Gia đình 14 thanh niên yêu nước yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho con em
Phiên tòa xét xử 14 thanh niên Công Giáo và Tin Lành tại thành phố Vinh, Nghệ An vào hai ngày 8 và 9 tháng 1 năm 2013, về tội âm mưu lật đổ chế độ (điều 79 Luật hình sự) theo sự dàn dựng phi lý và phi pháp của công an, đã kết án quá nặng với mức án lên đến trên 100 năm bao gồm những năm tù giam và quản chế sau khi mãn tù, tạo ra một sự phẫn nỗ rất lớn trong dư luận Việt Nam và Quốc tế. Đặc biệt rất đông quý Linh Mục và bà con Giáo dân tại hầu hết các giáo xứ thuộc tỉnh Nghệ An đều lên tiếng phản đối và không chấp nhận bản án.
Gia đình của 14 thanh niên yêu nước đều tin tưởng là con em họ không làm điều gì sai và vô tội. Họ tiếp tục đi tìm công lý cho con em của mình bằng cách kêu gọi bà con khắp nơi tham gia ký tên vào Bản Lên Tiếng để yêu cầu nhà cầm quyền CSVN trả tự do 14 thanh niên yêu nước vô điều kiện.
Để chuẩn bị cho cuộc vận động này, trong thời gian qua, gia đình của 14 thanh niên yêu nước đã tiếp xúc trình bày nguyện vọng này với một số vị Linh Mục tại các giáo xứ ở Nghệ An, các vị lãnh đạo Phật Giáo Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo, Tin Lành và một số nhà dân chủ để hỗ trợ.
Bản Lên Tiếng nhấn mạnh đến việc phản đối và phủ nhận bản án vừa được áp đặt đối với 14 thanh niên yêu nước. Đồng thời yêu cầu nhà nước CSVN trả tự do cho những người yêu nước đang bị bắt giữ về những tội danh gán ghép vô lý dựa trên công cụ là điều luật 79 và 88 của Bộ Luật Hình Sự, hai điều luật mơ hồ này đã đi ngược lại tinh thần của hiến pháp Việt Nam.
Khi Bản Lên Tiếng chính thức công bố hôm 26/01, gia đình 14 thanh niên yêu nước đã nhận được sự ủng hộ đầu tiên của 31 Linh Mục thuộc các giáo xứ tại Nghệ An, quý hòa thượng, hội trưởng, linh mục, mục sư, nhà hoạt động dân chủ và các thân nhân. Và tính đến hôm nay đã có gần 500 người ký tên ủng hộ.
– Người Việt dùng nhiều hình thức để bày tỏ sự chống đối Trung Quốc
Trong lúc đối mặt với sự hạn chế ngày càng tăng của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đối với tự do ngôn luận, những người biểu tình chống Trung Cộng đang tìm kiếm nhiều phương thức khác nhau để bày tỏ quan điểm của mình. Trong lúc các tin tức về áo ngực độc và táo độc của Trung Cộng tràn ngập trên các cơ quan truyền thông ở Việt Nam, nhiều người đã tránh không mua các mặt hàng do Trung Cộng sản xuất. Tuy nhiên một số người đã nâng việc này lên một mức cao hơn và đang dùng sự lựa chọn của người tiêu thụ như một cách để bày tỏ quan điểm chính trị.
Ông Paulo Nguyễn Thành quản lý trang mạng ’No China Shop’ để các nhà sản xuất có uy tín ở địa phương rao bán nhiều loại sản phẩm làm trong nước, từ bóp xách tay cho tới rau trái hữu cơ. Ông Thành cho biết ông có hai loại khách hàng: những người quan tâm tới ảnh hưởng của các mặt hàng kém chất lượng và những người muốn bày tỏ lòng yêu nước.
Ông Thành nói rằng trang mạng độc đáo này được nhiều người ưa chuộng và chỉ trong hai ngày trang này đã bán được khoảng 4.000 sản phẩm. Một trong những mặt hàng mới nhất được bán trên trang mạng này là phong bao lì xì. Bên cạnh những lời chúc truyền thống, phong bao này còn in bản đồ Việt Nam với hàng chữ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Phong trào tẩy chay hàng Trung Cộng hồi gần đây một phần là phát xuất từ chính sách ngoại giao hung hãn của Bắc Kinh. Trong vài tháng qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giữ những người biểu tình tại một cuộc mít tinh chống Trung Cộng, bỏ tù 13 nhà hoạt động Thiên chúa giáo và bắt giam luật sư Lê Quốc Quân là một nhà tranh đấu nhân quyền nổi tiếng. Những hành động vừa kể được một số người xem là nằm trong chiến dịch đàn áp tự do ngôn luận.
Bất chấp các áp lực từ nhà cầm quyền, nhiều người ở Việt Nam có phần chắc sẽ tiếp tục tìm kiếm những phương thức có tính chất sáng tạo để bày tỏ quan điểm của mình.
Trong hoàn cảnh bị nhiều hạn chế như vậy, tiêu thụ là một cách để người dân Việt Nam bày tỏ quan điểm của mình, cho thấy những bất đồng và sự bất mãn đối với chính sách về Trung Cộng bên trong Việt Nam.
– Việt Nam Xử 22 người bị buộc tội « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền »
Vào ngày 28/01/2013, Tòa án hình sự Phú Yên bắt đầu phiên sơ thẩm với ông Phan Văn Thu và nhóm 21 người mà công an Việt Nam cho là đã tổ chức ra ’Hội đồng công luật công án Bia Sơn’ nhằm ’lật đổ chính quyền’.
Tư pháp Việt Nam cũng cáo buộc tổ chức kể trên « vu khống, nói xấu chế độ hiện tại, ca ngợi chủ thuyết công bản để tuyên truyền mê hoặc một bộ phận quần chúng nhân dân (…) làm phai nhạt niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước… ».Được biết phiên tòa sẽ diễn ra trong năm ngày liền.
Theo truyền thông chính thức trong nước, phiên tòa vừa khai mạc không hề nhắc đến sự tham gia của luật sư.
Xin nhắc lại, cách đây gần một năm, ngày 05/02/2012, công an tỉnh Phú Yên đã bất ngờ bắt giữ 18 thành viên của nhóm « Hội đồng Công luật công án Bia Sơn » tại Khu du lịch sinh thái Đá Bia, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Sau vụ bắt bớ này, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch, trong khuyến nghị « Đối thoại Úc – Việt Nam về nhân quyền », đã kêu gọi chính quyền Việt Nam « ngay lập tức cho phép tất cả các thành viên của nhóm được tiếp xúc các nguồn hỗ trợ pháp lý và cho phép thân nhân của họ được thăm gặp ».
Vụ án xét xử nhóm « Hội đồng Công luật công án Bia Sơn » lại là một dịp khiến giới bảo vệ nhân quyền lo ngại chính quyền Việt Nam gia tăng đàn áp những người bất đồng chính kiến. Trong năm vừa qua, hàng chục nhà ly khai và bất đồng chính kiến đã bị chính quyền kết án tù. Chỉ riêng đầu tháng 1/2013, 14 người Thiên chúa giáo, đại đa số là thanh niên, đã phải nhận những án tù rất nặng, vì bị buộc tội tham dự các khóa học về « đấu tranh bất bạo động » do đảng Việt Tân tổ chức.