Việt Nam đứng gần chót bảng vì ngân sách không minh bạch
Ngân sách nhà nước CSVN bị tổ chức khảo sát về chỉ số tính công khai minh bạch của ngân sách các quốc gia OBI (Open Budget Index) xếp hạng rất thấp, tức nằm trong số những nước che đậy về các chi tiêu thật của quốc gia.
Theo bản công bố của OBI dựa trên các tiêu chuẩn do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và nhiều tổ chức quốc tế đề nghị, chỉ số về sự công khai ngân sách của Việt Nam chỉ được 19 điểm trên 100 điểm trong khi điểm trung bình của nhiều nước trên thế giới được khảo sát là 43 điểm. Trong số các tiêu chí chính mà OBI dùng để đánh giá, ba hạng mục khiến Việt Nam mất điểm là kế hoạch chi tiêu ngân sách của nhà nước chỉ được công bố nội bộ, và không đưa ra báo cáo tài chính giữa năm và báo cáo chi tiêu ngân sách cho công dân.
Báo cáo phân tích, trong số 100 nước thực hiện khảo sát ngân sách, Việt Nam đứng ở vị trí cực kỳ thấp, kể cả so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và cả Đông Timor. Điểm số này cho thấy lãnh đạo Việt Nam cung cấp thông tin ít ỏi tới công dân về ngân sách quốc gia và các hoạt động tài chính trong mỗi năm. Điều này khiến cho người dân khó tin vào cách quản lý ngân sách chung của nhà nước. Các nước trong khu vực đứng sau Việt Nam gồm có :
Campuchia được 15 điểm, và Trung Quốc gần chót bảng với 11 điểm. Đối tác Ngân sách Quốc tế đưa ra năm điểm gợi ý cho Việt Nam nhằm cải thiện điểm số OBI, mà lời khuyên đầu tiên là công bố rộng rãi kế hoạch chi tiêu ngân sách của nhà nước, thay vì chỉ thông báo trong nội bộ. Theo tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế khảo sát ở Việt Nam được thực hiện trong vòng 18 tháng từ tháng 07/2011 tới tháng 12/2012, với sự tham gia của xấp xỉ 400 chuyên gia và cũng đã được gửi tới chính phủ Việt Nam để tham khảo. IBP là tổ chức chuyên theo dõi ngân sách các quốc gia, với mục tiêu đảm bảo ngân sách nhà nước đáp ứng được nhu cầu của người dân có thu nhập thấp và nghèo trong xã hội, và theo đó, khiến cho hệ thống ngân sách được minh bạch và đáng tin cậy hơn cho dân chúng.
Những cảnh báo về dự án Bauxite đang trở thành sự thật
Trong những ngày qua, truyền thông Việt Nam đang đặt lại vấn đề về tính khả thi của dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, sau khi có ý kiến nói dự án cần dừng lại khi các cảnh báo của giới khoa học gần đây tỏ ra ngày càng đúng.
Tờ Dân trí tuần này dẫn lời một quan chức thuộc Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), ông Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ mong muốn nhà nước cho dừng ngay dự án khai thác vì lý do môi trường và hiệu quả kinh tế, ông nói: Cảnh báo của các nhà khoa học về dự án Bôxít ở Tây Nguyên đang dần đúng. Dự án vẫn được thải bằng công nghệ rẻ tiền, nhiều rủi ro… Đầu tuần này, một loạt các báo như Dân trí, Thanh niên, Tuổi trẻ, Người lao động… và truyền thông mạng đã có các bài vở phản ánh các hệ lụy của việc dừng Dự án cảng Kê Gà, một mắt xích liên quan tới các dự án khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên vốn được cho là đầy tham vọng và có nhiều tranh cãi.
Nhiều bài báo phân tích những điều được cho là sai lầm nghiêm trọng của Chính phủ, Bộ Công thương hay Tập đoàn Vinacomin trong việc mà trang Bauxite Việt Nam chỉ trích các dự án bauxite Tân Rai, Nhân Cơ là không cẩn trọng và thiếu trách nhiệm. Từ hôm 19/2, trong một diễn biến gây chú ý, truyền thông Việt Nam đưa tin ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi làm việc với tỉnh Bình Thuận, đã chính thức tuyên bố dừng Dự án xây dựng cảng Kê Gà mà chính ông đã phê duyệt vào năm 2007.
Xin nhắc lại, những năm gần đây, được biết, giới khoa học và nhiều nhân sỹ, công dân, kiều bào Việt Nam ở trong và ngoài nước, đã nhiều lần bày tỏ ý kiến về tính khả thi của dự án Bauxite ở Tây Nguyên, quan ngại về dự án này cả về phương diện kinh tế, môi trường, lẫn an ninh quốc phòng, nhưng giới lãnh đạo Hà Nội vẫn làm ngơ.
Ô mai Trung Quốc chứa hóa chất bán đầy cổng trường
Giới phụ huynh học sinh ở Hà Nội đang phát hoảng vì sự xuất hiện của một loại ô mai “nhìn phát thèm” trước các cổng trường ngay sau ngày Tết.
Báo mạng Pháp Luật & Xã Hội cho biết, rất nhiều người bán hàng trước cổng các trường tiểu học, trung học ở Hà Nội đã không ngần ngại tung nhiều loại kẹo bánh nhằm mục đích moi tiền của các học sinh tuổi nhỏ. Trong số này, người ta thấy có một loại ô mai màu vàng sậm, có vị chua chua, ngọt ngọt, đựng trong bao bì nhìn rất đẹp mắt, trông giống các bao lì xì cho trẻ trong mùa Tết.
Trong các đợt kiểm soát phẩm chất thực phẩm được bày bán ở các chợ thời gian qua, ô mai xuất xứ Trung Quốc được đưa vào danh sách các loại thực phẩm có sử dụng hóa chất. Cuộc kiểm nghiệm của Tổ chức An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm Việt Nam xác định ô mai có chứa chì, đường hóa học Cylamate độc hại cho sức khỏe của con người.
Dư luận cho rằng trong khi giới tiểu thương cố sức làm đủ cách để đưa các loại thực phẩm độc hại đến với giới học sinh tuổi nhỏ, chính quyền Hà Nội lại tỏ thái độ bất cần : “Sống chết mặc bây.”
Trung Quốc công bố danh sách “làng ung thư”
Báo cáo ngày 20/2 của Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đã gây rúng động dư luận khi công bố danh sách 247 “làng ung thư” ở 27 tỉnh, thành phố, khu vực, chủ yếu ở vùng ven biển Hoa Đông, Hoa Trung và Hoa Nam tính đến năm 2009.
Báo cáo đi kèm với “kế hoạch 5 năm phòng chống và bảo vệ môi trường” của Bộ đã thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang diễn ra trên khắp Trung Quốc. Vành đai ô nhiễm và các “làng ung thư” từ khu vực ven biển lấn sâu vào nội địa đã khiến số người chết vì ung thư vượt quá 1,4 triệu và tỷ lệ sông ngòi bị ô nhiễm lên tới 40%. Trong đó, tỉnh Quảng Đông đang dẫn đầu cả nước với 25 làng ô nhiễm.
Tân Hoa Xã còn cho rằng, nếu số “làng ung thư” tính đến năm 2009 là 247 thì con số thực tế tính tới thời điểm hiện tại chắc chắn đã lên trên 400.
Đây là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc thừa nhận sự tồn tại của thuật ngữ “làng ung thư” – một cụm từ phổ biến từ năm 1998 chỉ các ngôi làng gần khu vực kinh tế phát triển, có nhiều nhà máy sản xuất chế biến nhưng sông ngòi và đất đai lại bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mỗi năm, tại Trung Quốc xảy ra 1.700 sự cố gây ô nhiễm môi trường. 3.000 trong tổng số 40.000 loại hóa chất được sản xuất và sử dụng phổ biến tại quốc gia này đều nằm trong danh sách những hóa chất nguy hiểm nhất. Trong tổng số 100 con sông chảy qua Bắc Kinh, chỉ có 2, hoặc 3 con sông đủ chất lượng để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân. Nhiều hóa chất độc hại đã được tìm thấy trong ao hồ, sông ngòi, vùng ven biển, trong cơ thể động vật và cơ thể người.