Sự kiện Nghệ An sắp khánh thành một công viên diện tích 4.300 mét vuông ở trung tâm thành phố Vinh để đặt tượng Lenin (bằng đồng, cao ba mét là quà do tỉnh Ulyanovsk của Liên bang Nga tặng) đã trở thành một trong những chủ đề nóng nhất trên mạng xã hội Việt ngữ tuần này (1).
***
Bên cạnh hàng ngàn ý kiến chỉ trích dự án bị xem là phi lý, quái gở này, có khá nhiều người soạn Thư ngỏ gửi lãnh đạo tỉnh Nghệ An qua mạng xã hội. Một trong số đó là ông Đoàn Bảo Châu. Ông Châu giới thiệu cuộc thảm sát gia đình hoàng đế cuối cùng của nước Nga ngày 18 tháng 7 năm 1918 – 11 thành viên hoàng gia bị bắn chết, rồi bị tưới 176 lít acid để làm thi thể biến dạng trước khi dùng 400 lít xăng để đốt – nhằm khắc họa bản chất Lenin, người chỉ đạo cuộc thảm sát tàn bạo này…
80 năm sau, Boris Yeltsin – cựu đảng viên cộng sản Liên Xô, Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga – xác định: Đó là tội ác đáng tởm. Vụ thảm sát là một trong những điều đáng xấu hổ nhất của lịch sử nước Nga. Yeltsin cho rằng, tổ chức cải táng các nạn nhân vô tội là một cách chuộc lỗi. Vụ thảm sát vừa kể là kết quả của sự cực đoan, chia rẽ xã hội Nga thành ”chúng ta” và ”họ”. Theo Yeltsin, đã đến lúc phải kết thúc thời đại của máu và bạo lực ở Nga,…
Nhiều thân hữu của Đoàn Bảo Châu đã gửi thêm lời khuyên chính quyền tỉnh Nghệ An. Nhất Chi Mai lập lại: Lenin là một kẻ tàn bạo, một tội đồ của nhân loại. Chẳng lẽ chính quyền tỉnh Nghệ An dựng tượng Lenin vì tôn thờ bạo lực, giết chóc? Tương tự, AB Bùi lưu ý, Lenin là người khởi xướng mô hình nhà nước XHCN kiểu Xô viết. Người ta ước đoán, trong thế kỷ 20, các nhà nước cộng sản đã giết hàng trăm triệu người và Lenin phải chịu trách nhiệm trước nhân loại (2)…
Giống như Đoàn Bảo Châu, ông Nguyễn Ngọc Chu cũng khuyên chính quyền tỉnh Nghệ An nên cân nhắc. Sở dĩ Putin, Tổng thống Nga hiện nay chưa thực hiện mong muốn của dân chúng Nga – đưa Lenin ra khỏi lăng dành cho ông ta vì vẫn còn những người mà quá khứ liên quan đến Lenin. Nói cách khác, việc đưa Lenin ra khỏi lăng là tất yếu nhưng sẽ do các thế hệ lãnh đạo nước Nga sau Putin thực hiện. Dựng tượng – đề cao Lenin vừa làm khó Putin, vừa làm tổn thương dân chúng Nga.
Ông Chu chất vấn: Tại sao chính quyền tỉnh Nghệ An lại đi ngược chiều với xu hướng chung của cả Nga lẫn thế giới? Tại sao lại vinh danh một cá nhân mà đồng bào ông ta muốn gạt bỏ như tẩy xóa một vết nhơ? Tại sao không dựng tượng vinh danh tổ tiên mà vinh danh một người như Lenin và tạo thêm khó khăn cho hậu sinh khi chắc chắn con cháu phải dỡ bỏ? Tại sao dựng tượng Lenin mà không trưng cầu ý kiến dân chúng Nghệ An xem họ có muốn hay không (3)?..
Bà Đỗ Thị Hòa – một trong những người bạn của ông Chu – nhận xét: Không chắc chính quyền tỉnh Nghệ An yêu mến Lenin. Vấn đề là kế hoạch thực hiện này được thượng cấp phê duyệt thì thực hiện sẽ có tiền. Bị chỉ trích mà có cơ hội “phết, phẩy” thì vẫn hăm hở làm thôi. Rất nhiều người đồng tình với nhận xét này, chẳng hạn như Hien Ha Ngoc: Đã “ăn mày dĩ vãng” thì không quan tâm đến nguyên vọng của nhân dân, cảm xúc của người khác và xu thế của thời đại!
***
Bất kể thế nào, chắc chắn sẽ có một tượng đài vinh danh Lenin ở trung tâm thành phố Vinh. Sau khi bỏ thời gian tra cứu trang leninstatues.ru, Trần Hậu cho biết, trước 1991, trên toàn thế giới có 14.290 tượng đài Lenin với nhiều kích thước khác nhau nhưng đến nay thì bị đập bỏ, dọn dẹp và chỉ còn chưa tới một nửa (7.194). Tuy tượng đài Lenin ở Nghệ An sẽ khiến con số này tăng thêm một nhưng thêm một là vì đầu cơ chính trị và tham nhũng chứ không phải vì kính trọng lãnh tụ giai cấp vô sản toàn thế giới (4).
Khi bất bình nhưng không thể cản được các công bộc tìm cách cấu xé tiền của mình, bên cạnh chỉ trích, dân chúng Việt Nam thường bỡn cợt. Những bỡn cợt kiểu như Mậu Nguyễn Đức: Nếu tượng mang tên Lenin mà có diện mạo… Lê Duẩn thì .. cũng được! Cũng cùng họ… Lê và cũng cùng… đảng cộng sản. Tự biết không thể cản được việc xây dựng tượng đài Lennin vì đó là cơ hội cả hệ thống chấm mút, Phạm Thành Hưng mong rằng, xây dựng xong, tượng Lenin hóa ra… tượng cụ Lê Đình Kình!
Sự kiện Nghệ An xây công viên tưởng niệm và dựng tượng Lenin khiến hàng chục ngàn người sử dụng mạng xã hội chuyển cho nhau xem lại thông tin, năm 2018, Nghệ An chỉ thu được 12.691 tỉ trong khi chi tới 23.780 tỉ (5). Khoản thiếu hụt do chênh lệch thu – chi hơn 11.000 tỉ đồng ấy tất nhiên là tiếp tục đi xin như đã, đang và sẽ còn xin hỗ trợ. Trung Tran đã thử tính và nhắc nhở mọi người: Mỗi ngày, toàn quốc phải cấp cho Nghệ An khoảng 30 tỉ đồng để chi tiêu và Nghệ An hăm hở… dựng tượng Lenin (6).
Nhiều người dè bỉu, phẫn nộ trước việc chính quyền tỉnh Nghệ An trâng tráo khi vừa ngửa tay xin tiền hỗ trợ hết năm này tới năm khác, vừa bày ra đủ loại dự án, công trình như tượng đài Lenin. Sự dè bỉu, phẫn nộ đó tất nhiên là chính đáng nhưng nếu Lenin đã trở thành biểu tượng của độc đoán, vô cảm, bất nhân, đói nghèo, đau khổ triền miên thì rõ ràng việc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đồng ý cho chính quyền tỉnh Nghệ An dựng tượng Lenin là hết sức hữu lý, hợp logic!
Chú thích
(1) https://baonghean.vn/dung-tuong-dai-lenin-tai-trung-tam-thanh-pho-vinh-262610.html
(2) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10157887199963965&set=a.10150708808583965&type=3&theater
(3) https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/1901156026684485
(4) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10218828128868666&set=a.2303325136973&type=3&theater
(5) https://m.baonghean.vn/nam-2018-nghe-an-se-phai-bu-chi-hon-11000-ty-dong-198285.html
(6) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2382537205181305&id=100002751456427
Leave a Comment