này.

Gò Ông Tự, có người giải thích đây là nơi ông Đỗ Tường Tự đóng quân, theo các cụ già trước đây rất rộng, cây cối rậm rạp. Hiện nay gò này chỉ còn lại một phần nhỏ, phía trên mặt gò mọc nhiều cỏ cây hoang dại.

Gò Ông Chử (nơi một bộ tướng tên Chử đóng quân) cách Gò Ông Tự chừng 100m ngày nay chỉ còn là một dãy đất cao 0,5m , rộng 2,5m , chạy dài 30m. Cách nay khoảng 30-40 năm, gò này vẫn còn cao ngang ngực, giống như một lũy đất có lẫn đá ong, thân lũy có đóng nhiều cây cột bằng gỗ trai. Hiện tại bên dưới lớp đất của Gò Ông Chử vẫn còn tìm thấy nhiều tảng đá ong xếp nối nhau làm nền. Có thể đây là một chiến lũy cũ trong hệ thống căn cứ kháng chiến của Thủ Khoa Huân và Đỗ Tường Phong –  Đỗ Tường Tự xưa kia.

Nguyễn văn Thiện

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

  1. Chuyện sử này nếu đươc̣ dậy cho các lớp tiểu học thì không những làm cho trẻ con yêu mến những ngừơi anh hùng, tạo ý chí bảo vệ giang sơn, mà càng thêm thú vị khi những di tićh đươc̣ nhắc đến sẽ kích thićh sự tò mò cuả ngừơi nghe.
    Cám ơn quý đài đã sưu tầm.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here