Trong các thể chế độc tài, cơ chế phản hồi bị đứt gãy nghiêm trọng
Trong bài viết ở kỳ trước, chiến dịch “trừ tứ hại” được giới thiệu như một ví dụ của hiệu ứng hổ mang, góp phần dẫn tới hậu quả ngược là nạn đói ở Trung Quốc trong giai đoạn 1959 – 1961.
Sẽ là thiếu sót lớn nếu nhắc tới nạn đói kinh hoàng trên mà không đả động đến chính sách “đại nhảy vọt” đầy tai tiếng của chính quyền Mao Trạch Đông, được thực hiện từ năm 1958 đến 1962. [1]
Bưng mô hình kinh tế tập thể của Liên Xô vào để phát triển nông nghiệp và công nghiệp, nhà lãnh đạo họ Mao quyết tâm chỉ trong vài năm ngắn ngủi giải quyết vấn đề lương thực của đất nước, vượt mặt các cường quốc tư bản và thể hiện đầy đủ bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội.
Trọng tâm của chính sách “đại nhảy vọt” là một cuộc ganh đua ý thức hệ, vậy nên không có gì ngạc nhiên khi các tiêu chí thực hiện nó ngay từ ban đầu đều nhắm đến việc đạt được các con số ấn tượng: hàng chục ngàn các công xã nhân dân được thành lập, [2] hàng trăm ngàn lò luyện thép sân vườn được dựng nên, [3] và vô số các báo cáo láo về năng suất vượt trội được cán bộ địa phương thi nhau gửi về trung ương. [4]
“Đại nhảy vọt” mang đầy đủ các tính chất của một hiệu ứng hổ mang điển hình: người ban hành chính sách không có hiểu biết về cách nền kinh tế vận hành, các tiêu chí đánh giá mang tính bề mặt, và hậu quả của nó thì thê thảm hơn vấn đề ban đầu định giải quyết.
Thống kê chính thức của chính quyền Trung Quốc cho biết có 15 triệu người đã chết trong nạn đói từ năm 1959 đến 1961. [5] Nhiều người cho rằng con số thực lớn gấp nhiều lần. Trong cuốn sách “Mao’s Great Famine” (Nạn đói vĩ đại của Mao) xuất bản năm 2010, nhà sử học người Hà Lan Frank Dikotter cho biết ít nhất 45 triệu người đã chết do hậu quả của chính sách “đại nhảy vọt”. [6]
Hiệu ứng hổ mang trong trường hợp này dẫn đến hậu quả thảm khốc, một phần nguyên nhân quan trọng nằm ở việc trong thể chế độc tài như Trung Quốc, “cơ chế phản hồi” bị cản trở và xuất hiện quá muộn.
Leave a Comment