Lê Quỳnh – Trí Việt
Thảm họa vỡ đập Xepian Xe Nam Noy, huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Lào một lần nữa cho thấy an toàn đập trên lưu vực sông Mekong là một vấn đề thực sự đáng lo ngại. Đây không phải là lần đầu đập thủy điện bị vỡ, mà năm ngoái đã có đập Nam Ao ở tỉnh Xayxomboun, Lào, bị vỡ đã làm ngập 7 làng…
Tối ngày 23.7, vết nứt cộng tình trạng mưa lớn nhiều ngày đã khiến đập phụ của dự án thủy điện XePian Xe Namnoy bị vỡ, khiến 7 ngôi làng với 1.300 hộ và hơn 6.000 người vẫn đang bị ngập trong nước lũ.
Hãng thông tấn Lào LNA cho hay, hơn 5 tỷ mét khối nước, tương đương hơn 2 triệu bể bơi Olympic, đổ xuống hạ lưu khi đập vỡ. Thủ tướng Lào ngày hôm qua, 25.7 đã chính thức cho biết, đập bị vỡ đã khiến 26 người thiệt mạng, 131 người mất tích.
Dự án này do các nhà thầu Thái Lan, Hàn Quốc và Lào phụ trách. Dự án đã được hoàn thiện 90% và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2019, trị giá 1,02 tỷ USD. 90% sản lượng điện từ công trình sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan, phần còn lại hòa vào lưới điện địa phương.
Thông cáo chính thức từ phía Việt Nam tối hôm qua, ngày 25.7, nhận định ban đầu của Bộ TNMT, sự cố vỡ đập thuỷ điện XePian Xe Namnoy sẽ không gây tác động đáng kể tới đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam; với trong khoảng 4 – 5 ngày tới, mực nước tại đầu nguồn sông Cửu Long gia tăng thêm tối đa khoảng 5 – 10cm.
Đồng tình, trao đổi thêm với chúng tôi, ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái ĐBSCL cũng cho biết, vụ vỡ đập thủy điện Xepian Xe Nam Noy sẽ ít có khả năng ảnh hưởng lớn đối với ĐBSCL. Lý do, hiện ĐBSCL đang là mùa lũ, nước chảy tràn trên diện rộng; hơn nữa đập Xepian Xe Nam Noy nằm ở dòng nhánh dù là cuối cùng đổ ra sông Mekong nhưng nằm cách chúng ta khá xa, khoảng 650km.
Tuy nhiên ông Thiện nhận định: đối với ĐBSCL, điều lo ngại nhất là vỡ đập dây chuyền. Đặc biệt là đối với đập Sambor dự kiến xây ở Campuchia trên dòng chính Mekong, và gần ĐBSCL nhất.
“Hình dung sông Mekong như một cái cây có nhiều nhánh lớn, nhánh lớn lại phân ra nhánh nhỏ thì ĐBSCL nằm ở gốc cây và đập Sambor nằm ở thân cây phía trên ĐBSCL. Đập Sambor sẽ gánh chịu rủi ro của tất cả các đập phía trên, bất cứ đập nào phía trên vỡ đều cuối cùng ảnh hưởng đến Sambor”, ông Thiện nói.
Từ đập Xayaburi đến Sambor và tác động dây chuyền
Ông Nguyễn Hữu Thiện nhận định, trong số các đập phía trên thượng nguồn ở dòng chính sông Mekong, đập đáng lo ngại nhất là đập Xayaburi đã khởi công năm 2011.
Xayaburi nằm trên đường đứt gãy địa chất đang hoạt động. Các nhà khoa học của Đại học Chula Longkorn của Thái Lan đã cảnh báo trong 30 năm tới, có 30% khả năng xảy ra động đất trung bình, và 10% khả năng xảy ra động đất lớn vùng này.
Thực tế năm 2011 đã có 2 vụ động đất ở vùng Xayaburi, may mắn lúc đó chưa có đập.
Vì vậy, khi đập Xayaburi hoàn tất, sức nặng của nước trong hồ chứa có thể đè lên vỏ trái đất gây động đất kích thích.
“Nếu Xayaburi bị vỡ, nước sẽ lùa xuống đập kế tiếp bên dưới, cũng đang đầy nước, và lùa tiếp xuống đập kế tiếp với số nước 2 đập cộng lại và tiếp tục như thế đến đập Sambor thì Sambor chắc chắn sẽ vỡ”, ông Thiện nhận định.
Sambor theo phương án ban đầu có chiều ngang 18km, cao 56m, có diện tích hồ chứa 620km2, tích trữ nước ở cao trình 40m trên mực nước biển, trong khi cao trình của ĐBSCL là chỉ khoảng 1 mét trên mực nước biển.
Theo ông Thiện, đây sẽ là quả bom nước treo lơ lửng phía trên ĐBSCL, nếu phía trên có đập vỡ lùa nước xuống vỡ dây chuyền thì Sambor sẽ bị vỡ. Khi đó sẽ cực kỳ nguy hiểm đối với ĐBSCL.
Bị động và thiếu cơ chế ràng buộc
Thảm họa vỡ đập Xepian Xe Nam Noy một lần nữa cho thấy an toàn đập trên lưu vực sông Mekong là một vấn đề thực sự đáng lo ngại.
Thực tế, đây không phải là lần đầu đập thủy điện bị vỡ. Tháng 9.2017 đã có đập Nam Ao ở tỉnh Xayxomboun (Lào) bị vỡ, với 500 nghìn m3 nước tràn ra, làm ngập 7 làng. Trả lời báo giới lúc đó, ông Chanthong Sanavanh, giám đốc công ty đã cho rằng, đập vỡ do mưa lớn từ thượng nguồn, không phải do thiết kế của đơn vị.
Một điều đáng lo ngại khác, ông Nguyễn Hữu Thiện nhận định, vụ vỡ đập Xepian Xe Nam Noy cho thấy tình thế rất bị động, xảy ra thiệt hại lớn về người. Điều này cho thấy cách làm thủy điện trong lưu vực Mekong chưa đạt độ chuyên nghiệp, tin cậy. Lẽ ra khi thiết kế đập thì đã có mô phỏng các tình huống vỡ đập, đi kèm là các kế hoạch khẩn cấp để không có thiệt hại lớn. Tình hình của vụ vỡ đập Xepian Xe Nam Noy đã không chứng minh được điều đó.
Ngày 25.7, thông cáo từ Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) cũng nhấn mạnh: nhiều đập đang, sẽ hoạt động không được thiết kế để có thể đối phó với các sự kiện thời tiết ngày một khắc nghiệt và khó định đoán hơn. Từ đó IR khuyến cáo các nhà tài chính, hoạch định và khai thác thủy điện trên dòng Mekong phải khẩn trương đánh giá khả năng và đảm bảo an toàn của các đập; đặt an toàn của hàng triệu người dân ở hạ lưu đập lên hàng đầu.
Cuối tháng 3.2018, Ủy hội Mekong (MRC) công bố Nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong (Council Study – CS), sau 5 năm thực hiện, đã chỉ ra nhiều tác động tiêu cực nghiêm trọng, nếu 11 thủy điện trên dòng chính Mekong được xây dựng.
Mặc dù đưa ra nhiều lợi ích như thúc đẩy giao thông thủy, lợi ích kinh tế cho các quốc gia từ điện năng và đầu tư, phát triển thủy điện, tuy nhiên, thiệt hại cũng vô cùng lớn.
Ước tính, sinh khối cá giảm từ 15 – 40% với 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan đến năm 2020 so với năm 2017; giảm từ 30 – 55% đến năm 2040.
Đến năm 2020, chỉ còn 33% lượng trầm tích (so với năm 2017) chảy đến đồng bằng; và đến năm 2040, tỉ lệ này chỉ còn 3%,…
Tuy vậy, đánh giá của giới chuyên gia, khoa học và nhà hoạt động môi trường, rất cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề đối với việc xây dựng thủy điện trên dòng chính Mekong hiện nay của các nước. Trong đó, cần tính toán đến việc mở rộng hợp tác vượt quá khuôn khổ nguồn nước; tiến tới năng lượng và các lĩnh vực tài nguyên khác, trong xu thế năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh như hiện nay.
Các cơ chế giám sát và chia sẻ lợi ích, bao gồm rủi ro cần cụ thể hơn; kể cả xác định vai trò, trách nhiệm của bên điều hành chung, hay tiến tới khả năng cần những cơ chế ràng buộc pháp lý.
Thực tế, việc chỉ dựa vào các cam kết khắc phục và chỉnh sửa dự án thủy điện của các nước trong quá trình xây dựng thủy điện không phải là một giải pháp hiệu quả cho vấn đề hiện nay.
Nguy cơ mối họa từ “quả bom nước”
“Việt Nam sẽ bị thiếu hụt nước và mặn xâm nhập vào mùa khô; tiềm ẩn rủi ro khi hồ chứa nước bị vỡ và xả nước khi gặp mưa bão sẽ gây lũ lụt nghiêm trọng”, TS. Lê Phát Quới, viện Tài nguyên môi trường TP.HCM nhận định về tác động của dự án Sambor nếu nó được xây dựng.
Những tác động này không chỉ với Việt Nam, mà cả Campuchia.
Còn với phía thượng nguồn và trong khu vực Campuchia, theo TS. Lê Phát Quới, Sambor sẽ chặn di cư của cá lớn giữa nam Lào và hồ Tonle Sap (địa điểm đánh bắt thủy sản nước ngọt lớn nhất thế giới, với dân số phụ thuộc tới 75% vào nguồn cung cấp đạm động vật từ thủy sản nước ngọt – PV); phá hủy môi trường sống của nhiều loài thủy sản nước ngọt quan trọng như cá hô, cá tra dầu và làm gián đoạn dòng sông thủy văn, trầm tích và chu kỳ dinh dưỡng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái rộng lớn hơn của lưu vực sông…
Tính toán trong nghiên cứu của Colin Thorne và cộng sự cho thấy, nếu xây dựng Sambor, lượng trầm tích bị bẫy lại lũy tích sẽ khoảng 16,4 triệu tấn/năm (trong khi nếu 11 đập chính trên dòng Mekong đi vào hoạt động, lượng trầm tích này sẽ khoảng 20,7 triệu tấn/năm).
Còn theo Cơ quan Thuỷ sản Campuchia, chỉ riêng đập Sambor dự kiến giảm sản lượng cá và các loài thủy sản khác từ 16 – 30%.
Con đập này cũng sẽ khiến loài cá heo Irrawaddy khu vực này bị tuyệt chủng nếu Sambor được xây dựng, theo WWF.
Khoảng 19.000 người dân sinh sống ở 4 đảo khu vực này phải di dời, nếu Sambor được xây dựng – theo nhà thầu Trung Quốc China Southern Power Grid Company (CGS) của con đập này…
Sau nhiều năm im ắng, khi nhà thầu Trung Quốc CGS rút lui vì “tác động môi trường quá lớn” vào năm 2011, nhiều động thái hiện nay của Campuchia và Trung Quốc cho thấy, dự án này có thể sẽ được xây dựng lại.
Theo tờ Mogabay, phát biểu của một phát ngôn viên của Chính phủ Campuchia cho thấy, Sambor là một dự án ưu tiên của Chính phủ, nằm trong kế hoạch Năng lượng tổng thể của đất nước này; dự kiến sẽ được hoàn thành trong ba giai đoạn từ năm 2025 – 2027, với tổng công suất 1.800 MW.
Tác giả gửi Trí Việt News
Leave a Comment