Hồng Dân – (VNTB) – Lượng nước vượt mức sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới.
Tại sao sông Mekong đột ngột dâng cao 2m tại Chiang Saen (Thái Lan) vào tuần trước? Dòng chảy yếu dần và sẽ đến Viêng Chăn vào đầu tuần này, và đến Phnôm Pênh vào khoảng ngày 6/5.
Theo mạng https://monitor.mekongwater.org/ (dự án MDM), thì nguyên nhân chính là do đập Noạ Trát Độ (Trung Quốc) đã xả ra khoảng 1,2 tỷ m3 nước. Việc xả nước hàng loạt như vậy có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cộng đồng địa phương, nhưng không có thông báo nào được đưa ra từ phía Trung Quốc.
Chính phủ Thái Lan và Lào đã thông báo cho các cộng đồng gần các khu vực dễ bị tổn hại sau khi MDM cảnh báo từ sớm.
MDM dự báo: Dòng chảy yếu dần và sẽ đến Viêng Chăn (Lào) vào đầu tuần này, và đến Phnôm Pênh (Campuchia) vào ngày 6/5. Trạm quan trắc tại Stung Treng (Campuchia) cao hơn mức trung bình trong lịch sử khoảng 1 mét do việc xả đập ở thượng nguồn và lượng mưa trái mùa. MDM tin rằng lượng nước vượt mức sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới.
Ba năm trước, trong tham luận tại diễn đàn quản lý tài nguyên nước, lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sụt lún, sạt lở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đại diện tỉnh Cà Mau cho hay trước đây Cà Mau luôn luôn được bồi phù sa bồi đắp, nhưng nhiều năm gần đây đã hết phù sa, trong khi sạt lở diễn ra nhanh và khốc liệt hơn.
Ngoài ra, trong khi nguồn phù sa giảm chủ yếu là nhóm phù sa cát và bùn đáy tức nhóm phù sa rất cần thiết, thì nhóm phù sa cát lở thì không giảm, trong khi đây lại là phù sa gây bồi lắng.
Một tham luận từ đại diện Bộ Tài nguyên – Môi trường đưa ra những con số: Tổng lượng phù sa bùn cát và dinh dưỡng bị giảm tới 65%, và nếu tính chung cả các thủy điện thượng nguồn phía Trung Quốc, lượng phù sa về đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn lại khoảng 15 triệu tấn, chưa đến 10% so với điều kiện tự nhiên; xâm nhập mặn sẽ gia tăng tại hầu hết các vùng ven biển.
Nếu tính thêm tác động của bậc thang 11 công trình thủy điện dòng chính ở hạ lưu vực sông Mekong và của các công trình thủy điện dòng nhánh sông Mekong, tổng lượng phù sa bùn cát hàng năm giảm tới 80%.
Ngoài 11 đập thủy điện thượng nguồn của Trung Quốc gây tác động chính thì các đập thủy điện của Lào như: Nam Theun 2, Nam Ngum 1 và Nam Ngum 2, Xe Pian Xenamnoy… cũng đóng góp đáng kể vào sự biến động của mực nước sông Mê Kông.
Việc xả nước của các đập thủy điện khiến mực nước sông dâng lên cao hơn mức nước của dòng chảy tự nhiên. Nhiều thời điểm, tại Chiang Saen có 66% lượng nước vượt mức theo mô hình dòng chảy tự nhiên của Eyes on Earth và tại Viêng Chăn (Lào) lượng nước vượt mức là 30%.
Còn việc giữ lại nước tại các đập trong tuần từ 11 – 17/4 đã giảm lượng nước vượt mức so với dòng chảy tự nhiên tại Chiang Saen từ 89% xuống còn 43%.
Một ghi nhận từ nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu Thiện, thì nước sông Mekong mùa khô 2022 cao hơn bình thường là do mùa mưa các đập thủy điện tích nước rất nhiều. Bằng chứng là từ tháng 8 – 12/2021, dù lượng mưa trong lưu vực khá bình thường nhưng mực nước sông Mekong lại thấp hơn bình thường.
“Việc xả nước trong mùa khô diễn ra từng đợt như thực tế chứng minh làm cho mực nước biến động bất thường tạo ra những tín hiệu giả của dòng sông, khiến hệ sinh thái bị rối loạn. Ví dụ giữa mùa khô mà nước dâng lên bất ngờ thì cá tôm sẽ tưởng là mùa nước đã tới nên bắt đầu bơi ngược dòng để sinh sản. Đến khi mùa nước thật đến lại không còn sinh sản được nữa.
Việc xả nước không liên tục mà lúc xả lúc đóng nên người dân cũng không biết để điều chỉnh mùa vụ cho phù hợp. Nhưng việc xả nước này là trong điều kiện bình thường, còn những năm khô hạn cực đoan thì các đập này sẽ đóng đập tích nước để chờ đầy nước mới hoạt động.
Họ phát điện theo kiểu gián đoạn càng làm cho tình hình hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long nghiêm trọng hơn. Nếu chỉ thấy tác dụng làm giảm hạn mặn trong mùa khô năm nay thì người ta dễ lầm tưởng là thủy điện thượng nguồn Mekong có tác dụng tốt cho đồng bằng sông Cửu Long, trong khi về thực tế lâu dài nó tác hại rất nghiêm trọng. Chúng ta cần thấy hết bức tranh cho đầy đủ”, ông Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu và trên sông Hậu tại Châu Đốc từ đầu tháng 4 đến nay thường xuyên duy trì ở mức cao hơn trung bình nhiều năm 0,3 – 0,4 mét.
Leave a Comment