Bài này tôi muốn nói đến Trường Đại học Tôn Đức Thắng như một điển hình của hình thái thị trường nửa dơi nửa chuột tại Việt Nam. Chắc chắn những người ủng hộ đại học tự chủ sẽ khó chịu khi đọc bài viết này. Trong khi, tôi, khi góp ý về dự thảo Luật Giáo dục đại học, nhiệt liệt ủng hộ tự chủ, nhưng quyết không ủng hộ hình thái nửa dơi nửa chuột. Tôi góp ý thẳng: không thể trường công mà cho phép thu học phí tư, tức biến công sản thành lợi nhuận tư sản bằng một thứ chính sách nửa dơi nửa chuột.
Tôi đồng ý nhà nước cho phép các trường tự chủ về chương trình, giáo trình và thu chi tài chính, nhưng có sự kiểm soát của nhà nước chứ không có chuyện tự chủ tuỳ tiện, phi pháp.
Riêng về tài chính, không có cái lý gì một trường công lập với vốn đầu tư nhà nước, lấy từ ngân sách và vay vốn nước ngoài, tức từ thuế máu của dân và bắt dân trả nợ, mà được phép kinh doanh với lợi nhuận dành cho một nhóm người. Trường công lập khác tư thục ở chỗ, từ đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng đến chi phí học liệu đều từ ngân sách chứ không phải tư nhân bỏ tiền túi ra. Trên thế giới, đã công lập (thậm chí một số trường tư) thì ắt phi lợi nhuận. Học phí chỉ thu ở tầng lớp không đóng thuế hoặc thu từ học sinh nước ngoài và tiền thu được phải chi phí ngược lại cho nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dạy học và phục vụ cho người học. Không có chuyện thu học phí như trường tư thục và chi trả lương khổng lồ theo mức tăng học phí.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng là trường công lập, trực thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Nhưng trường này lại tự chủ theo cách tự do thu học phí và chi trả lương khổng lồ, đến mức Hiệu trưởng được chi trả đến 500 triệu đồng/tháng là không thể chấp nhận được so với bình quân thu nhập của toàn xã hội. Giả định, trong chính sách nửa dơi nửa chuột về học phí, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có quyền thu học phí giá cao, nhưng phải chi đúng nguyên tắc, chi về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, chi phục vụ, nâng cao chất lượng dạy học, kể cả buộc phải đóng góp vào phúc lợi để điều tiết thu nhập cho toàn xã hội. Mức lương như báo chí phản ảnh là mức lương biến của công thành của riêng, lợi dụng kinh tế thị trường biến công sản thành tư sản, chứ không thể là quyền được hưởng chính đáng theo năng lực.
Tôi không thích chuyện đấu đá gì đó giữa Tổng Liên đoàn lao động với nội bộ nhà trường như dư luận đồn thổi, nhưng việc nào ra việc nấy. Nói Trường Đại học Tôn Đức Thắng đào tạo chất lượng cao thì được hưởng lợi nhuận cao là sai căn bản. Muốn vậy, Trường phải chuyển sang mô hình tư thục, những người chủ quản ngôi trường này phải tự bỏ vốn đầu tư đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, học liệu chứ không phải lấy vốn của nhân dân để kinh doanh lấy lãi theo mô hình công lập tự chủ nửa dơi nửa chuột. Lấy vốn của nhân dân để kinh doanh lấy lãi bỏ túi riêng thì ngang bằng tội phạm huy động vốn nhân dân để chiếm đoạt. Giáo dục giúp dân giàu nước mạnh chứ vắt kiệt sức dân thì ngang bằng trả về cuộc sống hoang dã.
Mà ai tin thì tin chứ tôi chưa bao giờ tin vào cái sự xếp hạng của ARWU, vì tổ chức này từng bị cáo giác mua bán xếp hạng. Mà sự xếp hạng dựa trên những bài báo quốc tế mà trường này mua lại từ nhiều giảng viên của các trường đại học khác thì thêm hai lần gian lận chứ không phải thực lực. Thực lực phải là nội lực chứ không phải mua từ bên ngoài, cả người dạy lẫn công trình và xếp hạng.
Tôi tin chắc những bài báo gọi là quốc tế ấy chẳng phục vụ gì cho lợi ích quốc gia dân tộc mà chỉ là hàng mã, bởi chẳng mấy người Việt Nam đọc, kể cả sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Suy rộng ra, các trường hợp “công lập tự chủ” nửa dơi nửa chuột ở ngành nghề khác cũng vậy. Lấy của công làm lợi tư mới có chuyện nhiều ngành nghề thu nhập khủng gây chênh lệch thu nhập mà Thủ tướng hoan hỉ rằng bình quân thu nhập đầu người rất cao, đến 9000 đô la. Một người ăn trọn gói cả cái bánh mì trong khi nhiều người chỉ ngửi hơi bánh mì, trong khi vốn liếng là của toàn xã hội. Đó là sự bất công không thể chấp nhận.
Việc tạo ra mô hình “công lập tự chủ” như vậy là hai lần cướp đoạt và bóc lột nhân dân, một lần đóng thuế, kể cả trả nợ vốn vay và một lần phải đóng học phí giá cao cho con em mình học. Sự cướp đoạt và bóc lột ấy chủ nghĩa tư bản hoang dã thời K. Marx phải gọi là bậc thầy!
Chu Mộng Long
#đạihọctônđứcthắng #trườngcông #trườngtư
Leave a Comment