Nguồn: Joyu Wang, “Hong Kong’s Security Law: What China Is Planning, and Why Now”, The Wall Street Journal, 04/06/2020 – Biên dịch: Nguyễn Thanh Hải
Hồng Kông đã trở thành điểm nóng quan trọng trong một cuộc chiến tranh lạnh đang nổi lên giữa Mỹ và Trung Quốc. Bằng chứng là quyết định của Bắc Kinh về việc áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông mà không thông qua cơ quan lập pháp của thành phố này nhằm dập tắt phong trào biểu tình phản đối kéo dài một năm nay. Chính quyền Trump đã đe dọa trả đũa, cảnh báo rằng động thái này có nghĩa là Hồng Kông không còn đủ tự chủ trước Bắc Kinh để được hưởng quy chế đặc biệt về thương mại và các biện pháp hợp tác khác. Dưới đây là lời giải đáp cho câu hỏi: Tại sao mọi chuyện lại trở nên như vậy?
Câu hỏi: Tại sao Trung Quốc lên kế hoạch thiết lập luật an ninh cho Hồng Kông?
Trả lời: Khi Luật Cơ Bản, thứ được xem như Hiến pháp thu nhỏ của Hồng Kông có hiệu lực vào năm 1997, một số vấn đề quan trọng vẫn còn tồn đọng chưa được giải quyết. Điều khoản về quyền bầu cử phổ thông đầu phiếu vẫn chưa được thực hiện. Một điểm khác là sự cam kết chống lại các tội phạm đe dọa an ninh quốc gia như tội phản quốc, ly khai và gián điệp. Đó là những gì Bắc Kinh đang đẩy mạnh thực hiện thời gian qua.
Điều 23 của Luật Cơ Bản quy định Hồng Kông phải thông qua luật về an ninh quốc gia. Nhưng sự phản đối mạnh mẽ của công chúng đã làm thất bại những nỗ lực trước đó, bao gồm một lần vào năm 2003 khi nửa triệu người xuống đường biểu tình khiến việc thảo luận dự luật an ninh bị hủy bỏ. Hành động lần này của Bắc Kinh được xem là cách để giải quyết tình trạng này; hình sự hóa các hoạt động ly khai, lật đổ và khủng bố cũng như sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của Hồng Kông.
Câu hỏi: Chính quyền Trung Quốc có thể áp đặt luật lệ lên Hồng Kông không?
Trả lời: Bắc Kinh khẳng định rằng họ có quyền làm như vậy nhưng vấn đề pháp lý phức tạp hơn nhiều.
Hồng Kông được Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 và được hưởng một quyền tự trị rộng lớn trong việc ban hành và xét xử theo luật riêng dưới một mô hình gọi là Một quốc gia, hai chế độ. Điều 23 quy định cụ thể rằng chính quyền Hồng Kông sẽ là cơ quan ban hành luật để giải quyết vấn đề về an ninh quốc gia.
Nhưng Luật Cơ Bản cũng cho phép chính quyền Đại lục bổ sung những luật để quản lý thành phố trong những điều kiện nhất định. Những quyền này được trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, một cơ quan lập pháp đã họp gần đây tại Bắc Kinh.
Câu hỏi: Tại sao Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia vào thời điểm này?
Trả lời: Trung Quốc đã lập ra một nhóm quan chức mới chịu trách nhiệm về vấn đề Hồng Kông, những người quyết tâm ngăn chặn một làn sóng biểu tình ủng hộ dân chủ khác giống như những gì đã xảy ra vào năm ngoái, gây chấn động thành phố và khiến Bắc Kinh bối rối.
Các cuộc tuần hành đã tạm ngưng khi thành phố phải đối mặt với đại dịch Covid-19, nhưng sự phẫn nộ của người dân đối với chính quyền vẫn tăng cao. Các cuộc biểu tình được dự kiến sẽ nối lại vào mùa hè này trong dịp tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng 6. Năm ngoái, các cuộc biểu tình lớn xuất hiện đầu tiên vào ngày 9 tháng 6 và ngày 1 tháng 7, ngày mà Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc.
Trong một thông điệp gửi tới các đại sứ nước ngoài, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng việc Hồng Kông không thể thông qua luật về an ninh đã tạo ra lỗ hổng về an ninh quốc gia, theo đó phe đối lập đã thông đồng với các lực lượng bên ngoài chống lại Trung Quốc.
Ngoài ra, cuộc bầu cử hội đồng lập pháp Hồng Kông vào mùa thu này sẽ tạo cơ hội cho phe dân chủ giành được đủ ghế để ngăn chặn mọi nỗ lực thông qua luật an ninh quốc gia của cơ quan hành pháp.
Câu hỏi: Luật an ninh quốc gia ảnh hưởng như thế nào đến quyền tự trị và vị thế trung tâm tài chính của Hồng Kông?
Trả lời: Các nhà phê bình cho rằng việc thông qua luật an ninh quốc gia lần này là nghiêm trọng nhất trong một loạt các hành động nhằm làm suy yếu mức độ tự trị cao của Hồng Kông trong những năm gần đây. Những hành động này bao gồm các vụ bắt giữ hơn một chục người dẫn đầu phong trào dân chủ vào tháng trước và các vụ việc trước đó như giải thể một đảng chính trị ủng hộ Hồng Kông độc lập, trục xuất một nhà báo nước ngoài và loại bỏ các ứng cử viên chính trị vì lý do không đủ tư cách.
Dennis Kwok, một nhà lập pháp ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông nói rằng: “Tôi cảm thấy kinh tởm; điều này về cơ bản chính là sự chấm hết của mô hình ‘một quốc gia, hai chế độ’ ”.
Câu hỏi: Tại sao người Hồng Kông lo lắng về luật an ninh quốc gia vừa được thông qua?
Trả lời: Luật này dự kiến sẽ hình sự hóa các bình luận và hành động mà nhà chức trách coi là chống lại lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc, đưa luật pháp của Hồng Kông gần với luật pháp của Đại lục hơn.
Ở Trung Quốc, Bắc Kinh sử dụng những luật như vậy để đàn áp các nhà hoạt động và thúc đẩy các mục tiêu chính trị. Năm nay, một chủ hiệu sách ở Hồng Kông chuyên bán các ấn phẩm bình luận về quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn bị cấm ở đại lục đã bị kết án 10 năm tù vì tội gián điệp. Năm ngoái, Trung Quốc cũng bắt giữ hai công dân Canada về tội gián điệp, một nhà nghiên cứu và một cựu nhân viên ngoại giao. Vụ giam giữ được coi là sự trả thù cho việc Canada bắt giam một giám đốc điều hành cấp cao của công ty Huawei Technologies.
Hàng triệu người đã xuống đường tuần hành ở Hồng Kông vào năm ngoái do những lo ngại về dự luật dẫn độ (hiện đã được rút) sẽ đẩy họ đến một hệ thống tư pháp kém minh bạch tại Trung Quốc Đại lục.
Câu hỏi: Các cuộc biểu tình bị tác động ra sao trước luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh?
Trả lời: Những tuyên bố của Trung Quốc đã hai lần khiến hàng ngàn người Hồng Kông phải đổ ra đường, họ bị cảnh sát ngăn chặn tụ tập đông người với lý do giãn cách xã hội. Cảnh sát chống bạo động đã ráo riết đóng chốt tại các nút giao thông quan trọng và thực hiện hàng trăm vụ bắt giữ, trong đó có những học sinh đang mặc đồng phục. Các bài hát và tranh ảnh ủng hộ độc lập cho Hồng Kông ngày càng phổ biến bất chấp đây là “lằn ranh đỏ” của Bắc Kinh.
Câu hỏi: Quan hệ Mỹ-Trung bị ảnh hưởng như thế nào sau sự việc này?
Trả lời: Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố việc thông qua luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông đã khiến cho thành phố mất đi quyền tự chủ trước Trung Quốc và quyết định này có thể chấm dứt địa vị được ưu đãi của Hồng Kông cũng như làm xói mòn niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài. Tổng thống Trump cho biết ông sẽ thu hồi chế độ ưu đãi dành cho Hồng Kông như một vùng lãnh thổ có quy chế hải quan và đi lại riêng biệt và bắt đầu quá trình loại bỏ các chính sách đối xử với Hồng Kông như một thực thể tách biệt với Trung Quốc trong toàn bộ các thỏa thuận mà Hoa Kỳ có với thành phố, trừ một vài ngoại lệ. Ông cũng đe dọa sẽ trừng phạt các quan chức Trung Quốc hoặc Hồng Kông có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong.
Theo Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông được Quốc hội Mỹ thông qua năm ngoái, Bộ Ngoại giao phải đánh giá hàng năm về việc liệu Hồng Kông có còn được hưởng mức độ tự trị cao dưới mô hình “một quốc gia, hai chế độ” hay không. Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo nói hôm 27/5 rằng “Không ai với những suy nghĩ hợp lý có thể khẳng định rằng Hong Kong ngày nay vẫn còn duy trì quyền tự trị cao trước Trung Quốc”.
Một tuần trước đó, hai thượng nghị sĩ Hoa Kỳ cho biết họ sẽ đề xuất một dự luật trừng phạt đối với các quan chức và thực thể Trung Quốc thực thi luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông cũng như xử phạt các ngân hàng làm ăn với họ.
Câu hỏi: Vương quốc Anh đã phản ứng thế nào với luật an ninh mới?
Trả lời: Nước Anh đã “chọc giận” chính quyền Trung Quốc bằng cách tuyên bố rằng họ sẽ mở đường trở thành công dân Anh trong tương lai cho khoảng 2,8 triệu cư dân Hồng Kông. Những người đủ điều kiện, chiếm gần 40% dân số Hồng Kông, đã từng sống dưới thời nước Anh cai trị Hồng Kông và được cấp một loại hộ chiếu đặc biệt cho phép họ lưu trú ở Anh trong một khoảng thời gian nhất định mà không cần thị thực.
Leave a Comment