Làm sao để phân biệt một bác sĩ tốt và một bác sĩ tồi khi chữa bệnh cho bệnh nhân?
Là bác sĩ, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là khám, chẩn đoán chính xác, và điều trị bệnh với kết quả tốt nhất cho bệnh nhân. Song song đó, người bác sĩ không được xâm phạm lợi ích của bệnh nhân để trục lợi. Giả thuyết là nếu điều trị không mổ, bác sĩ sẽ nhận được ít tiền hơn so với điều trị mổ.
Bệnh của bệnh nhân có thể chữa bằng vật lí trị liệu, uống thuốc ít độc hại, thời gian ngắn, không cần phải mổ, nhưng bác sĩ lại yêu cầu bệnh nhân mổ, một biện pháp có nhiều nguy cơ hơn. Có thể là bác sĩ dốt, chuyên môn kém. Nhưng khả năng cao là bác sĩ lợi dụng vị trí của mình, đưa ra một phương thức điều trị không đúng để trục lợi.
Ngược lại, bệnh của bệnh nhân chỉ có thể chữa bằng mổ, nhưng bác sĩ lại yêu cầu không mổ, mà cứ tiếp tục cho uống thuốc, với đủ những thứ thuốc mắc tiền. Trong trường hợp này, nếu đó là bác sĩ mổ loại bệnh đó, thì chắc chắn là bác sĩ dốt. Còn nếu bác sĩ ấy không mổ được bệnh đó, nếu mổ phải chuyển cho bác sĩ khác, thì khả năng cao là bác sĩ đó đã xâm phạm lợi ích của người bệnh để trục lợi.
Bây giờ, ta nhìn vào cái trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dự đoán rằng năm 2020 hoàn tất cao tốc Trung lương – Mỹ thuận, lượng xe đi qua Cai Lậy sẽ giảm đột biến, cho thấy việc xây một con đường tránh là không cần thiết. Chỉ cần các biện pháp làm giảm ùn tắc có tác dụng trong vài năm, như xây cầu vượt ở ngã tư Cai Lậy, là đủ.
Việc Bộ GTVT cho đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1, bắt ép người dân phải nộp tiền mới cho đi, dù có sử dụng đường tránh hay không, cho thấy họ dự kiến được việc, nếu đưa trạm thu phí vào đường tránh sẽ không có người đi. Tức là Bộ GTVT biết rằng, con đường tránh là không cần thiết ngay từ khi chưa có đường cao tốc. Họ không dốt.
Thấy được như vậy nhưng vẫn cứ làm đường tránh, giống như việc bệnh nhân không cần mổ nhưng cứ đè ra mổ. Như vậy, những kẻ quyết định làm con đường tránh Cai Lậy ở Bộ GTVT đã xâm phạm lợi ích của người dân, gây hại cho đất nước để trục lợi.
Việc đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1, bắt ép người dân phải nộp tiền mới cho đi sau khi biết làm đường tránh là không cần thiết nhưng vẫn cứ làm, là hành vi cướp cạn. Nói cho đúng, tập thể những kẻ làm ra con đường tránh và trạm thu phí BOT Cai Lậy, từ kẻ đề xuất đến kẻ kí duyệt, là một nhóm cướp cạn.
Bây giờ, khi người dân đấu tranh, đòi đưa trạm thu phí BOT Cai Lậy vào đúng chỗ của nó, thì Bộ GTVT tìm mọi cách để duy trì trạm ở chỗ cũ, bắt ép người dân phải trả phí, đề ra các biện pháp để ngăn chặn người dân đấu tranh với bọn cướp cạn, thì Bộ GTVT chắc chắn đã bị bọn cướp cạn thao túng.
Việc cấp trên của Bộ GTVT không chịu quyết định đưa trạm BOT Cai Lậy về đúng chỗ của nó cho thấy, hoặc là họ đồng lõa, hoặc là họ bị bọn cướp cạn không chế.
Từ Cai Lậy cứ suy ra các nơi khác.
Leave a Comment