Quảng Cáo

Thấy gì từ việc CSVN liên tục bắt giữ các nhà hoạt động môi trường?

Quảng Cáo

Tùng Phong (SGN)

Trước chuyến công du của Tổng thống Joe Biden tới Hà Nội, chính quyền Việt Nam đã chấp nhận để luật sư Võ An Đôn và một giáo dân xứ Cồn Dầu được sang Hoa Kỳ theo chương trình tị nạn Priority 1.

Ngoài ra, một người đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo là nhà hoạt động Nguyễn Bắc Truyển và nhà báo Mai Phan Lợi cũng được thả trước thời hạn và tị nạn ở Đức. Đây là một thao tác chính trị quen thuộc của Hà Nội trong những cuộc “mặc cả” chính trị lẫn kinh tế với Washington.

Tuy nhiên, ngay sau kết thúc chuyến thăm của Tổng thống Biden, công an Việt Nam đã bắt giữ nhà hoạt động môi trường Ngô Thị Tố Nhiên – Giám đốc điều hành Tổ chức Sáng kiến về chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIETSE) vào ngày 15 Tháng Chín.

Điều đáng chú ý, bà Nhiên là kỹ sư hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh, đang làm việc với Liên Hiệp Quốc giúp Việt Nam thực hiện cam kết thỏa thuận về Đối tác Chuyển đổi Năng lượng (JETP) mà Việt Nam vừa đạt được hồi cuối năm ngoái với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Đan Mạch và Na Uy. Theo thỏa thuận này, các nước trong nhóm IPG sẽ giúp Việt Nam $15 tỷ để chuyển đổi năng lượng bền vững từ điện than sang nguồn năng lượng bền vững.

Trước bà Nhiên, năm nhà hoạt động môi trường khác bị bắt và kết tội “trốn thuế” – một tội danh mơ hồ mà đối với pháp luật Việt Nam thì ai cũng đều mắc phải; trong đó có hai nhà hoạt động môi trường nữ rất nổi bật, có tầm ảnh hưởng không chỉ trong nước mà cả quốc tế là bà Hoàng Thị Minh Hồng và Ngụỵ Thụy Khanh.

Các nhà hoạt động môi trường này đều là chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, chuyển đổi năng lượng bền vững, bảo vệ động vật hoang dã và môi sinh. Họ là CEO và sáng lập các tổ chức phi chính phủ (NGO) có kinh nghiệm hợp tác với các tổ chức như Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế. Việc bắt giữ và kết tội những trí thức này bởi những tội danh tùy tiện như “trốn thuế” rõ ràng có mục đích chính trị nhằm cản trở việc thay đổi các chính sách về năng lượng và môi trường của Việt Nam vốn đã lỗi thời.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao một mặt giới chóp bu chính quyền cộng sản Việt Nam cố gắng xin xỏ các nước phát triển hỗ trợ về vốn và kỹ thuật trong vấn để chuyển đổi năng lượng bền vững nhằm bớt phụ thuộc vào điện than và đảm bảo an ninh năng lượng vốn đang rất dễ bị tổn thương, một mặt lại bắt giữ các CEO và những nhà sáng lập các tổ chức đang thực hiện các chương trình này cho Việt Nam? Đây rõ ràng là một động tác “lấy đá ghè chân mình”. Tại sao lại có chuyện “trên trải thảm, dưới rải đinh” hay có uẩn khúc gì khác?

Một số ý kiến cho rằng có thể là mâu thuẫn trong nội bộ chính trị Việt Nam. Mặc dù là chế độ độc đảng nhưng trên thực tế có rất nhiều phe phái và băng nhóm lợi ích nhóm trong hệ thống công quyền Việt Nam. Các nhóm lợi ích này tranh giành lợi ích kinh tế, quyền lực và khuynh loát chính sách phát triển quốc gia.

Việc chuyển đổi năng lượng bền vững là một vấn đề chiến lược và không chỉ liên quan đến an ninh năng lượng mà còn là yêu cầu và tiêu chuẩn thương mại quốc tế – điều mà các doanh nghiệp da giày, may mặc Việt Nam đang đối mặt với việc thiếu đơn hàng không chỉ do yếu tố cầu thị trường giảm mà lý do chính là không kịp chuyển đổi năng lượng xanh.

Nhưng hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là hai cơ quan quản lý nhà nước nắm giữ lĩnh vực này. Không những trì hoãn việc mua điện từ các dự án điện gió, năng lượng Mặt trời khiến nhiều doanh nghiệp điện gió, điện Mặt trời đối diện nguy cơ phá sản mà thậm chí hai cơ quan này tiếp tục các dự án điện than và phá rừng tự nhiên cho các công trình thủy điện. Điện than và thủy điện vẫn là những nguồn lợi béo bở cho quan chức.

Là người từng thành lập và phụ trách một tổ chức nghiên cứu có chức năng phản biện các chính sách kinh tế xã hội thuộc VUSTA – Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam, trực thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, cá nhân tôi thấy một số khía cạnh khác.

Các tổ chức như CHANGE của bà Hoàng Thị Minh Hồng, Trung Tâm Phát triển và Sáng Tạo Xanh GreenID của bà Ngụy Thụy Khanh hay VIETSE của bà Ngô Thị Tố Nhiên đều đang hoạt động với một khung pháp lý rất yếu. Các tổ chức này mặc dù là tổ chức phi lợi nhuận, định hướng phục vụ cộng đồng, hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, truyền thông, tư vấn khoa học kỹ thuật, song các qui định nhà nước đối với các tổ chức như thế này hiện nay không rõ ràng.

Qui định kế toán đối với các hoạt động phát sinh doanh thu từ những hoạt động hợp tác, nhận viện trợ, giải thưởng quốc tế, dự án cộng đồng, tư vấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật… đều chưa cụ thể, không giống như với doanh nghiệp thông thường. Trong khi đó, đầu tư, chi phí bộ máy, các hoạt động thiện nguyện, chương trình giáo dục cộng đồng… thì không được ghi nhận hay đưa vào hạch toán. Nó rất dễ khiến cho các tổ chức này bị cơ quan thuế xét hỏi và gây khó dễ cũng như khó khăn cho việc quản lý và hạch toán các hoạt động khoa học kỹ thuật và giáo dục.

Đối với GreenID của bà Ngụy Thụy Khanh là một ví dụ điển hình. Tổ chức do bà sáng lập là một trong những tổ chức hiệu quả và có nhiều thành tích nhất của VUSTA – Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, qui định chức năng được ghi trong giấy phép hoạt động khoa học kỹ thuật của GreenID – dù hoàn toàn hợp pháp – nhưng không có giá trị gì với các cơ quan thuế hay với một viên chức thuộc ngành an ninh muốn có thành tích về “bảo vệ an ninh chính trị”.

Tư duy phổ biến họ là “thế lực thù địch” – khi đề cập đến tất cả cá nhân, tổ chức dính dáng khái niệm “độc lập”, nằm ngoài hệ thống do nhà nước kiểm soát, dám nêu ý kiến phản biện về chính sách xã hội, môi trường, kinh tế, năng lượng… – là rất phổ biến trong não trạng những kẻ cầm quyền nói chung từ trung ương xuống địa phương, khiến cho các tổ chức hoạt động khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, những NGO không thể hoạt động bình thường chứ đừng nói có cơ hội phát triển.

Bản thân cơ quan chủ quản VUSTA cũng không hướng dẫn, kiểm tra và tư vấn cho các đơn vị hoạt động khoa học kỹ thuật theo qui định nhà nước nào cho đúng. Ngoài việc thu phí thành viên với mức phí cao hơn thuế môn bài doanh nghiệp khá nhiều, VUSTA, về thực chất, không có sự hỗ trợ phát triển cho các thành viên. Khi một đơn vị xuất sắc dành nhiều giải thưởng quốc tế như GreenID bị vướng vòng lao lý, VUSTA không có một ý kiến chính đáng nào để bảo vệ thành viên tích cực nhất của mình và né tránh trách nhiệm là cơ quan chủ quản.

Trong khi hô hào xây dựng thúc đẩy sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số, khởi nghiệp… nhưng giới chức Việt Nam không sẵn sàng tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa tư nhân và nhà nước. Một mâu thuẫn thường trực khác xuất phát từ “văn hóa phong bì” ở Việt Nam. Các tổ chức độc lập và nghiên cứu khoa học kỹ thuật như đã nêu trên phần lớn là những đơn vị quen với cách làm việc minh bạch với nước ngoài. Các CEO sáng lập đều là những người từng làm điều phối viên các dự án quốc tế và họ rất dị ứng với việc phải chi phần trăm cho cơ quan thuế hay cơ quan quản lý nhà nước.

Bản thân cá nhân tôi từng kinh qua việc quản lý một số dự án khoa học cấp bộ, tôi rất rõ việc phải chung chi qua từng cấp lãnh đạo Bộ, Cục, Vụ, Viện, kho bạc, tài chính… và người đứng tên dự án. Chi phí thực sự chi cho một dự án khoa học quả thực rất ít ỏi, chưa tới 30%; phần còn lại là “chung chi” cho việc “bôi trơn”. Thậm chí một số dự án khoa học cấp sở và viện đã được ngụy tạo 100% số liệu. Đó là một trong những lý do mà gần như không có công trình nghiên cứu khoa học nào do các viện nghiên cứu nhà nước thực hiện có thể ứng dụng trong thực tế.

Nếu các nhà hoạt động môi trường như bà Ngô Thị Tố Nhiên, Ngụy Thụy Khanh, Hoàng Thị Minh Hồng… không chấp nhận các đòi hỏi của đám thuế quan thì việc họ bị gây khó dễ không phải là điều ngạc nhiên. Việc chấp nhận các dự án quốc tế trị giá hàng triệu đôla được triển khai thông qua các tổ chức xã hội độc lập như VIETSE của bà Ngô Thị Tố Nhiên là điều còn chưa sẵn sàng ở Việt Nam./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux