Mô hình thể chế chính trị độc tài toàn trị, không có một cơ chế tam quyền phân lập để kiểm soát và cân bằng quyền lực, không có đảng đối lập, không có báo chí tự do, không có các tổ chức dân sự xã hội có thể hoạt động độc lập với chính quyền và cuối cùng là người dân không có quyền “mở miệng” cũng như có quyền bỏ phiếu tự chọn hay bãi nhiệm một cá nhân hay đảng cầm quyền v.v…là nguyên nhân vì sao tham nhũng càng chống càng nhiều, vì sao tội ác các loại, những biểu hiện vô liêm sỉ, thiếu tự trọng…các kiểu (như “ gạ tình đổi điểm”, chạy bằng chạy chức, “đạo” văn, “ “đạo” luận văn v.v…) diễn ra nhan nhản khắp nơi ở VN.
Nhưng điều đó không đủ.
Đạo đức xã hội tha hóa có lẽ còn vì triết lý sống của dân tộc chúng ta dưới chế độ độc tài do đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo hoàn toàn không ổn, hoàn toàn sai lệch. Mục đích sống, triết lý sống đó là gì. Là chạy theo đồng tiền, chạy theo những cái bên ngoài (bằng cấp, chỗ đứng trong xã hội, danh vọng danh hiệu, nhà to xe sang hàng hiệu…), không quan tâm đến chính trị-xã hội, không quan tâm đến vận mệnh tương lai của đất nước, không quan tâm đến cộng đồng, không có lòng tin vào luật pháp, vào chính quyền, kể cả vào nền giáo dục của nước nhà, chỉ quan tâm đến bản thân…Điều đó cũng khiến chính con người khó cảm thấy hạnh phúc vì không có lòng tin vào cái gì cà, và vì nếu cứ chạy theo những cái bên ngoài thì biết bao giờ cho đủ.
Nếu nhìn vào những xã hội bình yên, luôn luôn được đánh giá là có tỷ lệ tội phạm ít và chỉ số hạnh phúc cao thuộc hàng top thế giới như các nước Bắc Âu chẳng hạn, thì ngoài lý do mô hình thể chế chính trị còn là triết lý sống đơn giản, biết đủ, không bị áp lực bởi những cái bên ngoài, không hay than phiền, gần gũi với môi trường, với thiên nhiên …. Ngay cả một quốc gia nghèo như Butan, con người cũng hạnh phúc, trước hết vì chính phủ của quốc gia này sử dụng một thước đo mức độ phát triển quốc gia cực kỳ độc đáo: chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness). Không quan tâm đến các chỉ số định lượng về kinh tế, mà chú trọng đến sự phát triển kinh tế xã hội bền vững và công bằng, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn và phát huy văn hóa, người dân thì có một lối sống đơn giản, hiền lương, thấm nhuần tư tưởng, triết học Phật giáo.
Thay đổi mô hình thể chế chính trị đã vô vùng khó, thay đổi triết lý sống, mục đích sống cho cả một dân tộc càng không dễ.
Leave a Comment