Hầu hết các ‘đối tác chiến lược toàn diện’ của Việt Nam đã chẳng có ý kiến gì về vụ Bãi Tư Chính. Một sự ghẻ lạnh lạ lùng xâm phủ bộ mặt chính thể luôn tự hào có rất nhiều quan hệ đối tác chiến lược.
Vài ngày sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng “lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam”, phía Trung Quốc đã một lần nữa phản ứng đúng theo cái cách xem Biển Đông là ao nhà của mình.
Ngày 19/8/2019, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng, tàu Hải Dương Địa Chất số 8 hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này và yêu cầu quốc gia có liên quan tôn trọng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng
Đây là lần thứ hai Bắc Kinh phản ứng như thế.
Lần phản ứng đầu tiên của Trung Quốc xảy ra vào cuối tháng 7 năm 2019, khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng cáo buộc Việt Nam “vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc đối với bãi Tư Chính kể từ Tháng Năm,” “Trung Quốc đã thể hiện quan điểm của mình và đang liên lạc với phía Việt Nam” và “Chúng tôi kêu gọi phía Việt Nam xử lý phù hợp vụ việc.”
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam là Lê Thị Thu Hằng cho biết Hà Nội đã “trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam,” một cử chỉ can đảm mang tính quá hiếm muộn của giới chóp bu Việt Nam về thế buộc phải đối đầu với “thiên triều.”
Cách thức tuyên bố trên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là rất tương đồng với chiến thuật lấn dần từng bước vào Biển Đông và biến các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt là những vùng biển có trữ lượng dầu khí lớn mà Việt Nam đang tự khai thác hoặc liên doanh với những đối tác nước ngoài để khai thác, thành vùng “tranh chấp chủ quyền” giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Cách tuyên bố mang tính khẳng định về vùng chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực bãi Tư Chính có thể sẽ khiến một số quốc gia trên thế giới – vốn không am hiểu lắm về lịch sử chủ quyền vùng biển của Việt Nam và những mưu tính lắt léo trong “đường lưỡi bò 9 đoạn,” tỏ ra dè dặt hơn nếu những nước này có ý muốn ủng hộ Việt Nam tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, hoặc tại một tòa án quốc tế trong trường hợp Việt Nam dám kiện Trung Quốc ra trước thế giới, cho dù Việt Nam được đặt vào ghế “thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc” vào năm 2019.
Tuyên bố về “chủ quyền bãi Tư Chính” của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc còn cho thấy một ý định quá đáng sợ của Bắc Kinh mà khiến “đảng em” Việt Nam mất ngủ: Trung Quốc chưa hề có ý định rút tàu khỏi khu vực bãi Tư Chính.
Thậm chí Trung Quốc còn có thể điều động thêm những tàu thăm dò địa chất và kể cả điều động một giàn khoan khồng lồ như cái cách của Hải Dương 981 vào năm 2014, vào khu vực bãi Tư Chính để khoan dầu, như một cách ăn cướp cực kỳ trắng trợn tài sản ngay trong nhà của người khác.
Cho tới thời điểm này, Trung Quốc còn tạm thời giành được một lợi thế trên phương diện quan hệ quốc tế và ngoại giao so với Việt Nam: Hội Nghị Các Bộ Trưởng ASEAN diễn ra ở Thái Lan vào cuối Tháng Bảy, đầu Tháng Tám 2019 đã chỉ đề cập khá chung chung và “quan ngại” về tình hình Biển Đông mà không hề nhắc đến cái tên Trung Quốc.
Trong khi đó, hầu hết các ‘đối tác chiến lược toàn diện’ của Việt Nam đã chẳng có ý kiến gì về vụ Bãi Tư Chính. Một sự ghẻ lạnh lạ lùng xâm phủ bộ mặt chính thể luôn tự hào có rất nhiều quan hệ đối tác chiến lược.
Còn Hoa Kỳ, đối trọng duy nhất của Trung Quốc trên thế giới, cũng là quốc gia đầu tiên và có lẽ duy nhất lên tiếng gián tiếp ủng hộ chính quyền Việt Nam phản đối Trung Quốc can thiệp vào bãi Tư Chính, đã trở nên dè dặt hẳn về những phát ngôn và hành động tiếp theo, sau khi chứng kiến giới chóp bu Việt Nam vẫn như bị vẹo xương sống trước “người đồng chí tốt.”
Chưa có gì rõ ràng về triển vọng hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Hải Quân Mỹ, đang tiến hành tuần tiễu ở Biển Đông, sẽ can thiệp trực tiếp vào vụ Bãi Tư Chính./.
Leave a Comment