Hôm 17 tháng Sáu 2022 bà Ngụy Thị Khanh, một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng thế giới bị một toà án ở Hà Nội tuyên án 24 tháng tù với tội danh trốn thuế sau khoảng bốn tháng bị giam giữ để điều tra. Lập tức, các nhà vận động về môi trường quốc tế đều lên tiếng phản đối án tù dành cho bà Khanh.
Ông Michael Sutton, Giám đốc Goldman Environmental Prize, tổ chức 2018 đã trao giải môi trường cho bà Khanh nhận định: “Các cáo buộc pháp lý nhắm vào bà Nguỵ Thị Khanh là một phần trong một nỗ lực rộng lớn hơn nhằm bịt miệng các nhà lãnh đạo môi trường ở Việt Nam.”
Jake Schmidt – Giám đốc Chiến lược Cấp cao thuộc Chương trình Quốc tế về Khí hậu thuộc Natural Resources Defense Council (NRDC) cho rằng: “Các nước và các công ty phương Tây rất mong muốn được đầu tư vào việc chuyển đổi năng lượng sạch ở Việt Nam, nhưng họ không nên làm vậy nếu không có sự đảm bảo từ Chính phủ Việt Nam rằng xã hội dân sự có thể hoạt động một cách xây dựng, tự do và không sợ bị trả thù, bị tội phạm hoá.“
Dư luận quốc tế đều nhìn ra hành vi gán tội trốn thuế cho bà Khanh nhằm tiến hành cuộc đàn áp nhắm vào các quyền tự do biểu đạt và quyền tự do lập hội.
Bỏ tù bà Khanh khiến những thảo luận để tiến tới một loạt các thoả thuận về năng lượng và trợ giúp tài chính cho Việt Nam từ các nước phát triển G7 bị ngưng lại. Lời cam kết của thủ tướng Phạm Minh Chính về việc cắt giảm mức thải khi carbon CO² xuống con số không vào năm 2050 tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc – COP 26 ở Anh vào Tháng 11 năm ngoái bị hoài nghi chỉ là lời hứa suông.
Đồng thời Giám đốc Goldman Environmental Prize kêu gọi tạo sức áp lực lên nhà cầm quyền bằng biện pháp:
“bất cứ hỗ trợ chuyển đổi về năng lượng nào dành cho Việt Nam trong tương lai cũng phải gắn liền với việc trả tự do cho bà Khanh”.
Việt Nam là một chế độ độc tài toàn trị. Đảng CSVN không chấp nhận bất cứ hội, nhóm hoặc tổ chức nào nằm ngoài sự kiểm soát của đảng. Mặc dầu trong Hiến pháp hiện hành có ghi rõ là người dân có quyền tự do ngôn luận, quyền biểu tình cũng như quyền lập hội nhưng trên thực tế, hoạt động thực thi những quyền này đều bị đàn áp thô bạo.
Việc bắt giữ, kết án bà Khanh phơi bày bộ mặt thật của nhà cầm quyền… Trước áp lực của các nhà hoạt động môi trường quốc tế người ta chờ xem CSVN sẽ làm gì, siết chặt để dễ bề cai trị dân hay nới lỏng để tiếp tục nhận những khoản hỗ trợ tài chánh hậu hĩnh từ các tổ chức hoạt động môi trường quốc tế?
Xin được nhắc lại:
Bà Khanh là Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh – GreenID – một tổ chức xã hội dân sự hoạt động vì mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam. Bà là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên vào năm 2018 nhận Giải thưởng Môi trường Goldman vì các hoạt động thúc đẩy năng lượng bền vững và giảm việc lệ thuộc vào nhiệt điện than ở Việt Nam./.
Ngọc Thu
Leave a Comment