Thằng cháu con chị gái tôi sinh năm 1977. Ngày nó học mẫu giáo, có lần tôi ở bộ đội về cầm tập vở của nó vừa đọc “a, bê, xê…” (abc), liền bị nó giật lại, nhìn tôi bằng nửa con mắt, nói cậu đọc bậy, phải đọc là “a bờ cờ…”. Chị tôi cười, nói chừ cải cách rồi, phải đọc như rứa đó. Cô họ tôi ngồi cạnh nói chen vào, rửng mỡ chớ cải cách chi. Cuộc cải cách này đã biến tôi, nói đúng hơn là biến thế hệ “a bê xê” từ chúng tôi trở về trước thành những kẻ dốt, dù học hành tới đâu cũng không thể dạy chữ cho con cháu mình trong nhà được.
Nước Trung Hoa của Mao Trạch Đông cải cách chữ viết, biến chữ Hán phồn thể thành giản thể, mục đích chính đáng của nó là đơn giản hóa cách viết nhằm thúc đẩy nhanh công cuộc xóa nạn mù chữ, nhưng đã để lại những di hại nặng nề về văn hóa. Nó không chỉ khiến cho khá đông người Trung Quốc hiện đại dù biết chữ nhưng không đọc được lịch sử viết bằng tiếng mẹ đẻ của họ mà còn tước đi thần thái và vẻ đẹp thâm sâu của chữ Hán, điều đó đã được nhiều thế hệ học giả chỉ rõ. Đó cũng là lý do mà Trung Hoa dân quốc (Đài Loan) cấm chữ giản thể.
Nhưng dù sao thì cải cách chữ viết của Trung Quốc cũng có mục đích. Còn “cuộc cải cách a bờ cờ” của Bộ Giáo dục nước ta trước đây chẳng có một mục đích tốt đẹp gì, nó không làm cho việc học chữ dễ dàng hơn, thế hệ “a bờ cờ” văn không hay hơn chữ không tốt hơn thế hệ “a bê xê”. Tác dụng duy nhất của nó là tạo một sự cách biệt giữa các thế hệ trong gia đình, đừng tưởng sự cách biệt văn hóa đó là không lớn.
Giờ đây Bộ Giáo dục lại đem trẻ con ra làm vật thí nghiệm cho một “cuộc cách mạng đánh vần”. Cái gọi là “công nghệ giáo dục” này cũng chẳng có một mục đích “thiện lành” gì hết, nó chỉ làm hoang mang các bậc cha mẹ và tiếp tục tạo thêm một sự cách biệt văn hóa giữa các thế hệ trong gia đình.
Ngôn ngữ là thứ quy ước truyền thống, nó không phải là chuyện đúng hay sai của những kẻ ngồi trên salon nghĩ ra và tranh cãi, mà là sự di truyền xã hội, nó chỉ tồn tại khi được tuyệt đại đa số mọi người trong một cộng đồng chấp nhận sử dụng làm phương tiện giao tiếp và truyền đạt lại cho nhau. Bởi vậy mới có những thứ tiếng khác nhau như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Việt, tiếng Trung Quốc, v.v… Và cần biết rằng, đã có nỗ lực sáng tạo ra quốc tế ngữ (Esperanto), được coi là thứ ngôn ngữ khoa học và logic nhất có thể áp dụng chung cho nhân loại, nhưng nỗ lực đó đã thảm bại.
Cuộc cách mạng “a bờ cờ” mấy chục năm rồi mà người dân như tôi đây nuốt vẫn chưa trôi. Bộ Giáo dục đừng rửng mỡ nữa nhé, hãy để cho người dân và con cái họ được sống yên lành với cách nói, cách học, cách đánh vần truyền thống của mình !
Leave a Comment