Năm 2016, khi chính phủ Việt Nam công bố quyết định cắt giảm việc sử dụng than trong kế hoạch năng lượng tương lai của mình, là do các thành viên cấp cao của nhà nước đã nghe theo lời khuyên của một trong những nhà hoạt động bảo vệ môi trường nổi tiếng của đất nước, bà Ngụy Thị Khanh.
Bà Khanh nêu ra các kế hoạch thay đổi và kêu gọi chính quyền hành động. Bà nói rằng họ phải cắt giảm mức 30.000 megawatt điện than – tương đương với công suất của tất cả các nhà máy than ở Texas và Pennsylvania. Mọi sự vận động đã đi được nửa chặng đường, giới quan chức Việt Nam đồng ý giảm ở con số 20.000 megawatt.
Đó là một chiến thắng lớn chưa từng có, đối với các nhà bảo vệ môi trường của Việt Nam. Nhưng thật bất ngờ hôm 17 Tháng Sáu, bà Ngụy Thị Khanh, 46 tuổi, bị chính quyền Việt Nam kết tội trốn thuế và bị kết án hai năm tù. Bản án gây nhiều tranh cãi trong giới hoạt động xã hội, và theo những người biết rõ về bản án này, trường hợp của bà Khanh đã gây chấn động sợ hãi cho những người tin rằng mình chỉ vận động cho môi trường, chứ không liên quan gì về chính trị ở Việt Nam.
Tở New York Times nhận định rằng, với cách trình bày nhẹ nhàng và tự tin, bà Khanh đưa ra các báo cáo thuyết phục, đánh giá những rủi ro đối với Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nếu như cứ tiếp tục dựa vào điện than. Bà đã đi khắp đất nước, sử dụng khoa học và số liệu thống kê để thuyết phục công chúng và làm lung lay các quan chức địa phương.
Bà Ngụy Thị Khanh cũng tổ chức các chiến dịch và vận động cộng đồng, đặc biệt là trong giới trẻ, cùng tham gia ủng hộ môi trường. Đây chính là những hoạt động bị coi là mối đe dọa đối với nhà nước độc đảng, vốn từ lâu đã không dung thứ cho những tập hợp bất đồng chính kiến nói chung.
Nhiều nhà bảo vệ môi trường cho rằng việc truy tố bà Ngụy Thị Khanh, cũng như với các nhà hoạt động khác, đã đặt ra câu hỏi về cam kết của Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp quốc ở Glasgow năm ngoái, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố sẽ loại bỏ điện than vào năm 2040. Dĩ nhiên, đó là một phát biểu rất rộn ràng, vì nếu có thật, đó là một sự phát triển đáng kể. Việt Nam hiện nay là đất nước có 99 triệu dân, là nước tiêu thụ than lớn thứ 9 trên toàn cầu.
Michael Sutton, giám đốc điều hành của Quỹ Môi trường Goldman, người đã viết thư cho đại sứ của Việt Nam tại Washington và kêu gọi trả tự do cho bà Ngụy Thị Khanh cho biết: “bản án cho bà Khanh hoàn toàn vô lý”.
“Bà ta đã làm mọi thứ để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của riêng mình và làm cho đất nước có hình ảnh tốt trên trường quốc tế”, ông Michael Sutton nói thêm, “Chúng tôi lo ngại về điều này hoàn toàn đi ngược với tương lai về năng lượng mà nhà cầm quyền Việt Nam đã nêu”.
Những người khác xem trường hợp này phản ánh một xu hướng đáng lo ngại.
“Đây là một tín hiệu rất mạnh mẽ từ Đảng Cộng sản rằng họ sẵn sàng đi xa hơn nữa để kiểm soát xã hội dân sự,” ông Trịnh Hữu Long, đồng Giám đốc Sáng kiến Pháp lý cho Việt Nam, có trụ sở tại Đài Loan, cho biết. “Và họ sẽ không chấp nhận những lời chỉ trích dù chỉ là nhẹ.”
Trước khi có sự vận động của bà Khanh, Việt Nam có rất ít năng lượng tái tạo. Nhưng nhận thức ngày càng tăng về chi phí y tế với việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã thúc đẩy chính phủ sử dụng năng lượng mặt trời. Nhiều chính quyền địa phương đã đề nghị miễn giảm thuế và các mức thuế hấp dẫn để khuyến khích đầu tư. Mọi thứ có vẻ khởi sắc. Việt Nam trở thành quốc gia có công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió lớn nhất Đông Nam Á.
Nhưng tin từ nội bộ của chính quyền CSVN cho biết nhiều quan chức đã chống lại năng lượng tái tạo. Trong một số dự thảo kế hoạch, các suy nghĩ của Hà Nội cho thấy rằng họ muốn khăng khăng tiếp tục phụ thuộc vào điện than. Nhiều quan chức phản bác, nói rằng họ lo ngại việc loại bỏ than đá của đất nước có thể gây tổn hại cho nền kinh tế, và rằng năng lượng tái tạo có thể là một cách tốn kém và không đáng tin cậy để cung cấp năng lượng cho đất nước.
Rõ ràng, việc đối xử với bà Ngụy Thị Khanh bằng các cáo buộc ngụy tạo và gán ghép, đã làm sáng tỏ cách tiếp cận đầy mâu thuẫn của chính phủ Việt Nam trong việc tuyên bố bảo vệ môi trường và các tranh cãi nội bộ của các quan chức cộng sản. Đối mặt với sự giận dữ ngày càng tăng của công chúng về ô nhiễm không khí và sự cố tràn hóa chất, chính phủ đã tạm cho phép các nhóm vận động bảo vệ môi trường và chấp nhận các cuộc biểu tình hạn chế, nhưng luôn có sẳn các kế hoạch để bóp chết.
Nhiều nhận định, các hệ thống điện than ở Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ Trung Quốc, mất các dự án, cũng là mất các phần tiền hoa hồng béo bở và mất cả mối quan hệ chiến lược. Theo dữ liệu từ Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM). Tổ chức này cũng cho biết tính đến tháng 9/2021, Việt Nam là nước nhận đầu tư điện than từ Trung Quốc lớn thứ tư với tổng giá trị 5,6 tỷ USD.
Đứng sau Trung Quốc, có Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tham gia các dự án xây dựng các nhà máy điện than ở Việt Nam. Tuy nhiên dựa trên các các cam kết với thế giới về phát triển năng lượng sạch. Đầu năm nay, các quan chức cấp cao như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, thống đốc Nhật Bản JBIC Maeda Tadashi, đã đưa ra tuyên bố sẽ ngừng tài trợ vốn cho các dự án điện than mới ở nước ngoài. Các công ty công ty thương mại và ngân hàng ở Nhật Bản đã bắt đầu rút khỏi lĩnh vực than, bao gồm Daiichi Life Insurance, Sumitomo Mitsui Financial Group, Marubeni Corporation, Mitsui &Co., và Mitsubishi Corporation. Các tổ chức tài chính tư nhân và công ty của Hàn Quốc cũng đã tuyên bố chấm dứt ủng hộ các dự án điện ở nước ngoài, bao gồm KB Financial Group, Shinhan, KEB Hana và Samsung./.
Leave a Comment