Giá thực phẩm tại Hà Nội tăng cao vì trời giá lạnh
Cơn lạnh kéo dài một tuần tại miền Bắc và dự báo còn kéo dài khiến giá cả lương thực, thực phẩm ngoài chợ Hà Nội tăng bất ngờ. Chủ nhân một sạp rau ở chợ Mễ Trì cho biết cả tuần nay, giá rau xanh tăng mạnh khiến mọi người đi chợ không dám mua rau. Nguồn rau hiếm vì trời lạnh, rau không lên được, đặc biệt là các loại rau xanh có lá như rau cải ngọt, muống, cải cúc. Giá rau xanh tại chợ Mễ Trì Thượng tăng từ 30 đến 50% so với cách đây một tuần.
Các loại củ quả khác cũng tăng giá, trong đó tăng giá mạnh nhất là cà rốt 18 ngàn một ký, dưa chuột 25 ngàn một ký, su hào 8 ngàn một củ. Một chủ vườn rau cải cúc tại Thôn Hạ, xã Mễ Trì cho biết rau cải gieo khoảng một tuần thì gặp trời lạnh không lên được. Nhổ đem bán thì rau còi cọc mà không nhổ thì không biết bao giờ rau mới dài ra. Không chỉ rau xanh tăng giá, trong đợt rét này các loại thịt đều được các tiểu thương tại chợ đều tăng so với tuần trước.
Tại chợ Phùng Khoang Hà Nội, giá mỗi cân thịt heo tăng từ 5 đến 10 ngàn đồng một cân. Giá gà tại chợ Hôm chưa bao giờ tăng nhanh như những ngày qua, chỉ trong vòng một tháng giá gà đã tăng 20% đến 30% tùy từng loại. Ngoài ra các mặt hàng tươi sống khác như : cá, nghêu, mực đều có mức tăng từ : 10 đến 20% so với tuần trước. Từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ còn hơn một tháng, trong khi nhu cầu thực phẩm tăng lên mỗi ngày, chỉ có người nghèo là khổ nhưng những lời ta thán của họ thì không có người nghe.
Báo Việt Nam không dám dùng chữ ’Trung Quốc xâm lược’
34 năm sau, một số báo ở Việt Nam loan tin cải táng liệt sĩ chết trong chiến tranh biên giới với Trung Quốc.
Cần nói thêm, những năm đầu ngay sau cuộc chiến biên giới với Trung Quốc hai tuần lễ bắt đầu từ ngày 17 Tháng Hai 1979 có các hình ảnh, bản tin và các cuộc triển lãm “tội ác” của quân xâm lược Trung Quốc trên hệ thống tuyên truyền của nhà nước. Nhưng suốt một thời gian dài nhất là từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1991, guồng máy tuyên truyền của CSVN hoàn toàn nín lặng.
Năm nay, bỗng dưng có 6 tờ báo, trong đó có cả tờ Nhân Dân (cơ quan tuyên truyền chính thức của đảng CSVN) đưa tin cải táng hài cốt của “anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Chinh” từ một nghĩa trang ở tỉnh Lạng Sơn đưa về nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng ở tỉnh Thanh Hóa, quê nhà, chôn cất.
Nội dung các bản tin cải táng hài cốt Lê Đình Chinh có những nét chính rất giống nhau có vẻ như dựa theo một nguồn cung cấp phần căn bản. Các chi tiết riêng không bao nhiêu khác nhau nhưng có điều lạ là cách gọi tên “kẻ xâm lược”.
Vì mắc kẹt cái “16 chữ vàng” và cái “4 tốt”, hệ thống báo chí truyền thông của nhà cầm quyền CSVN không được viết lách hay đụng chạm một điều gì làm Bắc Kinh tức giận. Nên các tờ báo Tiền Phong và Nhân Dân chỉ nói trống không là “quân xâm lược” chứ không dám nói thẳng là quân Trung Quốc xâm lược.
Chỉ có tờ Thanh Niên nói Lê Đình Chinh “đã hy sinh tại biên giới phía Bắc khi đang chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Quốc”.
Được biết, một số nhà báo ở trong nước đến thăm các nghĩa trang liệt sĩ chết trong cuộc chiến biên giới nhưng chỉ viết trên những blogs riêng. Báo chí chính thống của Việt Nam coi đây là đề tài nhạy cảm phải tự tránh né để khỏi nhận lấy tai vạ.
Nhà siêu mỏng xây trái phép đều của cán bộ
Một phúc trình mới nhất của Hà Nội cho biết, có đến 142 cán bộ, công chức nhà nước thành phố này vi phạm luật xây dựng.
Một danh sách dài ghi nhận các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội, nhiều nhất là tệ trạng xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo, vi phạm quy định xây dựng, cho thấy, phần lớn các chủ nhà đều là cán bộ nhà nước. Tổng cộng, có đến 142 “vị” chủ sở hữu các “công trình vi phạm trật tự xây dựng” là công chức, cán bộ.
Một trong những vi phạm thường gặp nhất là lấn chiếm đất đai trong tổng cộng 788 trường hợp vi phạm pháp luật xây dựng.
Phúc trình này cũng cho hay, hầu như các quận thuộc thành phố Hà Nội đều có nạn xây dựng trái phép, từ Quốc Oai, Hoài Đức, Phú Xuyên, Ba Đình, Thanh Xuân, Thường Tín… Riêng trong lĩnh vực xây dựng loại nhà siêu mỏng mà pháp luật ngăn cấm, phúc trình trên nói có đến gần 600 trường hợp. Tuy nhiên việc “xử lý” các chủ nhà cán bộ vi phạm luật xây dựng còn quá chậm.