Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam
Sau khi phiên xử 2 sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha, kết thúc, Đại diện chính quyền Washington đã bày tỏ quan ngại về các bản án tù Việt Nam vừa tuyên phạt hai nhà hoạt động trẻ vì các hoạt động chống Trung Quốc, kêu gọi tự do-dân chủ, và phản đối chế độ cai trị độc tài. Hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên 21 tuổi và Đinh Nguyên Kha 25 tuổi bị tuyên án lần lượt là 6 và 8 năm tù giam hôm 16/5 tại Long An về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.
Tuyên bố đăng trên website của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam hôm 17/5 nêu rõ các bản án này là một phần trong xu hướng đáng quan ngại của nhà chức trách Việt Nam dùng các tội danh trong luật về an ninh quốc gia để bỏ tù những người chỉ trích chính phủ chỉ vì họ bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa.
Hoa Kỳ nhấn mạnh những việc làm của Hà Nội trái với quyền tự do ngôn luận và trái với các nghĩa vụ của Việt Nam trong khuôn khổ Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị cũng như các cam kết thể hiện trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho những tù nhân lương tâm như Uyên và Kha và cho phép tất cả người dân Việt Nam được bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hoà.
ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu Human Rights Watch (HRW), chỉ trích phiên tòa rằng : “Đưa người dân ra tòa xử chỉ vì phát tán tờ rơi chỉ trích chính phủ là một việc làm lố bịch và biểu hiện sự bất an của chính quyền Việt Nam”.
Chỉ trong năm nay, ít nhất 38 nhà hoạt động mà nhiều người trong số này là các blogger, các nhà báo tự do, đã bị kết án vì các hoạt động bị cho là “chống nhà nước” theo các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia như 79 “âm mưu lật đổ chính quyền” hay 88 “tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Human Rights Watch cho biết sẽ tiếp tục nêu các bản án này ra trước công luận quốc tế để đánh động sự quan tâm hơn nữa của thế giới về tình hình nhân quyền Việt Nam và có hành động thích ứng giữa lúc Hà Nội đang nỗ lực tìm một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc.
Việt Nam ngưng phát các kênh của CNN và BBC
Một điều luật buộc các kênh truyền hình quốc tế phát tại Việt Nam phải dịch nội dung bản tin ra tiếng Việt trước khi được phép phát hình, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/05. Sự kiện này đã khiến một công ty truyền hình vệ tinh ở Việt Nam vừa bị buộc phải ngưng phát hình các kênh truyền hình quốc tế, gồm cả BBC và CNN.
Trong khi đó các hệ thống cable và satellite quan trọng khác vẫn tiếp tục hoạt động như bình thường, gây thêm sự mơ hồ đối với luật lệ và mức độ áp dụng nơi lãnh vực kiểm soát ở Việt Nam.
Chính phủ Mỹ và các nước khác, đặc biệt là các đài truyền thanh truyền hình quốc gia, thúc giục Hà Nội nên bãi bỏ hoặc thay đổi luật này. Luật mới hạn chế về truyền thông đối với các cơ quan quốc tế gây thêm khó khăn cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư của ngoại quốc, vào thời điểm sự tăng trưởng kinh tế của đất nước đang bị chậm lại.
Nhà nước Việt Nam đang gia tăng hạn chế quyền tự do bày tỏ ý kiến về chính trị cũng như tôn giáo, đặc biệt ở trên các trang mạng Internet. Tất cả các kênh tin tức quốc tế hiện được truyền vào Việt Nam chậm đi nửa giờ, để nếu cần, chính phủ có đủ thời gian ngăn chận những thông tin nhạy cảm.
Miền Trung Việt Nam nóng tới 41 độ C
Nắng nóng dữ dội hai ngày qua tại Việt Nam hầu như làm đảo lộn tất cả mọi sinh hoạt bình thường của người dân.
Báo Tuổi Trẻ cho biết, dưới sức nóng lên tới 41 độ C, tương đương 106 độ F, người dân các vùng biển miền Trung đổ xô ra biển để tìm chút gió mát. Tại Quảng Trị hôm 16 Tháng Năm, nhiều người nói đó là đợt nắng nóng khủng khiếp nhất và kéo dài nhất tại đây tính từ đầu năm 2013. Người ta thấy nhiều nhóm học sinh rủ nhau chui vào gầm cầu xe lửa, thay vì đi chơi lang thang đầu mùa hè, chỉ vì nóng quá.
Tại thành phố Huế chiều ngày 16 Tháng Năm, theo báo Tuổi Trẻ, sức nóng 39 độ C làm mặt đường chảy nhựa, bốc hơi khét. Bệnh mùa nóng hoành hành làm trẻ em Huế nhập viện ồ ạt. Tính trung bình mỗi ngày khoảng 350 trẻ bị sốt, chảy máu cam… được người nhà đưa vào bệnh viện, tăng 50% so với những ngày bình thường trước đó. Chỉ trong mấy ngày nắng, các ao hồ, suối… ở Quảng Ngãi hầu như khô cạn.
Tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc cũng nóng gay gắt, trên 39 độ C.
Theo Trung Tâm Khí Tượng Trung Ương, cơn nắng nóng có thể lên cao kỷ lục: 45 độ C, tương đương 112 độ F.
Xưởng giày ở Campuchia bị sập, ít nhất 6 người thiệt mạng
Tin vừa nhận được cho biết một xưởng giày ở tỉnh Kampong Speu, Campuchia, tên Wing Star bị sập trần nhà bằng xi măng đã gây tử vong cho ít nhất 6 người và nhiều người khác bị thương. Cảnh sát cho biết nhiều phần trần nhà bị sập vì tầng ở trên chứa quá nhiều đồ nặng. Ít nhất là 2 tử thi đã được lôi ra khỏi đống gạch đá và người ta tin là còn hơn 50 người nữa còn đang bị kẹt dưới gạch và xi măng.
Tai nạn này khiến người ta nghĩ ngay tới tai nạn khủng khiếp gấp nhiều lần mới xẩy ra vào ngày 24/4 vừa qua, cách đây chỉ mới hơn 3 tuần lễ, tại một hãng sản xuất quần áo ở Bangladesh. Những tin tức được đưa ra trong mấy ngày đầu sau khi tai nạn xẩy ra chỉ cho thấy có khoảng hơn 300 người thiệt mạng, nhưng cuối cùng thì số người thiệt mạng vì vụ sập hãng may quần áo cao 8 tầng này đã lên hơn 1.127 người không kể vô số người khác bị thương. Nhiều chủ nhân của hãng quần áo này đã bị tống giam và chính phủ Bangladesh đang tiến hành điều tra nội vụ.
Tất cả những tai nạn gây chết người khủng khiếp này đến từ 2 nguyên nhân chính, là tham nhũng, là ăn chận, rút ruột, ăn cắp vật liệu trong các công trình xây cất, và thái độ vô trách nhiệm của những giới chức liên hệ bất kể sự an toàn cho người dân.
Ở Việt Nam, nhiều vụ sập nhà, sập xưởng, sập cầu đã xẩy ra là bằng chứng của những việc làm tắc trách nói trên. Một trong những mối nguy to lớn hiện đang đe dọa sinh mạng của hàng ngàn người dân là tình trạng của Đập Sông Tranh 2, không biết sẽ vỡ lúc nào, mà hiện giờ không thấy nhà nước CSVN tỏ ra quan tâm hay đưa ra được giải pháp nào thỏa đáng.
Châu Âu cũng tràn ngập các sản phẩm nguy hiểm của Trung Quốc
Theo bản tổng kết Rapex của Ủy ban châu Âu, hơn 58% sản phẩm không phải là thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc được cho là quá nguy hiểm cho người tiêu dùng trong khu vực. Điều đáng ngại là số lượng các mặt hàng nguy hại này du nhập vào châu Âu đã tăng lên nhiều trong năm 2012.
Ủy ban châu Âu đã cho trưng bày trong các lối đi ngay trong trụ sở tại Bruxelles các sản phẩm nguy hiểm của Trung Quốc hôm 15/05 giống như là một viện bảo tàng cho các loại sản phẩm kinh hãi. Đó cũng chính là bộ sưu tập gồm 2.278 mặt hàng nguy hiểm được tìm thấy và được báo động trên các thị trường châu Âu như mũ bảo hiểm cho người đi xe đạp chỉ cần một cú đấm nhẹ là có thể bể làm đôi, ổ cắm điện nối dài có thể phát hỏa, phao tắm cho trẻ nhỏ có thể hãm trẻ dưới nước ngay khi đứa bé xoay mình, hay như các dây áo quần có thể trở thành nút thắt trên cổ một bé gái và còn nhiều món đồ khác nữa…
Hàng năm Ủy ban châu Âu đưa ra bản tổng kết từ hệ thống Rapex, một hệ thống cho phép xác định và rút ra khỏi thị trường các sản phẩm không thuộc loại mặt hàng dinh dưỡng được đánh giá là nguy hiểm.
Để trấn an người tiêu thụ trong khu vực, Bruxelles vẫn thường xuyên báo động đến các nhà sản xuất Trung Quốc ngay khi phát hiện có vấn đề. Thế nhưng, theo một nguồn tin từ Ủy ban châu Âu thì phía Trung Quốc thường xuyên phủi bỏ trách nhiệm. Họ lập luận rằng Trung Quốc chỉ là công xưởng gia công cho các tập đoàn lớn của châu Âu. Và những tập đoàn đó còn chịu trách nhiệm về mặt thiết kế.