- Từ Sân Bay Antonov (giai đoạn một):
Kế hoạch của Pu đánh chiếm Kyiv trong 48 tiếng đồng hồ, bắt giữ tổng thống Zelensky và toàn bộ nội các của ông làm sụp đổ chóng vánh nhà nước Ukraina, một kế hoạch táo bạo và hoàn hảo, tiếc là…
Tờ mờ sáng ngày 24/2, quân Nga dùng phi đạn hành trình và pháo tầm xa tấn công ồ ạt Ukraina. Khi trời vừa sáng, hơn 30 chiến đấu cơ Nga cày nát khu vực sân bay quốc tế Antonov cách thủ đô Kyiv 10 km. Cùng với đó, vài chục phi cơ trực thăng không vận lính dù Nga nhảy xuống đánh chiếm sân bay. Đến gần trưa, sân bay Antonov bị lính dù Nga chiếm đóng.
Nhận được tin tình báo Mỹ, 18 máy bay vận tải khổng lồ của Nga IL – 76 chở 5.000 lính, chiến xa, đại pháo…, sắp đáp xuống sân bay Antonov. Cùng lúc một lực lượng chiến xa và thiết vận xa dài 60km xuất phát từ Belarus (phía Bắc Kyiv) băng băng chạy về hướng sân bay Antonov. Nếu để ba cánh quân này hợp nhau ở sân bay Antonov cùng tấn công Kyiv, thì khả năng Kyiv thất thủ chóng vánh trong 48 tiếng đồng hồ là hoàn toàn khả thi, đúng với kế hoạch thần thánh của Pu.
Trong thời điểm sinh tử ấy, tổng thống Zelensky điều một toán biệt kích dù Ukraina cảm tử áp sát đường băng, dùng Stinger ngăn cản siêu vận tải cơ IL – 76 của Nga hạ cánh. Toán biệt kích dù cảm tử đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc khi liều mạng đột nhập kịp thời vào gần đường băng bắn hạ chiếc IL – 76 đầu tiên khi nó đang chuẩn bị hạ cánh, bắn trúng chiếc thứ hai… Khiến 16 chiếc IL-76 còn lại phải quay đầu bay về nơi xuất phát.
Cùng lúc ấy đoàn xe tank và thiết vận xa của Nga dài hơn 60km từ Belarus mở tốc lực tiến về Kyiv bị phục kích gần sân bay Antonov buộc phải quay đầu.
Trận đánh cân não ngăn chặn quân Nga chiếm sân bay Antonov không chỉ phá tan âm mưu của Nga chiếm và sử dụng sân bay để không vận binh lính, vũ khí khí tài, tiếp liệu… Cho tiền tuyến, mà còn làm sụp đổ cuồng vọng chiếm toàn thể Ukraina chóng vánh của Pu, khiến sau một tháng tấn công, quân Pu phải tháo chạy khỏi phía Bắc và chung quanh Kyiv, lui về giải phóng Donbass và đánh chiếm Miền Nam Ukraina.
- Đến Bến Sông Siversky Donts (giai đoạn hai):
Số quân Nga rút về từ mặt trận phía Bắc và chung quanh Kyiv bị hao hụt quá nhiều, vũ khí khí tài bị bắn cháy quá lớn, tinh thần chiến đấu và sức chiến đấu bị suy giảm mạnh, được nghỉ ngơi và tái phối trí tại Belarus. Sau đó được tung vào mặt trận Kharkiv mở đầu giai đoạn hai, đánh chiếm Kharkiv và thành phố chiến lược Izium, quyết kiếm soát một chiến tuyến kéo dài từ Kharkiv miền Đông Ukraina sát biên giới Nga đến Izium, từ Izium đánh kết nối với thành phố Kherson phía Nam đang bị quân Nga Chiếm, hợp với quân Nga từ Crimea tăng viện cho Kherson đánh chiếm thành phố cảng Odesa trên Hắc Hải, đánh chiếm hết vùng Tây Nam giáp giới khu vực Mondova do phiến quân thân Nga kiểm soát. Nếu hoàn thành mục tiêu này quân Nga sẽ kết nối hơn 1/3 lãnh thổ phía Đông và phía Nam Ukraina vào Nga, chiếm hết biển Azov và Hắc Hải của Ukraina.
Tuy mục tiêu giai đoạn hai được Pu thu nhỏ, song không dễ dàng chút nào so với giai đoạn một. Bởi giai đoạn một quân Nga là kẻ săn mồi, nhưng ở giai đoạn hai quân Nga biến thành con mồi, kẻ săn mồi là quân Ukraina. Quân Nga phải vất vả phòng giữ các vùng lãnh thổ đã chiếm của Ukraina hồi 2014 như Lugansk, Donetsk, bán đảo Crimea, và những vùng đã chiếm được hồi đầu cuộc chiến. Việc mở rộng đánh chiếm hết khu vực Donbass, Mariupol và toàn bộ khu vực phía Đông và Nam Ukraina tiến triển rất chậm, bị quân Ukraina đẩy lùi, gần như dậm chân tại chỗ. Hạm đội Biển Đen hùng mạnh yểm trợ cuộc chiến đã bị quân Ukraina đánh phá nặng nề, nhiều chiến hạm hiện đại gồm cả soái hạm Moskva bị quân Ukraina loại khỏi vòng chiến đấu.
Một số vũ khí hạng nặng, pháo tầm xa phương Tây viện trợ đã đến chiến trường được quân Ukraina sử dụng hiệu quả, phản công dữ dội khu vực quân Nga bao vây chung quanh Kharkiv, buộc quân Nga thêm một lần nữa tháo chạy về bên kia biên giới, thành phố quan trọng Kharkiv được an toàn vì đã nằm ngoài tầm pháo của quân Nga. Thừa thắng xông lên, quân Ukraina tiếp tục phản công vùng Đông Bắc Kharkiv để cắt đường tiếp liệu từ lãnh thổ Nga cho hơn hai vạn quân Nga trong vùng Lzium. Có thể đó là lý do quân Nga tổ chức vượt sông Siversky Donets để bảo vệ đường tiếp liệu cho đại quân ở khu vực chiến lược Lzium.
Cho nên trận đánh đẫm máu bất ngờ bằng pháo binh hạng nặng tầm xa của Ukraina vào hai chiếc cầu phao của quân Nga đang chuyển quân qua sông Siversky Donets làm hơn 73 xe tank và thiết vận xa của Nga bị bắn cháy hoặc bỏ lại hai bên và dưới cầu phao sông, hơn ngàn lính Nga cũng được cho là đã thiệt mạng. Một thất bại nặng nề của Nga tính từ đầu cuộc chiến.
Quân Ukraina đại thắng trong trận vượt sông Siversky Donets của quân Nga được ví như trận đánh sân bay Antonov giai đoạn một. Sự thất bại thê thảm của quân Nga trong trận chiến cân não đánh chiếm và sử dụng sân bay Antonov, làm phá sản mục tiêu đánh chiếm chớp nhoáng Ukraina của Pu, khiến Pu bế tắc chiến lược và chiến thuật buộc phải tháo chạy khỏi phía Bắc và chung quanh Kyiv về “giải phóng” Donbass, kết thúc giai đoạn một.
Thì sự thất bại thảm hại của quân Nga trên hai cầu phao vượt sông Siversky Donets chắc chắn sẽ tạo bước ngoặt giai đoạn hai “giải phóng Donbass” của Pu. Quân Pu không chỉ kết thúc trắng tay mà còn có nguy cơ phá sản chiến lược và chiến thuật nên chắc chắn phải kết thúc sớm giai đoạn hai để chuyển qua giai đoạn ba với mục tiêu vừa sức hơn.
Cũng như khi chuẩn bị kết thúc giai đoạn một, phía Nga liên tục kêu gọi đàm phán, lấy cớ tạo lòng tin chiến lược cho đàm phán, Nga tuyên bố rút quân khỏi chiến trường phía Bắc và chung quanh Kyiv, thực chất là lấy cớ tháo chạy.
Thì hiện tại đang có phong thanh từ Thổ Nhĩ Kỳ, Nga kêu gọi Ukraina và phương Tây đàm phán. Vậy là rất có thể Nga sắp công bố hoàn thành giai đoạn hai, chuẩn bị giai đoạn ba là giai đoạn đang có phong thanh từ phía Nga là chiếm một khu vực hẹp hơn ở phía Nam Ukraina, bao gồm Lugansk, Donetsk, Mariupol, Kherson kết nối với bán đảo Crimea. Trong đó Kherson có vị trí quan trọng cung cấp nước cho bán đảo Crimea, khu vực này Nga có lợi thế hoàn toàn vì chiếm giữ được đa số đất đai. Trước cuộc chiến mục tiêu này nằm gọn trong tay Nga, nhưng hiện tại cũng không dễ cho Nga thực hiện. Nga không che giấu ý định chiếm vĩnh viễn vùng này, và khi hoàn thành mục tiêu này, chắc chắn Nga sẽ tuyên bố ngưng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina.
Tiếc cho Pu, trong tình thế hiện nay, người tuyên bố kết thúc chiến tranh không phải là Pu. Nghĩa là khi Ukraina chưa tái chiếm hết lãnh thổ bị Nga xâm chiếm thì quân Ukraina vẫn tiếp tục cuộc chiến bất chấp Pu có tuyên bố kết thúc chiến tranh hay không. Bởi khi số lượng vũ khí hạng nặng và hiện đại của Mỹ và phương Tây đến đầy đủ trên các mặt trận, thì quân Nga khó lòng giữ được những vùng lãnh thổ chiếm được của Ukraina. Cuộc chiến chỉ có thể dừng lại khi Ukraina thu hồi được tất cả các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm giữ.
Đây là giai đoạn hết sức nhạy cảm, quân Nga có thể sớm nếm mùi thất bại toàn tập khiến nhiều người e ngại Pu sẽ làm liều sử dụng nguyên tử…?
Phải chăng, từ câu chuyện quân Nga đánh chiếm sân bay Antonov thất bại, đến khu vực đôi bờ sông Siversky Donets thất bại, thì thất bại cuối cùng của quân Nga có thể là bán đảo Crimea? Khi ấy đoàn quân Nga sẽ tháo chạy rất độc đáo trên cầu Kerch về Nga?
Leave a Comment