Biên dịch: Nguyên Hải – Nghiên cứu quốc tế
Tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu số 8 năm 2011 có đăng bài của ông Cao Khải, nguyên Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu thuộc Ủy ban công tác pháp chế Quốc hội Trung Quốc, viết về nội dung liên quan trong Hiến pháp 1982, giúp mọi người hiểu rõ lý lẽ tại sao Hiến pháp 1982 không giữ lại điều nói về sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ].
Đầu tiên bài báo giúp bạn đọc nhận thức một vấn đề là phải làm rõ mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước. Trước đây người Trung Quốc chưa nhận thức rõ vấn đề đó, vì thế cách đặt vấn đề trong Hiến pháp 1982 khác hẳn trong Hiến pháp cũ. Cho tới nay [năm 2010], nhiều người cũng vẫn còn chưa hiểu rõ tính chất quan trọng của sự khác biệt này. Ngược lại, một số người có tác phong chuyên chế độc đoán sau khi giành được quyền lực trong các phong trào chính trị, qua đó trở thành cán bộ lãnh đạo thì vẫn chưa chịu tiếp thu cách đặt vấn đề [về sự lãnh đạo của Đảng] trong Hiến pháp 1982, thậm chí còn sử dụng và truyền bá những từ ngữ sai lầm trong Hiến pháp cũ để cho các “âm hồn tư tưởng cực tả” thời xưa tiếp tục lan truyền.
Hiến pháp cũ viết “Nước CHND Trung Hoa do Đảng CSTQ lãnh đạo” — điều này về tình cảm là hợp với tâm nguyện của chúng ta. Nhưng nếu suy nghĩ về câu chữ và về lý luận thì cách viết đó thể hiện sự thô bạo [nguyên văn hoành man] và gò ép, nhưng ai cũng chẳng muốn (chẳng dám) nói ra.
Hội nghị lần thứ 3 Trung ương ĐCSTQ khóa XI trong khi thanh toán các sai lầm của cuộc Cách mạng Văn hóa đã đạt được nhận thức thống nhất về các vấn đề nói trên — điều này có tác dụng rất quan trọng đối với công tác biên soạn bản Hiến pháp mới [tức Hiến pháp 1982, được sử dụng cho tới nay, có một số bổ sung sửa đổi].
Trong một nước độc lập và có sự tôn nghiêm quốc gia, bất kỳ đoàn thể hoặc tổ chức nào cũng đều phải tôn trọng nhà nước, phải tuân thủ pháp luật của nhà nước. Đảng CSTQ cũng phải như vậy: Đảng phải hoạt động trong phạm vi luật pháp nhà nước, không thể có mâu thuẫn với bất kỳ luật pháp nào của nhà nước, lại càng không được ra lệnh, chỉ huy nhà nước và nhân dân. Trên thế giới này, quốc gia nào dám nói mình là quốc gia “mong muốn thực hiện chế độ dân chủ” thì đều không cho phép bất cứ một tổ chức hoặc đoàn thể nào đứng cao hơn nhà nước. Nếu để cho một tổ chức hoặc đoàn thể nào đó đứng cao hơn nhà nước thì quốc gia đó sẽ biến thành một nước phong kiến độc tài chuyên chế, thậm chí còn không bằng ngay cả các nước theo chế độ tư bản. Giả thử để cho quyền thế của một người nào đó cao hơn nhà nước thì quốc gia đó là một quốc gia theo chế độ phong kiến do hoàng đế hoặc thái hậu chuyên quyền, thậm chí theo chế độ nô lệ. Kiến thức thông thường này chính là thứ trước kia chúng ta chưa nhận thức được.
Khi chưa hiểu được kiến thức thông thường nói trên thì người ta sẽ để cho một tổ chức nào đó, thậm chí một cá nhân nào đó, xuất phát từ thanh danh và sự ân oán của cá nhân mình mà tùy ý kiếm một lý do nào đấy để bừa bãi ra lệnh cho nhà nước và nhân dân, đẩy nhà nước xuống hố bùn của sự thống trị độc tài, phát sinh “nạn đói do con người gây ra” làm hàng chục triệu dân đen chết đói. Có cả trường hợp tồi tệ tới mức vì để trả mối tư thù thê thiếp mà không chút tiếc nuối đẩy cả quốc gia xuống vực sâu vô chính phủ gây ra biết bao vụ án oan án sai án giả, gây ra họa đại loạn tùy ý đâm chém, đốt phá, bắn giết nhau, biến nước nhà thành bãi chiến trường cướp phá giết chóc. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì đất nước sẽ lao xuống vực thẳm làm nhà nước tan rã. [Ở đây tác giả muốn nhắc tới các sai lầm của Mao Trạch Đông hồi thập niên 50-70 thế kỷ XX].
Hiến pháp 1975 của Trung Quốc có nhiều tệ nạn, chủ yếu là: trong bản Hiến pháp cả thảy chỉ có 30 điều văn thì có tới 4 điều (Điều 2, 13, 15, 16) nhắc đi nhắc lại lời khẳng định “Đảng cộng sản lãnh đạo”. Điều 26 lại còn quy định “quyền lợi và nghĩa vụ của công dân” là “phải ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản”. Hiến pháp sửa đổi trong thời gian Cách mạng Văn hóa còn xằng bậy hơn khi viết: “quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân là ủng hộ Chủ tịch Mao và Phó Chủ tịch Lâm bạn chiến đấu thân thiết của Người, ủng hộ Đảng CSTQ.” Ở đây người ta đặt cá nhân lên trên Đảng cộng sản; cá nhân và tổ chức đều cao hơn nhà nước và nhân dân.
Dùng luật pháp để quy định công dân không được phép ủng hộ các chính đảng khác mà mình yêu quý, như thế có thể coi là “quyền lợi của nhân dân” không? Nói thẳng ra một chút: “Đây là Hiến pháp của hai người: Mao Trạch Đông và Lâm Bưu”, cái gọi là “nhân dân” chẳng qua chỉ là “nô lệ do Hiến pháp quy định” mà thôi.
May sao vận mệnh của nhân dân Trung Quốc chưa đến nỗi đen đủi đến tột cùng: Ngày 13 tháng 9 năm 1971, Lâm Bưu tử nạn sau khi thất bại [trong âm mưu ám sát Mao], điều đó đã bóc trần sự bê bối nội bộ của cuộc đấu đá tranh giành quyền lực. Nhờ thế điều văn Hiến pháp được soạn thảo nói trên mới không bị “đóng dấu thông qua để thi hành”; nhân dân Trung Quốc mới chưa trở thành nô lệ của Mao-Lâm; việc soạn thảo Hiến pháp 1975 chỉ lưu lại một trò hề lịch sử.
Vì Trung Quốc đã tuyên bố là “nước cộng hòa theo chế độ hợp tác nhiều đảng”, tuyên bố Đảng cộng sản là đầy tớ [công bộc] phục vụ nhân dân. Như vậy nghĩa là nói nhân dân mới là chủ nhân. Thế nhưng Hiến pháp cũ lại quy định ông bà chủ phải ủng hộ đầy tớ, hơn nữa chỉ cho phép ủng hộ đầy tớ đã được quy định bằng văn bản. Sự ngược đời và mâu thuẫn như vậy há chẳng phải lại là một trò cười nữa hay sao?
Điều văn Hiến pháp cũ tuy có viết câu quyền lực tối cao của Nhà nước thuộc về “Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc [tức Quốc hội]”. Thế nhưng thực quyền đằng sau câu chữ ấy lại do người đứng đầu Đảng thao túng, cho nên người đó “không cần phải báo cho Quốc hội biết” đã dám bậy bạ quy chụp những tội danh vu vơ lên vị Chủ tịch nước do Quốc hội bầu lên, làm cho người ta chết oan. [Ý nói vụ Mao Trạch Đông giam giữ và hành hạ Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ đến chết]. Đây không chỉ là trò cười chưa từng có, hơn nữa còn là nỗi sỉ nhục chưa từng thấy trong lịch sử Trung Quốc từ xưa tới nay, là vết sẹo mất thể diện mãi mãi còn lại của dân tộc Trung Quốc.
Quốc phụ Tôn Trung Sơn từng ra lời kêu gọi làm cách mạng, trong đó có một trọng điểm là chống lại chế độ nhân trị xấu xa như Từ Hy Thái hậu, một cá nhân kiểm soát cả một quốc gia. Chúng ta ngày xưa phát động nhân dân tham gia cách mạng, nêu khẩu hiệu phải đánh đổ Tưởng Giới Thạch, trong đó có một lý do quan trọng là vì Tưởng thực hành chế độ “Đảng trị”, một đảng độc chiếm quyền lực nhà nước. Đó cũng là “chuyên chế độc tài”. Cho dù là “Nhân trị” hay “Đảng trị”, bất cứ sự “độc tài” nào đều là sự thống trị phản động bóp chết dân chủ.
Tác giả Cao Khải cho biết: ngay từ năm 1941 Đặng Tiểu Bình đã viết bài chỉ rõ: “Chúng ta phản đối ‘chuyên chính một đảng’ của Quốc Dân Đảng, dùng đảng để cai trị quốc gia [dĩ đảng trị quốc], nhất là phải phản đối cái di độc ấy của Quốc Dân Đảng truyền vào trong Đảng ta.” Hãy xem: trong thời gian trước và sau Cách mạng Văn hóa, việc dùng Hiến pháp để quy định “sự lãnh đạo của Đảng”, về thực chất là lợi dụng luật pháp cưỡng chế nhân dân tất phải ủng hộ Đảng cộng sản, thực hành “Dĩ Đảng trị quốc”.
Trong báo cáo sửa đổi Hiến pháp, Bành Chân [Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc] đã nói một cách rõ ràng: “Chúng ta phải từ trên luật pháp và trên thực tế bảo đảm công dân nước ta được hưởng quyền tự do rộng rãi, đích thực.” Đồng chí Cao Khải trong quá trình dự các cuộc họp của Quốc hội, nhất là khi chấp bút sửa Hiến pháp, đã đích thân được nghe các đồng chí Bành Chân, Tập Trọng Huân [cha đẻ Tập Cận Bình], Dương Thượng Côn, Bành Xung và nhiều lãnh đạo cấp Trung ương khác chỉ thị phải dầy công suy ngẫm, nghiêm chỉnh tổng kết, đi sâu nghiên cứu các bài học kinh nghiệm lịch sử.
Nhằm phòng tránh sự tái diễn các phong trào chính trị sai lầm như “Cách mạng văn hóa” [nên kể thêm cả phong trào Chống phái hữu và Đại Nhảy vọt], thì phải kiện toàn pháp chế, kiên quyết thực hiện dùng pháp luật để cai trị đất nước, kiên quyết phản đối “Nhân trị”, kiên quyết phản đối “dùng đảng để cai trị đất nước”. Khi tổng kết kinh nghiệm của Đảng CSTQ, đồng chí Hồ Cẩm Đào nói: “Một chính đảng trước đây tiên tiến không có nghĩa là hiện nay cũng tiên tiến; hiện nay tiên tiến không có nghĩa là mãi mãi tiên tiến.” Đây là một câu nói với thái độ khoa học thực sự cầu thị.
Công tác làm Hiến pháp 1982 được tiến hành trên cơ sở coi trọng các bài học kể trên, tiếp thu tư tưởng dẹp loạn, phục hồi trật tự xã hội và cải cách mở cửa; bởi vậy mới có thể dứt khoát xóa bỏ tất cả những từ ngữ đại loại như “Trung Quốc là do Đảng cộng sản lãnh đạo”, xóa bỏ quy định cứng nhắc “công dân tất phải ủng hộ Đảng CSTQ”, cũng xóa bỏ tên của các cá nhân Mác, Lê-nin, Mao Trạch Đông, làm cho Hiến pháp kiên trì nguyên tắc “Nhân dân là cao nhất”, từ chối bất cứ chính đảng và cá nhân nào cao hơn nhà nước và nhân dân.
Hiến pháp Trung Quốc 1982 có 4 chương, 138 điều văn pháp luật. Toàn bộ các điều văn đó đều được viết bằng ngôn ngữ pháp lý có tính quy phạm. Trong các điều văn này từ đầu đến cuối đều không còn sử dụng từ “đảng cộng sản”, cũng không xuất hiện những từ ngữ như “do đảng nào đó lãnh đạo”, lại càng không có luận điệu sai lầm đại loại như “tiếp tục làm cách mạng dưới nền chuyên chính vô sản”.
Hiến pháp cũ phủ nhận chuẩn tắc “trước pháp luật mọi người đều bình đẳng” được cả thế giới nhất trí tuân theo. Bất cứ quốc gia nào tôn trọng nhân dân đều coi trọng chuẩn tắc đó. Trong quá trình làm Hiến pháp mới, các nhà cách mạng lớp trước đều nhiều lần nhấn mạnh Hiến pháp nhất định phải thể hiện chuẩn tắc này.
Ở đây cần nhắc nhở mọi người: cho tới hiện nay vẫn còn có một số người có xu hướng thích sự thống trị độc tài đang nghĩ cách tìm ra các khe hở nào đó trong Hiến pháp mới, dùng các thủ đoạn giả dối và ngụy trang để công khai hoặc ngấm ngầm ngăn chặn và xâm phạm quyền tự do dân chủ của nhân dân. Các bậc cách mạng lão thành đề xuất: Đảng CSTQ khẳng định sẽ cùng nhân dân các dân tộc trong cả nước, các đảng phái dân chủ, các đoàn thể nhân dân bảo vệ sự tôn nghiêm của bản Hiến pháp mới và bảo đảm thực hiện bản Hiến pháp này.
Leave a Comment