Đây là mộ phần của ngài Soichiro Honda, cha đẻ của hãng Honda nức tiếng, người được mệnh danh là “Power of dream”, một nguồn cảm hứng bất tận không chỉ cho người Nhật mà cho cả thế giới gần một thế kỷ qua.
Một ngôi mộ khiêm tốn nằm bên đồi, gói gọn gàng một cuộc đời khiêm tốn nằm yên ở đấy. Bao năm qua rồi, trên ngôi mộ vẫn những đoá hoa thắm.
Vâng, ai rồi cũng chết. Nhưng chết không có nghĩa là hết. Có những người sống mà cũng như đã chết, chỉ khác là mấy chục năm sau mới làm tang lễ khi người đó tắt thở. Nhưng cũng có những người ngủ yên rồi mà vẫn còn mãi hình ảnh trong lòng những thế hệ sau.
Nhật Bản, quốc đảo, nơi sinh ra những con người vĩ đại nhưng không bao giờ vỗ ngực “muôn năm”, “vạn tuế”. Giả sử, có một nghĩa trang lớn dành cho những người “vĩ đại” chắc các thế hệ sau không còn chỗ mà ở.
Chúng ta sống đây, dù anh là vua chúa hay hành khất, thì cũng chỉ là hạn hữu trên mảnh đất bất niên này. Tôi ủng hộ việc chọn hoả táng và rải tro trên các dòng sông quê nhà. Đời người cuối cùng kết thúc bằng gió bụi, trả lại không gian, đất đai cho các thế hệ kế tiếp, đó là việc nên làm, là cái tâm thực sự dành cho đời sau.
Thì hà cớ gì phải đưa ra đề án 1.400 tỷ xây dựng nghĩa trang cho lãnh đạo cao cấp vậy? Bao nhiêu người “lãnh đạo cao cấp” xứng đáng được nằm trong cái lô đất của muôn đời ấy? Không lẽ những kẻ tham nhũng, hốt tiền dân vào túi tham con cháu cũng xứng đáng được nằm đó sao?
Xưa Võ Tắc Thiên ghê gớm là vậy cũng chỉ xây mộ mình kèm tấm bia: “Để đời sau phán xét”. Đó, hàng nghìn năm trước, một người đàn bà đã nghĩ thế rồi cơ mà?
Đừng lo đời sau quên lãng. Ai có công, họ sẽ ghi nhớ mãi, ghi nhận mãi và tôn thờ mãi trong lòng họ. Còn không, thì cả ngàn vinh lăng cũng chẳng giải quyết được gì.
Không lẽ giờ đọc lại câu ca dao đau đớn một thời:
Vạn niên là vạn niên nào?
Thành xây xương lính hào đào máu dân…
p/s: Ai tính giúp tôi, 1400 tỷ bằng bao nhiêu % cái thương vụ chuyển nhượng Sabeco nhỉ?
Leave a Comment