Tôi sẽ nhớ, hoặc lưu lại danh sách 496 đại biểu Quốc Hội khóa XIV lần này bằng thái độ của một người viết trung dung, ghi lại một thời đoạn buồn bã của đất nước, dân tộc.
Chưa bao giờ, người dân lại chứng kiến một khóa QH nặng nề như hiện tại. Thuế khóa, giao thông, giáo dục, y tế… đè nặng lên cuộc sống người dân. Những tư duy áp đặt một chiều đã khiến dân tình bức xúc. Ra đến nghị trường, sự bức xúc ấy không những không được giải tỏa mà còn khuếch đại thêm.
Thậm chí, đôi lúc, nhiều quan chức và đại biểu nói như thể “có thù” với nhân dân. Những “trạm thu giá” của ông Thể, “học giá” của ông Nhạ, “không có Trung Quốc” của ông Dũng, “lót ổ phượng hoàng” của ông Lưu, hoặc những lời nói dối trơ trẻn, xảo trá của ông ông Kiên… Đó là những thái độ “vắt chanh vào tai” nhân dân, coi thường nhân dân. Hậu quả của việc coi thường cảm xúc nhân dân, như các vị đã thấy rõ. Chiếc lò xo nén đã bung ra.
Tôi sẽ chép lại, trong ngày nhân dân xuống đường, 496 vị đại diện cho nhân dân ấy, không một ai đứng cạnh nhân dân. Thậm chí là khi kết luận nhân dân “lệch lạc”, không một vị nào dám cầm tay nhân dân để đối thoại về điều đó. Vẫn là một thái độ lãnh cảm, chuyên quyền và áp đặt suy nghĩ. Ở ‘điểm nóng’ Bình Thuận, đoàn đại biểu có 7 người, tất cả đều bặt tiếng !
Trong những ngày “biến cố” này, khi báo chí im tiếng hoặc không dám lên tiếng, các vị đã tiếp nạp thông tin qua mạng xã hội. Có tốt, có xấu, có đúng có sai. Đó chính là sự đa dạng của cuộc sống mà chỉ có kẻ nào be đỡ, bủa vây lợi ích mới nghĩ đến việc cấm đoán. Đại biểu có nằm trong thành lũy lợi ích đó hay không, nút bấm sẽ biểu thị điều đó.
Mạng xã hội là cách mạng thông tin thời đại. Một nút bấm “bạc nhược” hoặc “tư lợi” sẽ kéo đất nước về phía mông lung, thêm một lần chậm lại với thế giới. Sẽ khiến tương lai mờ mịt hơn, trong đó có cả con cháu các vị.
Luật an ninh mạng, có nhiều điều khoản vi hiến và ảnh hưởng cực lớn đến lợi ích quốc gia, như nhiều chuyên gia đã phân tích. Đại biểu QH, những nhà lập pháp, thừa hiểu điều đó. Ai vẫn bấm thông qua tức là chống lại hiến pháp, chống lại lợi ích quốc gia.
Nên nhớ rằng, không phải chính đảng, nhân dân mới là người trả lương cho đại biểu quốc hội để thực thi nguyện vọng, ý chí của họ. Nếu có xung đột giữa chính đảng và nhân dân, thì đại biểu là bên trung gian giải tỏa điều đó và đương nhiên, đặt lợi ích nhân dân lên trên.
Nếu ăn bổng lộc của dân mà k vì lợi ích của dân, thì với tư cách một người dân, tôi nói thẳng là không cần các vị
496 nút bấm và hơn 92 triệu số phận. Mong các vị nghĩ đến điều đó!
Leave a Comment