Có lẽ, chúng ta phải thừa nhận với nhau rằng, trong một bộ bài có 52 lá, không lá nào giống lá nào, trong quốc hội có gần 500 đại biểu, nhưng hầu hết các “lá bài” đều giống nhau, bởi trên 95 % đại biểu quốc hội đều là đảng viên.
Khi bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố “Bộ Chính trị quyết định rồi, phải bàn để cho ra được Luật Đặc khu”, mà người đứng đầu Bộ Chính trị không phải ai khác, chính là tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì phần lớn đảng viên, đại biểu quốc hội phải nghe theo, như một lẽ đương nhiên.
Còn việc một số đại biểu thường xuyên phản đối, ta cũng chỉ xem như là ý đồ của đạo diễn, để bộ phim thêm phần kịch tính, có vài vai diễn phản diện, thì mới thuyết phục được khán giả.
Mấy tiếng đồng hồ trước, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có phát biểu “quy định về thời hạn cho thuê đất không phải là vấn đề quyết định”, cũng đồng nghĩa với việc chắc chắn Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ được thông qua, còn việc cho thuê đất 99 năm ở đặc khu tôi tin rằng Bộ Chính trị đã đồng ý, xuất phát từ đề nghị bắt buộc của Trung Quốc.
Luật sẽ được thông qua, đặc khu sẽ được thiết lập, còn kết quả cuối cùng về thời hạn cho thuê đất vẫn phải kỳ vọng vào sự thức tỉnh, thái độ cương quyết của các đại biểu quốc hội, làn sóng phản đối mạnh mẽ cũng như phương pháp đấu tranh hiệu quả của người dân. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì thực sự không mấy khả quan.
Nên nhớ, đây vẫn chỉ là một góc nhỏ trong một bức tranh tổng thể, để lý giải vì sao chính phủ lại sốt sắng đến vậy?
Mới đây, ngân hàng Thế giới (WB) đã lên tiếng cảnh báo Việt Nam là quốc gia có nợ công tăng nhanh nhất, vượt mức an toàn trong năm 2018, nếu không muốn nói nợ công ở Việt Nam đang ở mức cực kỳ nguy hiểm.
Điều đáng nói, cách tính nợ công của bộ Tài chính Việt Nam khác hoàn toàn so với cách tính của quốc tế, dường như họ cố tạo ra một viễn cảnh kinh tế đầy xán lạn để trấn an người dân và để kiều bào an tâm gửi tiền về…
Cách tính của bộ Tài chính chỉ nói đến khoản nợ của chính phủ, bộ máy công quyền, chứ không thấy nói tới nợ của các doanh nghiệp nhà nước, xí nghiệp công ích… trong khi năng lực trả nợ của Việt Nam là rất kém.
Người dân Việt Nam vẫn cảm thấy lạc quan cho tới một ngày nợ công bị vỡ, kết quả là không đủ khả năng nuôi công an, công chức,… nạn đói, bạo loạn, cướp bóc, thất nghiệp, người giàu tìm cách sang nước ngoài…
Nhìn vào cách nhiều trường tuyển sinh ồ ạt hiện nay cho tới các báo, đài hàng đầu phải hoạt động theo hình thức tự chủ tài chính là đủ biết. Mức lương được nhận ở mức tượng trưng, các công chức phải tham gia vào ván bài cướp bóc, lừa đảo, với nhiều hình thức khác nhau.
Biết được thực trạng đó, nhưng thay vì cải tổ hệ thống chính trị, thiết lập nền báo chí tự do, chính phủ đã tìm mọi cách tăng thuế, phí, bán tài nguyên, thắt chặt quyền tự do báo chí, cho ra đời dự luật an ninh mạng, đặc khu…
Hai đất nước, một thân phận!
Chúng ta cùng nhau liên tưởng tới câu chuyện bẫy nợ ở Sri Lanka, không còn khả năng trả nợ, Sri Lanka buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng biển Hambantota với thời hạn 99 năm (bắt nguồn từ sáng kiến Vành đai, Con đường của Tập Cận Bình).
Còn nhớ, trong chuyến thăm chính thức của Tập Cận Bình đến Việt Nam vào tháng 11/2017, Việt Nam cũng đã đồng ý với thỏa thuận liên quan đến sáng kiến của Tập, trong đó có Bản ghi nhớ thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai, Con đường”.
Và chỉ vài tháng sau đó, luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được thông qua, với đề xuất của thủ tướng Việt Nam là tăng thời hạn cho thuê đất 99 năm đối với người nước ngoài.
Nhưng, nói tới người nước ngoài chính là nói tới Trung Quốc, nói tới 99 năm chính là nói tới sáng kiến của Tập Cận Bình./.
Leave a Comment