Ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vừa trả lời tờ Nhân Dân về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) diễn ra cách nay vài ngày với tư cách Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia (HĐBC QG) và khẳng định: Cuộc bầu cử đã thành công rất tốt đẹp (1)!
Tuy HĐBC QG chưa nhận đủ báo cáo của tất cả Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh, thành phố nhưng ông Cường ước đoán: Có hơn 90% cử tri tham gia bầu cử. Theo thống kê sơ bộ, ít nhất cũng có 15/63 tỉnh, thành phố đạt tỉ lệ 99,9% cử tri đi bầu. Thậm chí ở Hậu Giang, tỉ lệ cử tri đi bầu là… 99,99%. Trà Vinh, Lào Cai kém hơn một chút với 99,98%!
Sau khi giới thiệu những số liệu vừa dẫn, ông Cường bảo rằng: Tỉ lệ cử tri đi bầu cao khẳng định ý thức chính trị, trách nhiệm cao, niềm vinh dự, tự hào của công dân trong việc đi bầu cử để cân nhắc, lựa chọn những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình tham gia vào Quốc hội, HÐND các cấp.
Ông Cường không quên nhấn mạnh: Kết quả của cuộc bầu cử một lần nữa khẳng định sự thành công của công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, HĐBC QG, Ủy ban bầu cử các tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên phản hồi của người Việt trên mạng xã hội lại cho thấy một số tình huống rất cần Chánh Văn phòng HĐBC QG giải đáp…
***
Người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ đang chuyển cho nhau xem… Biên bản về việc Vận động cử tri đi bỏ phiếu bầu cử do Tổ Bầu cử số 4 của phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội lập ngày 23/5/2021 để ghi nhận trường hợp một cử tri tại đây từ chối, không thực hiện việc bỏ phiếu bầu cử…
Ngoài năm thành viên của Tổ Bầu cử số 4 và một người làm chứng ký tên vào biên bản vừa kể, trên biên bản còn có ý kiến của cử tri bị lập biên bản – nguyên văn: Tôi từ chối bầu cử vì bản thân tôi muốn chịu trách nhiệm về lá phiếu của mình. Tôi không thể bỏ phiếu cho những người sẽ đại diện mình mà bản thân không được tiếp xúc, cũng không biết gì về họ vì vài dòng tiểu sử không nói lên điều gì!
Khoản 1 Điều 27 Hiến Pháp Cộng Hòa XHCN Việt Nam xác định: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân (2). Nói cách khác, tham gia bỏ phiếu bầu cử là QUYỀN HIẾN ĐỊNH, không phải… NGHĨA VỤ. Công dân của Cộng hòa XHCN Việt Nam tự do quyết định CÓ sử dụng QUYỀN BẦU CỬ hay không?
Ngoài Hiến pháp đã minh định như vừa dẫn, Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND qui định như thế này tại Điều 69: Cử tri phải tự mình đi bầu cử. Nếu cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ Bầu cử mới được đem thùng phiếu phụ và phiếu bầu đến tư gia hoặc nơi điều trị của cử tri để cử tri thực hiện việc bầu cử (3).
Một thắc mắc khác, vì sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trên toàn Việt Nam ra rả kêu gọi: Sáng suốt lựa chọn những người tiêu biểu về đức, tài xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tròng kỳ bầu cử Đại biểu Quốchội khóa 15 và HĐND các cấp, cử tri bị lập biên bản đã sử dụng quyền của mình theo đúng tinh thần này mà tổ bầu cử lại lập biên bản?
Khi cách hành xử của Tổ Bầu cử số 4 ở phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội với cách hành xử của nhiều cơ quan truyền thông chính thức như tờ Quân đội nhân dân giống hệt nhau: Xem những cử tri bày tỏ suy nghĩ “không biết, không bầu” là… diễn biến mới, trắng trợn, thâm độc (4) – liệu đó là sai phạm có tính cách cá biệt hay đó là chủ trương đã được… quán triệt từ trên xuống dưới?
Kỳ bầu cử vừa qua không chỉ có những cử tri như trường hợp bị … lập biên bản vì… từ chối, không thực hiện việc bầu cử, những người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ còn giới thiệu tài liệu mà chính quyền địa phương thản nhiên phân phát cho cử tri phường Lê Lợi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An để… ĐỊNH HƯỚNG ĐẮC CỬ khi họ bỏ phiếu chọn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố, tỉnh, phường (5)…
Hay danh sách bầu cử được phát cho cử tri Đơn vị Bầu cử số 1 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT). Trong danh sách này, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không chỉ tô đậm mà còn đặt dấu sao bên cạnh tên của một số ứng cử viên (ƯCV) Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp. Ví dụ, ở phần Danh sách bầu cử cấp Quốc hội có năm ƯCV để cử tri chọn ba thì tên của ba ƯCV được tô đậm và đặt dấu sao bên cạnh là: Nguyễn Tâm Hùng (Đại tá Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh BRVT), Phạm Bình Minh (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng), Huỳnh Thị Phúc (Tỉnh ủy viên, Phó ban Dân vận Tỉnh ủy BRVT). Hai ƯCV mà tên không được tô đậm, không có dấu sao là: Nguyễn Công Tâm (Phó Văn phòng Tỉnh ủy BR-VT) và Phan Thị Tuyết Xuân (Bác sĩ, Phụ trách Khoa Nội tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Đất Đỏ) (6).
***
Với những diễn biến như vừa đề cập và bất chấp thực tế mà hàng chục triệu người cùng ở trong cuộc, cùng cảm nhận thực – hư, khẳng định, cuộc bầu cử vừa qua đạt tỉ lệ cao, thành công rất tốt đẹp, cử tri có ý thức chính trị, trách nhiệm cao, vinh dự, tự hào tham gia bầu cử không chỉ… trâng tráo. Đó còn là bôi nhọ, bóp méo ngôn ngữ của dân tộc này, khiến những từ như… tốt đẹp, ý thức, trách nhiệm, vinh dự, tự hào bị hư hại.
Hy vọng ông Cường sẽ không xem những thắc mắc đã nêu là… vu khống rồi yêu cầu công an tống giam, thúc hệ thống tư pháp truy cứu trách nhiệm hình sự những người phản ánh thực tế như ông đã từng áp dụng lúc còn là Bí thư tỉnh Đắk Lắk đối với những người gửi đơn đến các cơ quan hữu trách, tố cáo ông gian lận học thuật khi thực hiện các thủ tục cần thiết để thủ đắc học vị Tiến sĩ Hàng hải (7).
Chú thích
(2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx
(4) https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/chieu-tro-xui-giuc-pha-hoai-656568
(5) https://www.facebook.com/ChuHongQuy/posts/3895004967282030
(6) https://www.facebook.com/jbnguyenhuuvinh/posts/4111571758937484
#bầucửquốchội2021
Leave a Comment