Quảng Cáo

Ông Phúc lại “nổ” ở Úc!

Nguyễn Xuân Phúc và Thủ Tướng Úc Malcom Turnbull

Quảng Cáo

Đỗ Đăng Liêu – Web Việt Tân

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ Tướng CSVN, đã đến Úc từ ngày 13/3 đến 18/3/2018, với 2 công việc chính là dự Hội Nghị Cấp Cao Úc – ASEAN và đẩy mạnh quan hệ Úc – Việt.

Trong quan hệ Úc – Việt, ông Phúc đã có một số buổi tiếp xúc giới chức Úc, chứng kiến những buổi lễ ký kết các thoả thuận về thương mại, giáo dục và quốc phòng với Úc. Dư luận sửng sốt khi ông Phúc khoe rằng ¾ số điện thoại Samsung (của Hàn Quốc) mà dân Úc đang sử dụng đến từ Việt Nam, để kêu gọi doanh nhân Úc mau mau… đầu tư vào Việt Nam!

Trong thực tế, quan hệ thương mại giữa CSVN và Úc còn rất khiêm nhường. Hiện nay kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều giữa CSVN và Úc Châu là 6,46 tỷ Mỹ Kim (2017), nhưng theo bà Trịnh Thị Thu Hiền một cán bộ cao cấp của Cục Xuất Nhập Khẩu của Bộ Công Thương Việt Nam, cho biết là giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang Úc rất khiêm tốn, chỉ ở mức 1,6% so với tổng giá trị xuất khẩu vào thị trường Úc. Điều này cho thấy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không cạnh tranh nổi các hàng hóa từ những quốc gia khác nên vì thế ông Phúc đã “khoe khoang” sảng như nói trên.

Nhưng “thành quả” lớn nhất mà ông Phúc khoe là quan hệ Úc – Việt đã tiến lên thành “Đối Tác Chiến Lược”.

Tám năm trước đây, Úc và CSVN đã thiết lập quan hệ Đối Tác Toàn Diện và 2 năm thực hiện quan hệ Đối Tác Toàn Diện tăng cường nên vì thế bây giờ phải nâng lên thành “Đối Tác Chiến Lược” .

Từ ngữ “Đối Tác Chiến Lược” có khả năng tạo ấn tượng là hai quốc gia liên hệ như được cột chặt vào nhau trong một liên minh đói no sống chết có nhau.

Thực tế hoàn toàn không phải như vậy.

Cho đến nay có 3 “khái niệm” được nhà cầm quyền Hà Nội sử dụng để giải thích về mức độ quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa CSVN với một nước khác. Đó là các từ “đối tác chiến lược”, “đối tác toàn diện” và “đối tác chiến lược toàn diện”. Tuy được sử dụng chính thức và rộng rãi, ý nghiã của các từ ngữ, hay những khái niệm này nói chung cho đến nay rất mơ hồ và sử dụng tùy tiện.

Tính tới tháng 3/2018, Việt Nam có 16 nước là “đối tác chiến lược” (Úc là quốc gia thứ 16) – trong đó có 3 nước là “đối tác chiến lược toàn diện” – và 11 nước là đối tác toàn diện.

Nhà cầm quyền CSVN đã dựa trên hai yếu tố: khả năng đóng góp vào “an ninh” và “thịnh vượng” của Việt Nam, để từ đó quy định về “đối tác chiến lược”.

Trong những quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện với Việt Nam thì có những trường hợp mức độ quan trọng của quan hệ ngoại giao (dựa trên 2 tiêu chuẩn kể trên) không những không đủ để gọi là “quan trọng” chứ chưa nói đến gọi là “chiến lược” (như trường hợp của Tây Ban Nha và Ý Đại Lợi). Nói chung là có sự lạm dụng từ ngữ. Theo nhận định chung của các chuyên gia thì Việt Nam hiện đang lạm phát “đối tác chiến lược”. Khi có quá nhiều “đối tác chiến lược”, nhất là không đủ tiêu chuẩn, thì mất đi ý nghiã của khái niệm “chiến lược”.

Bản “Tuyên Bố Chung Đối Tác Chiến Lược Việt Nam – Australia”, ký tại Canberra ngày 15 Tháng 3 năm 2018, với 37 điểm, chỉ bao gồm những câu viết thuộc loại “chung chung” như “cam kết thúc đẩy” hay “cam kết tăng cường hợp tác”,… cho thấy là nó hoàn toàn không có tham vọng hay khả năng ràng buộc hai bên thi hành bất cứ điều gì.

Nếu xét “thành tích” quá khứ của CSVN với những tráo trở, những hành động bất tuân luật pháp quốc tế, cũng như việc vi phạm chính những điều họ đã ký kết, thì thấy ngay là một tài liệu với nội dung lỏng lẻo như Tuyên Bố Chung mà Úc và CSVN vừa ký kết hoàn toàn không có một chút giá trị thực tế nào bởi vì CSVN đã chứng tỏ là họ sẵn sàng vi phạm ngay cả những điều khoản có tính cách bắt buộc rõ ràng hơn nhiều so với bản tuyên bố nói trên.

Bằng chứng gần đây nhất là việc CSVN trắng trợn hành xử như côn đồ khi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh giữa ban ngày ban mặt tại Thủ Đô nước Đức. Chỉ một việc làm vô pháp và bất chấp như vậy, mà cả thế giới đều biết rõ, cũng đủ cho thấy là CSVN sẽ sẵn sàng tiếp tục vi phạm bất cứ những gì họ đã ký kết.

Nước Úc tuy không phải là một cường quốc kinh tế hay quân sự nhưng là một thành phần trong “liên minh tứ trụ” (hay còn gọi là “tứ giác kim cương) Mỹ – Nhật – Ấn – Úc mà mục tiêu căn bản là bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông hiện đang bị Trung Cộng đe dọa. Ở cương vị này, và là một quốc gia liên minh sống chết với Hoa Kỳ, thái độ và ứng xử của nước Úc trên Biển Đông sẽ ngày một đối nghịch với lập trường của Trung Cộng, và từ đó đối nghịch với CSVN khi tập đoàn lãnh đạo CSVN mỗi ngày một lệ thuộc nhiều hơn và hành xử như một tay sai của Trung Cộng. Như vậy, quan hệ Úc và Việt Nam “chiến lược” ở chỗ nào?

Xét như vậy để thấy rằng thành quả “đối tác chiến lược” với Úc mà ông Phúc khoe khoang trong chuyến đến Úc lần này trong thực tế chỉ là bánh vẽ.

Nói cách khác, trong tình hình kinh tế khó khăn, nội bộ đảng bị phân hóa trầm trọng vì chiến dịch đốt lò của ông Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã bắt truyền thông “lề đảng” cố thổi phồng chuyến công du tại Úc để khỏa lấp các tin tức tiêu cực đang xảy ra hàng ngày tại Việt Nam mà thôi.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux